Tâm lý chung của lứa tuổi 17-20, lứa tuổi tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ

Tuổi đầu thanh niên có thể xem là lứa tuổi đẹp nhất, khỏe nhất và có nhiều bước ngoặt lớn. Giai đoạn này, các em bắt đầu vẽ những nét chính cho bức tranh cuộc đời của mình nhằm trả lời câu hỏi lớn nhất đời người: “Tôi sống để làm gì?”.

Các bạn từ 18-20 tuổi đã có khả năng tư duy độc lập, có kỹ năng “mổ xẻ” bản thân khá rõ ràng để tìm hiểu ưu khuyết điểm, sở thích, tính cách và tiềm năng của mình. Đặc biệt động cơ thành đạt bắt đầu phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy các em nhanh chóng chọn cho mình một mắt xích trong sợi dây chuyền sản xuất của xã hội. Đối với các em, hoạt động chọn lựa nghề nghiệp là hoạt động quan trọng nhất.

 

Tâm lý chung của lứa tuổi tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ

 

Hình minh hoạ: Google image

 

Những điều thí sinh nên chuẩn bị về mặt tâm lý trong giai đoạn này

Trong giai đoạn “trăm dâu đổ đầu tằm”, nào là kỳ thi tốt nghiệp, đăng kí chọn ngành, kỳ thi đại học.v.v… thí sinh có 2 điều cần chuẩn bị:

Một là, tư thế chủ động để chuẩn bị từ xa.

Đôi khi nhiều bạn chủ quan “còn cả tháng mới nộp hồ sơ!”, đến gần hạn lại cuống cuồng lên rồi đặt bút chọn một ngành theo cảm tính. Do đó, việc chọn ngành chọn trường phải được suy nghĩ và quyết định từ sớm, thậm chí phải từ đầu cấp học, chậm lắm thì phải tiến hành ngay bây giờ.

Việc ôn thi tốt nghiệp và đại học cũng phải chuẩn bị từ ngay trong lúc còn đang học trên lớp. Cái gì cũng có thời gian chuẩn bị trước, kế hoạch đâu vào đó với một tư thế chủ động thì tâm lý sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Hai là, đả thông tư tưởng để tránh bị căng thẳng

Sự lo âu quá nhiều thứ làm cho thần kinh căng nặng trĩu dẫn đến sút giảm khả năng học tập và trì trệ trong suy nghĩ. Trường hợp này, thí sinh nên “đả thông tư tưởng” của mình. Đối với kì thi tốt nghiệp THPT, đây chỉ là kì thi kiểm tra kiến thức trong 3 năm học nên đề thi vừa phải, học sinh trung bình cũng có thể dễ thở khi làm bài, vì vậy không cần áp lực quá. Riêng kì thi tuyển sinh đại học – cao đẳng, nếu mục tiêu vừa tầm với thì tâm trạng sẽ nhẹ nhàng thôi. Nếu cảm mất tự tin và lo âu căng thẳng thì cẩn thận mục tiêu đã cao hơn tầm với.

Stress trong ôn luyện

Trong giai đoạn “văn ôn võ luyện”, stress là vị khách không mời nhưng thường xuyên tự đến. Thường do 3 nguyên nhân sau:

Một là, thí sinh không đảm bảo sức khỏe, “pin” cạn nhưng không được “sạc” đầy sẽ khiến thần kinh mệt mỏi dẫn đến tiếp thu khém, gây căng thẳng trong học tập. “Căn bệnh” phổ biến của thí sinh khi ôn luyện là không ngủ đủ giấc, ít vận động cơ thể, hay lạm dụng cà phê và các chất kích thích chỉ để tỉnh táo tạm thời.

Thứ hai, ôn tập mà không có chiến lược. Nếu chỉ biết có gì học đó, nhắm mắt cố gắng học tới đâu hay tới đó thì hiệu quả không cao. Tuy nhiên trước khi cất bước trên hành trình ôn tập, chúng ta cần có một tấm bản đồ để để tìm ra con đường ngắn nhất. Đó chính là kế hoạch ôn tập có phương pháp.

Ba là, cha mẹ quan tâm con cái không đúng cách. Nhiều vị phụ huynh dùng phong cách “ngón trỏ” để “giúp” cho con chọn ngành học mà mình thấy “ngon lành” mà không quan tâm đến sở trường và nguyện vọng của con. Nhiều vị phụ huynh khác thì chăm chút cho con từng li từng tí, liên tục hỏi han khiến cho các sĩ tử nhiều khi cảm thấy…phiền phức vì bị quấy rối mất tập trung. Hơn nữa, sự chăm chút quá mức sẽ vô tình ám thị cho con rằng kì thi này là một cái gì đó rất ư là ghê gớm.

Suy nhược thần kinh trong quá trình ôn luyện

Trong giai đoạn thi cử, nhiều thí sinh làm xáo trộn nhịp sinh học hàng ngày do thức khuya dậy sớm, làm việc quá sức dẫn đến suy nhược thần kinh.

Ngoài ra, stress có thể khiến thí sinh rơi vào trạng thái trầm cảm. Biểu hiện là mỗi ngày thí sinh đều thể hiện sự sầu muộn, từ chối những nguồn vui vốn có cộng với một số trong các triệu chứng sau:

-    Giảm hoặc lên cân, giảm hoặc tăng cảm giác ngon miệng bất thường.

-    Mất ngủ hoặc ngủ triền miên.

-    Kích động hoặc trở nên chậm chạp.

-    Mệt mỏi hoặc mất sức.

-    Cảm giác vô dụng, vô giá trị.

-    Giảm khả năng tập trung.

-    Hay nghĩ đến cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.

Tôi đã từng gặp một ca tư vấn về một em học sinh nữ (Q3, Tp.HCM) bị cha mẹ bắt ép thi vào trường Đại học Y Dược Tp.HCM theo truyền thống bác sĩ của gia đình. Tuy nhiên sau khi đấu tranh quyết liệt để được học ngành Thiết kế thời trang mà không thành công, em đã chiều theo ý gia đình và đã uống thuốc ngủ tự vẫn ngay sau khi thi xong môn cuối cùng. (May mắn em được cấp cứu kịp, tuy nhiên sau khi hồi phục em hoàn toàn hờ hững với gia đình).

Phương pháp giữ tâm lý ổn định trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ sắp tới

-    Để an tâm trăm phần trăm với quyết định chọn nghề của mình, thí sinh cần quyết định dựa trên sự suy nghĩ thấu đáo. Cần trả lời rõ ràng câu hỏi: Nghề này làm gì? Mình có thích nghề này không? Mình có hợp với nghề này không? Khả năng có việc làm và cơ hội phát triển cao hay không? Những quyết định vội vàng, chưa tính toán kỹ sẽ làm cho bạn cảm thấy lo lắng, dễ thay đổi.

-    Ngoài ra, để an tâm về kì thi sắp tới, thí sinh nên có tầm nhìn thoáng hơn, đừng đặt mục tiêu quá cao. Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường dễ bị stress gấp nhiều lần những người biết chấp nhận rằng mình chưa hoàn hảo. Ngoài ra, đừng xem việc thi cử là điều gì quá ghê gớm, cứ xem đống bài kia là một thử thách mà chúng ta cần cố gắng hết sức chứ đừng để tâm trí nghĩ rằng việc học là một món nợ sách đèn.

-    Bên cạnh đó thí sinh cần giữ sự giao tiếp với bạn bè, với người thân trong gia đình, đừng tự nhốt mình hay cách ly với mọi người để học. Họ có thể là những chỗ dựa tinh thần tuyệt vời và “tám” với mọi người cũng là liệu pháp xả stress cực kì hiệu quả.

-    Cuối cùng, hãy ngủ nghỉ và ăn uống đủ giấc. Thỉnh thoảng thay món cho não bằng cách đi dạo, chơi thể thao hay vào bếp trổ tài nấu nướng chẳng hạn.

“Thà để giọt mồ hôi rơi trên trang sách còn hơn là giọt nước mắt cuối mùa thi”. Mọi sự cố gắng sẽ được đền đáp nếu chúng ta biết đặt sự cố gắng đó đúng chỗ.

Ngoài ra, để đến thành công, có nhiều con đường để đi, đại học – cao đẳng cũng chỉ là một trong rất nhiều con đường. Bản lĩnh con người nằm ở chỗ chúng ta biết mình là ai và con đường nào là phù hợp.

THS NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU

Khoa Tâm lý Giáo dục, Đại học Sư phạm Tp.HCM