Sử dụng linh hoạt đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn

Do vậy, giáo viên cần sử dụng linh hoạt nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá: Giáo viên đánh giá học sinh, học sinh tự đánh giá mình; kiểm tra miệng, kiểm tra trong quá trình học bài mới, kiểm tra vở, kiểm tra bằng các bài tập nhỏ, bài tập lớn… theo định hướng phát triển năng lực của học sinh.

Khuyến khích các trường tổ chức kiểm tra chung bài kiểm tra định kì

Chia sẻ về chỉ đạo về kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn của Sở GD&ĐT Phú Yên, ông Ngô Ngọc Thư cho biết, về hình thức kiểm tra, Sở GD&ĐT yêu cầu với các tiết bài viết tập làm văn, giáo viên thực hiện theo phân phối chương trình và phải thực hiện đúng yêu cầu của tiết bài viết (nghị luận văn học hay nghị luận xã hội; làm ở lớp hay làm ở nhà; 1 tiết hay 2 tiết).

Các bài kiểm tra định kì, giáo viên nhất thiết phải ra đề gồm nhiều câu, có tính phân hóa ở nhiều cấp độ kiến thức nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Khuyến khích các trường tổ chức kiểm tra chung các bài kiểm tra định kì để đảm bảo tính phân hóa, khách quan về chất lượng dạy học bộ môn.

Đổi mới việc ra đề kiểm tra theo hướng đề mở

Với nội dung kiểm tra, Sở GD&ĐT Phú Yên nhấn mạnh giáo viên cần đầu tư đổi mới việc ra đề kiểm tra theo hướng đề mở, tạo những "khoảng trống" để học sinh phát huy được những suy nghĩ, cảm xúc riêng có tính sáng tạo.

Đề ra bài viết định kì ở nhà được thực hiện theo hướng mở, nội dung thiết thực, chú trọng kĩ năng thực hành, tránh tình trạng học sinh sao chép tài liệu, ghi nhớ máy móc.

Giáo viên cần bám sát ma trận, cấu trúc đề thi minh họa THPT quốc gia của Bộ, Sở GD&ĐT trong các kì thi chung để biên soạn các đề kiểm tra sao cho phù hợp với đối tượng học sinh và đặc thù của đơn vị mình.

Cần mạnh dạn đưa các ngữ liệu mới ngoài sách giáo khoa để đánh giá thực chất năng lực học tập của học sinh theo định hướng đổi mới kiểm tra, đánh giá mà Bộ, Sở GD&ĐT hướng dẫn.

Xây dựng đáp án chuẩn xác, chấm bài cần phải linh hoạt, sáng tạo

Sở GD&ĐT Phú Yên yêu cầu giáo viên ra đề thi cần xây dựng đáp án chuẩn xác, rõ ràng. Theo đó, trong quá trình chấm các đề mở cũng cần phải linh hoạt, sáng tạo; cần khuyến khích những bài viết có cảm xúc, ý tưởng mới mẻ, sáng tạo, đảm bảo tính giáo dục.

Đối với các đề kiểm tra chung do Sở GD&ĐT biên soạn, trước khi chấm bài, các đơn vị cần tổ chức thảo luận, thống nhất hướng dẫn chấm trong toàn tổ chuyên môn để đảm bảo tính thống nhất và công bằng cho học sinh.

Ở các tiết trả bài viết, giáo viên thực hiện đúng quy trình của một tiết trả bài (hướng dẫn lập dàn ý; nhận xét ưu - khuyết điểm; hướng dẫn học sinh chữa các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp, dựng đoạn..., đọc bài mẫu; trả bài) để học sinh rút kinh nghiệm trong các bài viết tiếp theo; không dùng tiết trả bài này để giảng dạy nội dung các bài học khác.

Luôn cần thiết phải thống kê kết quả từ bài kiểm tra để đánh giá lại đề ở độ khó, độ tin cậy từ đó điều chỉnh việc dạy của giáo viên và việc học của học sinh.

Các tổ chuyên môn cần tổ chức, phân công giáo viên biên soạn ma trận đề thi và đáp án để làm tư liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh trong quá trình giảng dạy và học tập trong nhiều năm.

Lưu ý dạy học tự chọn và dạy các bài đọc thêm

Về nội dung này, Sở GD&ĐT Phú Yên yêu cầu giáo viên dạy học tự chọn theo các chủ đề bám sát và nâng cao (theo từng ban đối với cấp THPT) Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn và theo kế hoạch dạy học của đơn vị.

Các bài có phân bổ thời lượng 15 phút hoặc phân bố 2 bài/ tiết, dạy theo cách: Giáo viên cho học sinh đọc, hướng dẫn các em nắm được giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc chung nhất của văn bản. Nêu một số câu hỏi đề các em về nhà tự đọc và tìm hiểu thêm;

Các bài có phân bố thời lượng từ 1 đến 2 tiết: tùy vào dung lượng bài học, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh theo hướng Đọc-hiểu văn bản bình thường.


Thi tot nghiep THPT
. Tuyen sinh 2017

 

Theo GDTĐ, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/su-dung-linh-hoat-doi-moi-kiem-tra-danh-gia-mon-ngu-van-2462037-v.html