Nên hay không?

Bé Nguyễn Đăng Khoa, 8 tuổi, nhận chiếc máy tính bảng từ tay mẹ. Cậu học sinh lớp 2 đăng nhập vào máy, ngay lập tức mở trò chơi Rocket Dog đang gây sốt cộng đồng. Máy tính bảng gần như đã trở thành một công cụ giải trí phổ biến. Học sinh lớp 1, lớp 2 ngày nay thậm chí còn sử dụng thành thạo hơn cả các bậc phụ huynh. Nhưng, máy tính bảng liệu có thể làm được nhiều hơn là một công cụ giải trí?

Các chuyên gia, nhà khoa học, ban ngành giáo dục và phụ huynh học sinh đang đưa ra hàng loạt câu hỏi liên quan đến “Đề án thí điểm chương trình sách giáo khoa (SGK) điện tử lớp 1, 2, 3 bậc tiểu học tại TP.HCM” được Sở GD-ĐT TP.HCM công bố cách đây chưa đầy 04 tháng. Và xa hơn nữa là việc sử dụng máy tính bảng, công nghệ số vào giáo dục có thật sự đúng thời điểm.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục thời điểm này là thích hợp và phù hợp với xu thế của thời đại. Sử dụng máy tính bảng không chỉ là cơ hội của học sinh mà còn là cơ hội của giáo viên để họ tiếp cận những mô hình, phương pháp giảng dạy hiện đại.

Số hóa giáo dục: Không thể đứng ngoài xu hướng

Học sinh đang học tập với máy tính bảng Galaxy Note 10.1

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến tích cực từ cán bộ đào tạo, giáo viên, một bộ phận không nhỏ phụ huynh bày tỏ không ít lo ngại về vấn đề này. Họ lo ngại trẻ em lứa tuổi từ lớp 1 đến lớp 3 còn rất mê chơi, máy tính bảng có thể chỉ là máy chơi game do đó sẽ ảnh hưởng đến việc học tập.

Chuyện ở các nước phát triển

Vào những năm đầu thế kỷ 19, cuộc cách mạng công nghiệp bùng nổ, mô hình đại học Humboldt ra đời loại bỏ yếu tố tôn giáo, chính trị ra khỏi giáo dục. Thế kỷ 20, cách mạng khoa học kỹ thuật công nghệ kéo theo hệ thống giáo dục mở rộng. Trường học chào đón tất cả học sinh không phân biệt giới tính, trẻ em khuyết tật cũng có cơ hội đến trường. Bước sang đầu thế kỷ 21, khi internet làm bùng nổ cơn bão công nghệ, các thiết bị điện tử len lỏi từng ngõ ngách trong cuộc sống, thì giáo dục đã vượt khỏi biên giới của một quốc gia. Công nghệ hiện đại cho phép một học sinh Việt Nam có thể học tập giáo trình chuẩn quốc tế thông qua Khan Academy, Coursera hay edX.

Có thể thấy, cuộc cách mạng công nghệ luôn đi kèm với cuộc cách mạng giáo dục. Khi xã hội mở cửa, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của kinh tế và kết nối toàn cầu, mang lại lợi ích to lớn cho các ngành công nghiệp truyền thống. Vậy thì không có lý do gì để ngành giáo dục đứng ngoài cuộc.

Trong khi Việt Nam còn đang bàn cãi, tranh luận về đề án của sở GD-ĐT, thì chính phủ Thái Lan, năm 2012, đã cấp máy tính bảng cho 1.8 triệu trẻ em, tất cả đều mới vào lớp 1. Đồng thời, trong một dự án khác, tổ chức One tablet per Child đã cung cấp 1.22 triệu máy tính bảng cho học sinh trên cả ba miền đất nước.

Trước Thái Lan, các nước Úc, Mỹ, Pháp, Singapore, Hàn Quốc và nhiều nước khác trên thế giới đã sớm nhận thấy tầm quan trọng và hiệu quả tối ưu của số hóa giáo dục.

Cụ thể, trường Trung học Daegu, Hàn Quốc, một trong những trường trung học đầu tiên áp dụng mô hình “Lớp học thông minh” được phát triển và cung cấp bởi hãng điện tử nổi tiếng Hàn Quốc, Samsung Electronics. Đây là mô hình học tập dựa trên giải pháp Samsung School với bảng trắng điện tử Magic IWB (Interactive White Board) 65-inch, SGK điện tử, phần mềm tương tác giữa bảng điện tử và máy tính bảng Samsung Galaxy Tab cùng với công nghệ quản lý chặt chẽ nội dung hiển thị và truy cập.

Từ khi áp dụng giải pháp học tập với Samsung School, giáo viên và học sinh ở đây không còn học “chay” như trước nữa. Các thí nghiệm vật lý, phản ứng sinh học hay các cuộc chiến tranh lịch sử được mô phỏng trên máy tính bảng với hình ảnh, âm thanh, màu sắc hay bằng các video sống động như thật làm cho bài học trở nên sinh động và dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Điều này sẽ không thể có được khi chỉ sử dụng sách giáo khoa truyền thống. Ngoài ra, các bài tập trắc nghiệm hay các câu đố lý thú cho từng bài học cũng được xen lồng trong lớp giúp các em tập trung và nhớ bài tốt hơn.

Sự tương tác giữa các thiết bị điện tử trong giải pháp Samsung School cũng cho phép các em học sinh chia sẻ thông tin bài học qua máy tính bảng, cùng nhau thảo luận và trình bày ý kiến giúp tăng các kỹ năng thuyết trình và giao tiếp. Giáo viên có thể dễ dàng chia sẻ nội dung bài giảng từ máy tính bảng của mình lên bảng điện tử hoặc chia sẻ trực tiếp nội dung lên máy tính bảng của từng em, hoặc khi giáo viên ghi chú, viết, vẽ trên bảng điện tử thì nội dung này được lưu lại trong máy tính bảng của các em giúp cho việc ôn bài hiệu quả hơn.

Báo Đất Việt, tin gốc: http://baodatviet.vn/giao-duc/chuyen-giao-duc/so-hoa-giao-duc-khong-the-dung-ngoai-xu-huong-3227832/