Sự kiện:  GIÁO DỤC | TUYỂN SINH | SAU ĐẠI HỌC | THẠC SĨ | MBA

Siết kỷ cương, nâng chất lượng trong giáo dục đại học

Sáng qua, 22-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị giáo dục đại học (GDĐH) năm 2013. Hội nghị được thực hiện trực tuyến tại 6 điểm cầu trên cả nước (Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ).

Trong kỳ tuyển sinh năm 2013, Bộ GDĐT sẽ siết chặt kỷ cương, nâng cao chất lượng trong giáo dục đại học. Trong ảnh: Sinh viên Khoa Cơ khí của một trường đại học trong giờ thực hành.

 

Siết chặt quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học

Siết chặt kỷ cương, nâng cao chất lượng đào tạo thạc sĩ

Luật giáo dục đại học được quốc hội thông qua

Báo cáo của Bộ cho biết, trong năm học vừa qua, nhiều văn bản  quan trọng đã được xây dựng, trong đó Luật GDĐH đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1-1-2013.

Bộ đã tiến hành phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH đi kèm với tăng cường kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý. Hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong GDĐH trong năm qua cũng được củng cố.

Bộ đã tổ chức 2 đợt kiểm tra việc thực hiện cam kết thành lập trường đối với 62 trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) trong cả nước. Qua kiểm tra, Bộ đã đình chỉ tuyển sinh (năm 2012) đối với 5 trường và 17 ngành đào tạo. Đây được coi là thời điểm đánh dấu giai đoạn chuyển hướng nâng cao chất lượng GDĐH, sàng lọc các cơ sở GDĐH yếu kém, không có đủ điều kiện bảo đảm chất lượng. “Nếu trong năm 2013 những sai sót này không được khắc phục, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét tạm dừng hoạt động hoặc giải thể trường”, báo cáo của Bộ nhấn mạnh.

Dừng tuyển sinh 161 ngành không đáp ứng yêu cầu chất lượng

Trong lĩnh vực đào tạo sau đại học, trong năm học vừa qua, Bộ cũng đã dừng tuyển sinh đào tạo thạc sĩ đối với 161 ngành không đáp ứng yêu cầu chất lượng và 9 cơ sở đào tạo thạc sĩ thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội do không có báo cáo thống kê.

Ngoài ra, để chấn chỉnh hoạt động liên kết đào tạo đại học và sau đại học với nước ngoài, Bộ đã tiến hành kiểm tra việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và phát hiện 22/30 trường có vi phạm, trong đó có 5 trường không đạt cả 2 tiêu chí. Một số trường còn tuyển vượt cả chỉ tiêu đã xác định vượt năng lực.

Bộ này cũng cho hay, qua thanh tra, kiểm tra các điều kiện bảo đảm chất lượng cho thấy các trường đã có ý thức xây dựng đội ngũ giảng viên. Trong năm học 2011-2012, đội ngũ giảng viên cơ hữu của khối GDĐH trong cả nước là trên 84.000 người, tăng so với năm học trước trên 9.500  người (gần 13%).  Trong khi đó, quy mô đào tạo ĐH-CĐ hệ chính quy là trên 1,74 triệu sinh viên, trong đó trên 1 triệu sinh viên là hệ ĐH (chiếm 56,6%) và 702.000 sinh viên cao đẳng (chiếm 43,4%).

Quy mô đào tạo thạc sĩ tăng nhanh

Số liệu thống kê trong 3 năm gần đây cho thấy, tỷ lệ sinh viên hệ tại chức giảm nhanh (năm học 2011-2012 chỉ còn 401.000 sinh viên so với gần 500.000 sinh viên của năm học 2009-2010) nhưng quy mô đào tạo thạc sĩ lại tăng nhanh.

Năm học 2011-2012, quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cả nước là trên 96.000 người. Hiện Bộ đang điều chỉnh quy chế đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ theo hướng tăng cường kiểm soát chất lượng.

Mập mờ đào tạo liên thông

Đối với đào tạo liên thông, do những quy định về chương trình đào tạo, tuyển sinh và quản lý đào tạo chưa chặt chẽ, mập mờ, dễ dãi trong xác định và giao chỉ tiêu tuyển sinh trong những năm trước đây nên chỉ trong một thời gian ngắn, số trường ĐH đào tạo liên thông tăng nhanh, chất lượng đào tạo giảm sút. Năm 2011, có tới 34/42 trường tuyển sinh liên thông hệ chính quy (81%); 8/42 trường đào tạo liên thông hệ tại chức (19%); 21/42 trường tuyển sinh liên thông người có bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng loại trung bình, không cần thâm niên công tác (50%).

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, số trường vi phạm quy chế đào tạo liên thông hệ chính quy là rất lớn. Nhiều trường đào tạo liên thông từ trung cấp lên  ĐH, từ trung cấp nghề lên ĐH và CĐ, từ CĐ nghề lên ĐH chưa có phép của Bộ GD-ĐT theo quy định; tổ chức đào tạo liên thông chính quy ngoài cơ sở đào tạo không đúng với quy định hiện hành; xác định chỉ tiêu tuyển sinh và thực hiện tuyển sinh vượt quá năng lực của trường. Những điều này đã gây bức xúc trong dư luận, phản ứng của người học. Đó chính là lý do Bộ GD-ĐT đã ban hành quy chế đào tạo liên thông mới theo hướng siết chặt điều kiện tuyển sinh liên thông.

Đội ngũ giảng viên đại học chưa theo kịp quy mô đào tạo

Mặc dù đội ngũ giảng viên trong các cơ sở GDĐH tăng nhanh, nhưng chưa theo kịp về quy mô đào tạo. Hiện toàn ngành mới chỉ có 286 Giáo sư (chỉ chiếm 0,5%), 2.009 Phó Giáo sư (3,37%), 8.519 tiến sĩ (14,27%), 28.037 thạc sĩ (47%). Đáng chú ý, lực lượng giảng viên tham gia đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ chỉ đạt 14,77%. Do thiếu công trình nghiên cứu khoa học nên các trường ĐH Việt Nam luôn bị xếp hạng thấp so với các ĐH trên thế giới và khu vực.

Chất lượng đào tạo hệ không chính quy thấp

Một thực tế mà xã hội bức xúc trong thời gian qua cũng được Bộ GD-ĐT thừa nhận, đó là chất lượng đào tạo của hệ không chính quy thấp khiến nhiều địa phương, người sử dụng lao động từ chối tuyển dụng, cùng với đó công tác quản lý hệ đào tạo không chính quy cũng còn nhiếu bất cập, điển hình nhất là việc để mất cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo; mất cân cối về hình thức đào tạo (chủ yếu là đào tạo hệ tại chức); việc đào tạo lộn xộn (không bảo đảm cơ sở vật chất, không coi thi và kiểm tra nghiêm túc, cắt xén giờ giảng, học hộ, thi hộ…); điều kiện bảo đảm chất lượng trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ rất hạn chế (đào tạo trái quy định, chất lượng thấp…).

Tuyển sinh 2013: Siết chặt kỷ cương nâng cao chất lượng

Năm 2013, Bộ GD-ĐT nêu quyết tâm siết chặt kỷ cương, nâng cao chất lượng đào tạo. 3 nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra gồm: hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật giáo dục đại học, tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng; tăng cường bảo đảm chất lượng trong tất cả các khâu; giữ vững nguyên tắc, lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động GD-ĐT, tiếp tục tăng cường thanh kiểm tra để chấn chỉnh các sai phạm.

Bộ nêu rõ sẽ giảm chỉ tiêu đào tạo tại chức (còn 50% tổng chỉ tiêu đào tạo); liên thông chính quy (không vượt quá 20% tổng chỉ tiêu đào tạo chính quy của trường). Quyết tâm này được các trường hoàn toàn ủng hộ, nhất là việc chấn chỉnh sai phạm, chấn chỉnh mở ngành.

Kênh Tuyển Sinh ( Theo Sài Gòn Giải Phóng)