SEQAP giúp giáo viên “tâm yên, nghiệp vững”

Học sinh của các trường tham gia SEQAP đã chủ động và tự tin trong các giờ họcHọc sinh của các trường tham gia SEQAP đã chủ động và tự tin trong các giờ học
GD&TĐ - Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) đã mang lại luồng gió mới cho các trường tiểu học vùng khó. Điều đáng nói là, không chỉ học sinh mà giáo viên cũng được thụ hưởng những hỗ trợ từ chương trình này.

Họ coi đó như một lời động viên, khích lệ tinh thần làm việc; từ đó thêm động lực để tiếp tục bám trường, bám lớp, đem ánh sáng tri thức đến với các em học sinh ở những nơi còn nhiều gian khó.

Giúp giáo viên yên tâm công tác

Là một trong những trường khó khăn nhất của huyện Tri Tôn (An Giang), Trường Tiểu học Lạc Quới  đã được chọn tham gia Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học, triển khai mô hình dạy học cả ngày (FDS) với phương án dạy học T30 (khoảng 30 tiết/tuần).

Qua trò chuyện và tiếp xúc với các thầy, cô giáo, hầu hết đều cho rằng, những hỗ trợ phù hợp của chương trình đã giúp cán bộ, giáo viên yên tâm công tác, chất lượng giáo dục nhà trường không ngừng được nâng lên.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Ngọc Mến - giáo viên Trường Tiểu học Lạc Quới cho hay: “Kể từ khi chuyển từ học một buổi sáng sang học cả ngày với phương án dạy học T30, học sinh đã chủ động và tích hơn trong các hoạt động giáo dục.

Không khí học tập luôn sôi nổi, cả thầy và trò đều hào hứng trong mỗi giờ học. Đặc biệt từ khi áp dụng mô hình dạy học cả ngày, hàng tháng giáo viên chúng tôi đều được hỗ trợ tiền thừa giờ với mức trung bình từ 3 - 4 tiết/tuần.

Điều đó đã góp phần nâng cao thu nhập cho giáo viên vùng khó, giảm bớt những khó khăn về tài chính. Từ đó, giáo viên yên tâm công tác và chuyên tâm vào công việc giảng dạy”.

Phấn khởi trước những đổi thay từ SEQAP mang lại, thầy Hoàng Đức An - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Cam An, Cam Lộ, Quảng Trị) bộc bạch: Ngoài những giáo viên được hỗ trợ thanh toán tiền dạy tăng giờ; kể từ tháng 1/2014 đến nay, hiệu trưởng và kế toán nhà trường cũng đã được hưởng 20% lương mỗi tháng; học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, nhà xa trường còn được hỗ trợ tiền ăn trưa với mức 15.000 đồng/suất.

Song theo thầy An, cái được lớn nhất kể từ khi tham gia SEQAP đó là: Hàng năm, giáo viên của trường đều được tạo điều kiện học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và được tham gia các chuyên đề do cấp phòng, tỉnh tổ chức… Từ đó, giáo viên đã vận dụng sáng tạo vào mỗi tiết học, giúp mỗi tiết học trở nên sinh động và hấp dẫn hơn.


 

SEQAP giúp giáo viên “tâm yên, nghiệp vững” - Ảnh 2
Cô, trò cùng tham gia các hoạt động vui chơi

SEQAP tiếp thêm động lực để vươn lên từ gian khó

“SEQAP đã có một số chính sách rất tốt cho cả giáo viên và học sinh” - đó là nhận định của nhiều cán bộ quản lý giáo dục. Ông Bùi Đức Quang - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Hậu Giang) bày tỏ sự tâm đắc của mình:

“SEQAP đã kết hợp với một số chính sách của tỉnh, cho phép các địa phương, đơn vị trả thêm tiền lương cho giáo viên dạy tăng buổi. Cụ thể, tại tỉnh Hậu Giang, SEQAP đã hỗ trợ 50% kinh phí để chi trả tiền làm thêm giờ cho giáo viên. Ngoài ra, đối với cán bộ quản lý như hiệu trưởng, hiệu phó, kế toán, những người trực tiếp tham gia dự án này cũng được hỗ trợ 15% mức lương mỗi tháng.

Nhờ những hỗ trợ thiết thực như trên mà đi đến bất cứ ngôi trường nào, chúng tôi cũng cảm nhận được không khí làm việc hăng say, tận tụy của các thầy, cô giáo. Vì vậy, có thể nói SEQAP đã tiếp thêm động lực để mỗi cá nhân, mỗi tập thể nhà trường phấn đấu vươn lên từ trong gian khó”.

Tương tự như ở Hậu Giang, tại tỉnh Lào Cai, bà Trần Thị Minh Thu - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT) cho biết: Với những trường đạt tỷ lệ giáo viên/lớp là 1,3, SEQAP sẽ cùng với địa phương hỗ trợ thêm cho các trường theo phương thức 50/50 để chi trả tiền làm việc tăng giờ của cán bộ, giáo viên. Đây cũng được coi là nguồn động viên, khích lệ để họ cố gắng hơn trong công việc.

Bên cạnh đó, SEQAP còn hỗ trợ các nhà trường thông qua các quỹ như: Quỹ Giáo dục nhà trường, Quỹ Phúc lợi học sinh, hai quỹ này đã giúp các trường đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài. Ví dụ, những học giỏi, chăm ngoan sẽ có thêm phần thưởng động viên các em tiếp tục phát huy và cố gắng hơn nữa trong học tập.

“Ngoài ra, SEQAP cho phép các trường có thể cân đối các hoạt động của nguồn Quỹ Giáo dục nhà trường, từ đó có một phần hỗ trợ cho người cấp dưỡng. Tuy nhiên, thực tế hầu hết các trường ở Lào Cai đều cắt cử giáo viên tự đứng ra tổ chức nấu ăn cho học sinh để không phải thuê người nấu. Số tiền đó sẽ được nhà trường bổ sung vào khẩu phần ăn bữa trưa cho các em học sinh. Tôi cho rằng, đó cũng là một cách làm hay” - bà Thu chia sẻ.

Kênh tuyển sinh (Theo Giaoducthoidai.vn)