Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết cơ cấu lại hệ thống trường đại học, cao đẳng là một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm học 2015 – 2016.

Cơ cấu lại hệ thống ĐH, CĐ là một việc lớn, cần phải bàn thảo cụ thể với từng chủ thể liên quan như các cơ quan chủ quản, các địa phương, các nhà đầu tư đối với khối tư thục và các trường, trước hết là các trường khó tuyển sinh trong mấy năm gần đây”.

Sẽ thu hẹp khối trường đại học công lậpẢnh: Lê Anh Dũng

Nội dung của việc cấu trúc lại hệ thống đã được phác thảo như: Thống nhất tên gọi các trình độ đào tạo; điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ phù hợp với các quy định của Luật Giáo dục Đại học và Luật Giáo dục Nghề nghiệp, trong đó chú trọng quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm; Chuyển đổi các trường đại học dân lập sang mô hình tư thục theo quy định của Luật Giáo dục Đại học; Hạn chế tối đa việc nâng cấp và thành lập mới các trường đại học, cao đẳng công lập…

Trong bối cảnh có một số trường ĐH, CĐ, Trung cấp ở các địa phương gặp khó khăn trong tuyển sinh những năm gần đây, bà Phụng cho biết Bộ GDĐT sẽ phối hợp với các Bộ, Ngành, UBND các địa phương và cơ sở đào tạo để bàn về các vấn đề: chuyển đổi ngành đào tạo, giải thể, sáp nhập, chuyển cơ sở đào tạo thành phân hiệu các trường đại học có uy tín… để sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư và đội ngũ giảng viên, giảm thiểu các cơ sở không đảm bảo chất lượng.

“Thực tế tuyển sinh những năm gần đây cho thấy có một số cơ sở giáo dục đại học gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh, điều này gây lãng phí nguồn lực đầu tư nên cần tính toán các giải pháp khắc phục có hiệu quả”. Bà Phụng khẳng định, khi thực hiện cấu trúc lại hệ thống, cả trường công và trường tư sẽ đều nằm trong “tầm ngắm”. Việc sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống phụ thuộc vào mục tiêu chiến lược đào tạo của các bộ, ngành và địa phương; phụ thuộc vào kế hoạch phát triển trường của các nhà đầu tư (đối với các trường ngoài công lập). Bộ sẽ làm việc cụ thể với các cơ quan trực tiếp quản lý các trường để có giải pháp phù hợp.

“Việc cấu trúc lại sẽ tác động tới cả trường công lẫn trường tư nhưng nên theo những hướng khác nhau: Cần thu hẹp khối trường công, nhất là các trường chưa đảm bảo chất lượng, người học không lựa chọn..

Đồng thời, cũng cần tiếp tục nghiên cứu, tìm giải pháp, lắng nghe ý kiến, bàn thảo… với các trường tư để hỗ trợ các trường tư duy trì, phát triển được để thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục đào tạo. Việc đình chỉ hoạt động, giải thể các trường tư chỉ thực hiện khi có vi phạm đến mức phải đình chỉ hoạt động, giải thể theo quy định của pháp luật. Còn việc sáp nhập, chia, tách, chuyển nhượng, giải thể khác đối với các trường tư phải do chính các nhà đầu tư quyết định”.

Ông Trần Đức Cảnh (từng là Giám đốc Đào tạo và Phát triển Nguồn nhân lực cho bang Massachutsetts; Thành viên Hội đồng Liên trường đại học vùng Đông Bắc bang Massachutsetts): "Việt Nam cần giảm 1/3 số lượng trường công"

Theo mô hình phát triển nguồn nhân lực nhằm tăng năng suất và hiệu quả nguồn lao động từng lĩnh vực ngành nghề, ông Trần Đức Cảnh đề xuất trong 20 năm tới, về ĐH công sẽ có 15 trường thuộc nhóm 1 - ĐH nghiên cứu, 60 trường thuộc nhóm II, 40 trường nhóm II (ĐH 4 năm) và 80 trường CĐ nhóm IV (2 năm).

Như vậy, tổng cộng số trường ĐH, CĐ công lập theo mô hình này còn chưa tới 200 trường. So với khoảng 320 trường công lập ở thời điểm hiện tại, số lượng trường công đã giảm khoảng 1/3.

Nguyễn Thị Kim Phụng, Bộ GD-ĐT, Nguyễn Minh Thuyết, Trần Đức Cảnh, Lê Trường Tùng, ĐH FPT, cơ cấu

“Đề xuất này nghiên cứu và lập kế hoạch sáp nhập phần lớn các trường công lập chuyên ngành thành trường đa ngành, tập trung nguồn lực và quản lý hiệu quả hơn so với sự phân tán hiện tại.

Để thực hiện được mô hình ĐH đa ngành này cần phải có kế hoạch tái cấu trúc mạnh mẽ và quyết liệt, tổ chức thành một trường ĐH lớn đa ngành thật sự chứ không phân cấp theo như mô hình ĐH quốc gia. Đồng thời phải xây dựng một không gian và môi trường sống - học tập tốt, thông thoáng, do đó việc di dời số lớn các trường ra ngoại ô các trung tâm hiện nay là tất yếu.

Nếu bắt tay thực hiện, đầu tiên sẽ bị phản ứng bởi các nhóm lợi ích. Trước đây, “tôi” là hiệu trưởng một trường, nay chỉ làm trưởng một khoa chắc chắn “tôi” không đồng ý. Đó là chưa nói tới những quyền, đặc lợi khác. Đây là vấn đề chính trị nội bộ phức tạp, không dễ dàng giải quyết trong thời gian ngắn.

Nhưng vấn đề ở đây là quyền lợi của sinh viên, quyền lợi lâu dài của nhà nước về đầu tư tài chính vào hoạt động của trường, hiệu quả tối đa nguồn lực hiện có của trường.

Đối với đại học ngoài công lập, đa số các trường phát triển theo hướng đa ngành, và vì không lệ thuộc vào ngân sách Nhà nước nên các trường các trường phải tự sắp xếp, tính toán hiệu quả để tồn tại và phát triển". (Chi Mai ghi)

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: "Cứ để thị trường quyết định"

"Nếu có tiếp tục mở trường mới, phải quy hoạch ngay từ đầu là những trường đại học đủ tầm, đủ lực để đào tạo.

Hiện nay, dù không tuyên bố, nhưng thực chất có những trường ngoài công lập đã chết rồi, việc các trường bị mua đi bán lại là minh chứng cho điều đó. Tôi cho rằng nếu đi theo con đường doanh nghiệp, đại học không thành công. Đi theo con đường không vì lợi nhuận, trường sẽ thành công. Nhưng nếu vẫn giữ chính sách như hiện nay sẽ không làm được.

Đối với các trường công lập hoạt động không hiệu quả không, tốt nhất là để cho thị trường quyết định. Nếu trường mà không đào tạo được chắc phải có hai cách, một là giải thể, hai là tự nhập lại với nhau.

Đối với các trường công lập, nếu còn muốn trường tồn tại và phát triển, các địa phương, các ngành chủ quản sẽ phải vào cuộc giúp trường định hướng lại. Ví dụ như trường bằng lòng trở lại làm trường cao đẳng tốt, thậm chí là trung cấp, đào tạo nghề cứng thì còn tốt hơn làm một trường ĐH yếu". (Ngân Anh ghi)

TS Lê Trường Tùng, chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT: "Khai tử trường đại học như giải thể ngân hàng"

"Tôi lấy ví dụ như lĩnh vực tài chính ngân hàng chẳng hạn. Các ngân hàng yếu kém thì nhà nước cũng phải đưa ra một lộ trình để tự ngân hàng tự cải tổ chính mình trước. Nếu không cải tổ được thì sát nhập ngân hàng. Hoặc các biện pháp mạnh khác như nhà nước mua lại ngân hàng với giá 0 đồng.

Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo cũng sẽ có những cái điều chỉnh như vậy.

Tôi nghĩ các chính sách nên nhất quán giữa trường tư và trường công. Bởi vì về mặt nguyên tắc, đòi hỏi của xã hội về chất lượng phải cao không phân biệt giữa trường tư và trường công.

Và tôi nghĩ, sẽ mạch lạc, rõ ràng, minh bạch với các trường thì nên nhìn theo góc độ đầu tư, nhà nước nên vạch ra một hành lang quy định thế nào là một trường đủ điều kiện hoạt động. Và có lộ trình, để trường đại học nào không đủ vốn đầu tư thì 3 năm phải làm mọi cách để tăng vốn đầu tư lên, kể cả các trường công. Các trường này phải huy động vốn, hoặc phải sát nhập vào một trường khác, không thì phải chuyển xuống cấp thấp hơn như CĐ, Trung cấp.... với mức độ đầu tư thấp, phù hợp hơn. Quy định này thực hiện trong 3 năm, các trường không đủ vốn thì phải đầu tư đủ mới được tồn tại.

Do đó, chỉ cần ký một văn bản, kiểm soát chặt chuyện ấy thì sau 3 năm - bức tranh về giáo dục Việt Nam sẽ có những thay đổi rất lớn". (Hoài Bắc ghi)

Theo Vietnamnet, nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/269857/se-thu-hep-khoi-truong-dai-hoc-cong-lap.html