Sẽ ngưng mở ngành đào tạo “trái tay”

Bộ GD-ĐT vừa phát đi thông điệp: từ năm 2013 sẽ hướng đến việc tạm dừng mở mới các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, quản lý.

ngung tuyen sinh, mo nganh moi, tuyen sinh, thong tin tuyen sinh, giao duc, kenh tuyen sinh, tuyen sinh 2013, tuoi tre dai hoc hoa sen

 

Sinh viên Trường ĐH Hoa Sen nhận bằng tốt nghiệp sáng 18-12 Ảnh: Minh Giảng

Sinh viên tài chính - ngân hàng khó tìm việc

Ngày 18-12, Trường ĐH Hoa Sen đã trao bằng tốt nghiệp cho hơn 1.300 sinh viên, học sinh của trường. Theo thống kê của trường, có 83% học sinh, sinh viên có việc làm ngay khi tốt nghiệp, thấp hơn so với 90% của năm trước. Đáng chú ý là sinh viên tốt nghiệp ngành tài chính - ngân hàng khó tìm việc hơn so với sinh viên các ngành khác do khó khăn của ngành ngân hàng thời gian gần đây. Ông Hoàng Đức Bình, trưởng phòng truyền thông - tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, cho biết trung bình chung toàn trường có 83% sinh viên có việc làm khi tốt nghiệp, trong khi nhóm ngành tài chính - ngân hàng chỉ trên 70%. Hiện nay hầu như các ngân hàng không tuyển mới nhân viên nên sinh viên đi xin việc rất khó khăn.

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, hiếm có trường ĐH ngoài công lập nào lại không đào tạo ngành kinh tế - quản lý. Thống kê năm 2010 của Bộ GD-ĐT cho thấy nhóm ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng có số đăng ký tuyển sinh lớn nhất, chiếm đến 36,57% trong tổng số tám nhóm ngành.

Kết quả tuyển sinh năm 2011 tiếp tục bất cập khi trong 416 trường ĐH, CĐ có đến 248 trường tuyển sinh một trong bốn ngành: kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán. Số chỉ tiêu các trường đăng ký nhóm ngành này chiếm đến 38% so với tổng chỉ tiêu tất cả khối ngành. Con số thực tế này đã cao gấp đôi quy hoạch nguồn nhân lực.

Xấp xỉ 50% chỉ tiêu đào tạo/năm

Xu hướng các trường kỹ thuật - công nghệ, nông - lâm nghiệp... chen chân đào tạo nhóm ngành kinh tế - quản lý ngày càng phổ biến. Nhiều trường thậm chí còn xem đây là thế mạnh để hút SV vì nhu cầu người học quá lớn. Ông Trần Hữu Viên - hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp - cho hay các ngành đào tạo kinh tế, kế toán, quản trị kinh doanh của trường luôn chiếm xấp xỉ 50% chỉ tiêu đào tạo mỗi năm. Trong cơn khan hiếm nguồn tuyển cho nhiều ngành năm 2012, nhiều trường vẫn le lói hi vọng vào nhóm ngành kinh tế khi các ngành này vẫn chiếm 1/3, 1/2 số tuyển mới - dù cho số liệu tuyệt đối đã giảm đáng kể. Chuẩn bị mùa tuyển sinh 2013, nhiều trường tiếp tục hăm hở mở thêm ngành mới thuộc nhóm ngành quản lý - kinh tế. Nhiều trường đã bị từ chối năm trước vẫn kiên trì lập hồ sơ xin xét duyệt với lý do muôn thuở “căn cứ trên nhu cầu”.

Trường ĐH Lâm nghiệp dự kiến xin mở thêm ngành tài chính - ngân hàng (bên cạnh ngành kinh tế, kế toán, quản trị kinh doanh đã có). Tại Trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh, năm 2012-2013 là năm thứ hai liên tiếp trường xây dựng đề án xin mở ngành mới đối với ngành tài chính - ngân hàng và ngành quản trị kinh doanh. Ông Doãn Văn Thanh - phó hiệu trưởng nhà trường - cho hay năm ngoái Bộ GD-ĐT đã không đồng ý việc trường mở ngành này với lý do ngành này đang đào tạo quá dư thừa. “Tuy nhiên, nếu xét ở địa bàn Quảng Ninh thì chưa có nơi nào đào tạo ĐH chính quy ngành này cả. Cả tỉnh chỉ có Trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh, trường chưa đào tạo thì chưa nơi nào đào tạo cả đâu” - ông Thanh nói.

Ông Thanh cho hay năm năm trước, khi trường mở ngành kế toán, Trường ĐH Kinh tế quốc dân được giao thẩm định chương trình cũng lăn tăn với một trường vốn chuyên về kỹ thuật thì việc đào tạo ngành kinh tế sẽ thế nào. “Song nhiều năm qua, kế toán lại trở thành ngành thu hút SV nhất. Năm 2012, trường tuyển được 800 SV ĐH thì có 300 chỉ tiêu thuộc ngành kế toán” - ông Thanh dẫn chứng.

“Phanh” có kịp?

Ngày 19-12, trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ca cho hay Bộ GD-ĐT sẽ kiến nghị Thủ tướng không xét duyệt, cấp phép cho bất kỳ đề án mở trường nào mà định hướng của trường đó chuyên về đào tạo nhóm ngành quản lý - kinh tế. “Thực tế ngay từ bây giờ, một số hồ sơ xin mở mới trường ĐH đề tên là trường kinh tế - kỹ thuật, trường quản lý kinh tế..., khi thẩm định, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu điều chỉnh. Để mở trường mới, các trường phải chuyển định hướng đào tạo sang các ngành nghề khác, không tập trung vào khối ngành quản lý, kinh tế. Với các trường hợp chỉ xin mở ngành mới thuộc nhóm ngành này cũng sẽ được cân nhắc rất chặt chẽ” - ông Ga nói.

Chủ trương của bộ chỉ có trường vốn chuyên về đào tạo kinh tế mới được xem xét mở mới thêm các ngành này. Các trường khác chỉ đào tạo “trái tay”, sẽ không được duyệt mở ngành mới. Theo ông Ga, hiện không ít trường chuyên về lĩnh vực kỹ thuật, nông, lâm lại lấy chỉ tiêu ngành kinh tế làm trọng tâm, rất bất cập, gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Ngoài ngành ngân hàng - tài chính, kế toán ở bậc ĐH đang bão hòa và dư thừa, ở hệ đào tạo CĐ, trung cấp nhóm ngành điều dưỡng, kế toán cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Theo Bộ GD-ĐT, ngoài yếu tố của thị trường nhân lực, việc thí sinh giảm đến 10% lượng lựa chọn ngành đào tạo này trong mùa tuyển sinh 2012 cũng là chỉ số cảnh báo tin cậy đối với các trường.

Thực tế động thái này của bộ không còn là giải pháp can thiệp sớm khi số lượng không nhỏ SV ngành kinh tế tốt nghiệp năm 2012-2013 đã đối diện với nguy cơ thất nghiệp hoặc phải chọn lựa những ngành nghề khác. Một nghiên cứu mới nhất được chuyên gia Bộ Tài chính dẫn ra trong hội thảo “Đổi mới cơ chế tài chính với giáo dục ĐH” được tổ chức tháng 11-2012 đã chỉ rõ dự báo năm 2013 sẽ có khoảng 32.000 SV tài chính - ngân hàng ra trường, nhưng chỉ có 20.000 người được các tổ chức tài chính - ngân hàng tuyển dụng và trong bốn năm nữa thì số SV tài chính - ngân hàng không được tuyển lên đến 13.000 người.

 

Chỉ 30% tốt nghiệp có việc làm ngay

Theo ông Trần Anh Tuấn - phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, hiện nay có một nghịch lý là các ngành xã hội và kỹ thuật được thí sinh đăng ký rất ít so với ngành kinh tế, trong khi đây là những ngành đang “khát” nguồn nhân lực. Theo thống kê của các ngành nghiên cứu nhân lực, 70% học sinh bước vào đời chưa qua hướng nghiệp nên chọn nghề, chọn trường theo cảm tính. Vì vậy chỉ có 30% sinh viên ra trường có việc làm; 80% không có việc làm trong ba tháng; 50% thất nghiệp trong sáu tháng hoặc làm trái nghề; 30% thất nghiệp trong một năm.

 

Kênh Tuyển Sinh

Theo Kenh14