Trong báo cáo gửi tới Quốc hội khóa XII Nghị quyết số 97/2015/QH13 ngày 26/6/2015 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, báo cáo tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo việc triển khai và kết quả thực hiện (từ tháng 6 năm 2015 đến nay) về một số nhiệm vụ đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo được nêu tại Nghị quyết số 97/2015/QH13. Theo đó, ngày 05/8/2015 Bộ GD-ĐT đã đưa dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới tổng thể trên mạng để xin ý kiến rộng rãi toàn xã hội.

Bộ GD-ĐT khẳng định, trong chương trình giáo dục phổ thông mới tổng thể, Bộ GD-ĐT sẽ chỉnh sửa, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân; Hội đồng quốc gia thẩm định CT tiến hành thẩm định CT GDPT tổng thể và phê duyệt CT GDPT tổng thể làm cơ sở xây dựng các CT môn học.

Sẽ điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông cho phù hợp

Triển khai áp dụng CT, SGK mới vào năm 2018

Đối với việc biên soạn SGK, bộ khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở CT GDPT do Bộ GD&ĐT ban hành.

Hội đồng quốc gia tiến hành thẩm định SGK theo tiêu chí đánh giá SGK do Bộ GD&ĐT ban hành. Các tổ chức, cá nhân chỉnh sửa, hoàn thiện bản thảo SGK sau thẩm định, gửi cơ quan tổ chức thẩm định trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt cho phép sử dụng SGK.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ SGK, biên soạn SGK song ngữ (tiếng Việt - tiếng một số dân tộc ít người đã có chữ viết) đối với một số môn học ở cấp tiểu học và biên soạn và thực nghiệm SGK điện tử.
Đối với tài liệu giáo dục của địa phương, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương (theo thời lượng quy định tại CT GDPT tổng thể và các CT môn học). Các tài liệu này phải được thẩm định bởi Hội đồng thẩm định cấp tỉnh và được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Dự kiến, từ năm học 2018 - 2019, bắt đầu triển khai áp dụng CT, SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Theo Bộ GD-ĐT, để chuẩn bị điều kiện triển khai thực hiện CT GDPT và SGK mới, bộ đã chỉ đạo 07 trường đại học sư phạm lớn của cả nước và một số trường cao đẳng sư phạm tham gia đóng góp xây dựng CT GDPT. Bên cạnh đó, chủ động tham gia nghiên cứu, đổi mới công tác đào tạo, đào tạo lại giáo viên (từ mục tiêu, CT, giáo trình, phương thức đào tạo đến cách thức kiểm tra, đánh giá); tích cực phối hợp với các trường phổ thông chuẩn bị nội dung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo yêu cầu phát triển năng lực (tài liệu, bài giảng của các chuyên gia, bài giảng minh họa…).
Sau khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được ban hành chính thức, trong quá trình tổ chức thực hiện, CT vẫn được nhận xét, góp ý.

Hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đánh giá CT, xem xét, điều chỉnh (nếu cần thiết) và hướng dẫn thực hiện các điều chỉnh (nếu có). Dựa trên nội dung và yêu cầu cần đạt của CT GDPT, các nhà trường được phép (và được yêu cầu) xây dựng kế hoạch giáo dục riêng cho trường mình một cách linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của địa phương, bảo đảm mục tiêu và chất lượng giáo dục.

Theo Dân trí, nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/se-dieu-chinh-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-cho-phu-hop-20151117150601366.htm