Hầu hết các trường ĐH, CĐ ở Hà Nội đã bắt đầu nhập học trở lại từ ngày 14/2 (12/1 Âm lịch). Tuy nhiên, những ngày đầu đi học sau 2 tuần nghỉ Tết, giảng đường và các lớp học đều rơi vào tình trạng vắng bóng sinh viên.


Nặng nề tư tưởng… nghỉ Tết


Sau Tết, sinh viên chưa hết thèm... chơi - Ảnh 1

 

Ngày học đầu năm tại trường ĐH Công đoàn, nhiều lớp được chỉ học 2-3 tiết do thầy cô cho nghỉ sớm.


14/2 là ngày đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết, nhưng trái với ngày thường, không khí tại ĐH Thủy lợi không mấy tấp nập. Mới tầm 10h, nhiều sinh viên đã ra về sớm. Phạm Thị Hoa, sinh viên năm thứ 3, khoa Môi trường cho biết: “Hầu hết các lớp trong khoa chỉ học 3-4 tiết, thầy cô cho về sớm vì đầu năm lớp học vắng quá, không có chút không khí học tập nào cả. Hôm nay, lớp em vắng gần nửa”.


Nguyễn Ngọc Hưng, sinh viên năm thứ nhất, khoa Kinh tế quản lý (ĐH Bách Khoa) cho biết: “Trước khi nghỉ Tết 2 tuần, nhiều bạn đã nghỉ học rồi, bởi lúc ấy việc đăng ký và đổi lớp học theo hệ tín chỉ vẫn diễn ra nên chưa có danh sách lớp, nhiều bạn tự nghỉ mà không sợ điểm danh. Ngày học đầu tiên sau Tết, nhiều bạn chắc do tâm lý ham nghỉ Tết, nên chưa đi học. Lớp có 40 bạn, nghỉ hơn 5 bạn. Nhưng đó là tiết đầu, nhiều bạn đến vì sợ điểm danh, nhưng khi biết thầy không điểm danh nên càng lúc càng vắng nhiều”.


Trường ĐH Công đoàn, trong ngày học đầu tiên sau Tết, giáo viên cũng chỉ dạy chừng 3-4 tiết/lớp. Lê Thu Hương, Khoa Quản trị Kinh doanh cho biết: “Em thấy trong ngày đầu, số sinh viên của các lớp vắng chừng 4-5 bạn. Chẳng hạn như lớp em vắng 4 bạn, nhưng đều có lý do chính đáng và đã xin phép thầy cô”.


Một số trường nhập học khá sớm từ ngày 11/2, sau vài ngày trở lại đây, hiện tượng sinh viên chưa đến lớp vẫn còn khá phổ biến. Nguyễn Quang Vinh, Khoa Trắc địa (ĐH Mỏ địa chất) kể: “Lớp có 68 bạn, ngày đầu đi học vắng hơn 10 bạn, đến giờ vẫn còn 5 bạn chưa đi. Mấy hôm rồi, theo thời khóa biểu phải học 6-8 tiết nhưng chỉ phải học 2 tiết vì một số thầy, cô không đến nên thông báo nghỉ học”.


Hiện tượng sinh viên chưa đi học còn khá phổ biến ở các lớp của ĐH Luật Hà Nội. Nguyễn Thế Quân, sinh viên năm thứ 3, Khoa Luật Kinh tế nói: “Đi học trở lại từ hôm 11/2, hôm đầu lớp chỉ vỏn vẹn 1/3 lớp đến học, chủ yếu là những bạn nhà ở Hà Nội. Sau 3 hôm, vẫn còn khoảng nửa lớp chưa đến học. Đã thế thầy cô còn cho nghỉ tiết nhiều, lại không điểm danh nữa. Biết thế, em ở quê thêm vài hôm mới lên”.


Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học - Tâm lý Giáo dục Hà Nội: “Nếu mục đích về con đường học tập rõ ràng, sinh viên sẽ có lý tưởng riêng cho mình và sẽ tranh thủ thời gian mọi lúc, mọi nơi để học tập. Còn những em không có lý tưởng, tự cho mình những “quyền” được nghỉ học, ham chơi, sa đà vào tệ nạn xã hội… Chúng ta cần nhìn nhận rằng, trong giáo dục hiện nay, cần phải đẩy mạnh giáo dục, lôi cuốn học tập với các em, có như vậy hiện tượng học sinh bỏ học, sống buông thả chắc chắn sẽ giảm”.


Thích đi buôn, đi chơi hơn đi học


Sau Tết, sinh viên chưa hết thèm... chơi - Ảnh 2

Trong giờ học, nhưng tại các căng tin của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội luôn chật kín Sinh viên rôm rả chuyện Tết, đi chơi…


Ra Tết, nhiều sinh viên có tâm lý “nghỉ dưỡng” ở nhà nên cố kéo dài thời gian nghỉ, bên cạnh đó cùng các lý do khách quan như: ốm đau, việc gia đình, không bắt được tàu, xe... nên chưa đi học đúng theo lịch của trường. Tuy nhiên, thời điểm học năm nay trùng với ngày Valentine nên nhiều sinh viên nghỉ học đi chơi với bạn bè, hoặc tranh thủ đi bán hoa, quà tặng... tại cổng trường, ký túc xá... Nguyễn Thu Hương (ĐH Kinh tế Quốc dân) nói: “Đầu năm, tranh thủ ngày Valentine tụi em nghỉ học đi bán hoa, quà tặng kiếm chút tiền để mua quần áo, sách vở...”.


Các giảng đường thiếu vắng sinh viên là vậy, nhưng tại các hàng, quán, căng tin lại tập trung đông đảo sinh viên. Điển hình như căng tin trường ĐH Bách Khoa, cổng trường ĐH Công Đoàn, ĐH Thủy Lợi... trong giờ học nhưng có rất đông sinh viên ngồi theo nhóm, rôm rả chuyện ngày Tết và háo hức bàn kế hoạch ăn uống, đi chơi nhân dịp đầu năm. Bên cạnh đó, những quán game gần các trường ĐH, CĐ chật kín sinh viên.


Trái ngược với không khí bên ngoài, trong lớp học, giảng đường đầu năm cũng khiến nhiều sinh viên phải ngao ngán. Trần Thu Trang (Khoa Luật dân sự, ĐH Luật Hà Nội) nhận xét: “Đi học những ngày này rất chán, ai nấy cũng uể oải, chỉ mong hết giờ để về. Lớp đã vắng, lại còn mất trật tự. Nói chung, không ai có tâm trí học. Mọi người chỉ tập chung “buôn” chuyện Tết, bàn bạc đi chơi, mua sắm, liên hoan gặp mặt các hội: đồng hương, hội “độc thân”, nhóm bạn thân...”.

 

Sau Tết, sinh viên chưa hết thèm... chơi - Ảnh 3

“Ngóng” nhau trước cổng trường ĐH Thủy lợi.


Theo Bùi Văn Tân, sinh viên năm 4, khoa Công nghệ thông tin (ĐH Bách khoa Hà Nội): “Năm nào cũng thế, đầu năm sau Tết cũng phải mất chừng gần 1 tuần mới ổn định học lại như cũ. Lớp em đông bạn nam nên các bạn thích ăn nhậu, rủ nhau đi đá bóng, chơi game, xem bóng đá đêm...”.


Nguyễn Thùy Linh, sinh viên năm 3, khoa Chính trị (Học viện Ngoại Giao) chia sẻ: “Ngày thường không khí học tập cũng đã chán rồi, sau Tết còn chán hơn, ai nấy không thiết tha với học tập. Trên lớp là vậy, sau giờ học các bạn nam thì hẹn hò ăn nhậu, chơi game... còn các bạn nữ thì tranh thủ đi chơi với người yêu, nhiều bạn còn thích đi chùa xin “lộc” đầu năm”.


Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học - Tâm lý Giáo dục Hà Nội: “Hiện tượng sinh viên nghỉ học sau Tết diễn ra ở hầu khắp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, một bộ phận sinh viên, học sinh còn xuất hiện tâm lý sống buông thả: thích đi chơi, tụ tập, rượu chè, cờ bạc... không màng đến việc học. Bản thân các trường cũng không đưa ra biện pháp quản lý chặt, có hình thức kỷ luật đối với những trường hợp vi phạm... Như vậy, động lực học không rõ ràng cộng với quản lý sinh viên chưa chặt chẽ khiến tình trạng sinh viên, học sinh nghỉ học, mải chơi sau Tết càng rõ nét trong những năm gần đây”.

 

Theo giadinh