>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp

Dự thảo quy định của Bộ GD-ĐT về công tác xét tuyển trong tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) hệ chính quy đang được dư luận quan tâm bởi dù chưa có thay đổi cơ bản và toàn diện nhưng ít nhiều cũng ảnh hưởng tới chất lượng "đầu vào" của các cơ sở đào tạo cũng như tương lai của mỗi thí sinh.

Vẫn chỉ là ngưỡng tối thiểu

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của hơn 60 trường ĐH, CĐ, trong đó có 40 trường ngoài công lập tham dự hai hội thảo chính thức do Bộ GD-ĐT tổ chức và ý kiến của chuyên gia, dư luận xã hội, Bộ GD-ĐT đã dự thảo quy định về công tác xét tuyển. Có hai điểm thay đổi trong dự thảo: Một là, thay cho điểm sàn duy nhất như 10 năm qua đã áp dụng trong khâu xét tuyển, từ năm nay sẽ có 3 hoặc 4 điểm sàn. Hai là, ngoài điểm sàn chung - theo cách gọi trong dự thảo là điểm xét tuyển cơ bản - do Bộ GD-ĐT xác định, còn có điểm sàn riêng của các trường. Nghĩa là, nếu thấy cần thiết, các trường tự quyết định và công bố một môn thi chính trong 3 môn của khối thi và nhân hệ số 2 đối với từng ngành của trường.

Theo lý giải của Bộ GD-ĐT, những thay đổi này nhằm bảo đảm chất lượng đầu vào, tạo sự công bằng, minh bạch trong tuyển sinh; từng bước thực hiện phân tầng cơ sở giáo dục đại học; giúp thí sinh biết về chất lượng đầu vào của từng trường, từng ngành để chọn trường, chọn ngành phù hợp với năng lực. Việc công bố 3 hoặc 4 mức điểm xét tuyển cơ bản đối với các trường ĐH, CĐ nhằm đáp ứng tính đa dạng của các cơ sở giáo dục ĐH, đồng thời từng bước thực hiện phân tầng. Trên thực tế, quy định này của Bộ GD-ĐT không được các trường tốp trên quan tâm, bởi điểm sàn về bản chất chỉ là ngưỡng tối thiểu cần đạt, còn điểm xét tuyển của các cơ sở này thường xuyên cao hơn nhiều so với điểm sàn. Các trường tốp dưới lâu nay gặp khó khăn trong tuyển sinh, là đối tượng quan tâm tới điểm sàn, song, với mục tiêu "bảo đảm chất lượng", Bộ GD-ĐT không thể

Băn khoăn với phương án thay thế điểm sàn 2014

Băn khoăn với phương án thay thế điểm sàn 2014

Theo các chuyên gia giáo dục, các trường gặp khó khăn trong tuyển sinh không hẳn vì "barie" điểm sàn, mà do uy tín và chất lượng đào tạo. Sau nhiều năm, hệ thống ĐH, CĐ đã được xã hội phân tầng rõ rệt. Nhiều ý kiến cho rằng, kể cả khi chỉ tuyển học sinh tốt nghiệp THPT thì những đơn vị này cũng khó lòng tuyển đủ chỉ tiêu. Vậy, việc đề ra nhiều mức điểm sàn có "đóng góp" gì cho việc phân tầng như Bộ GD-ĐT kỳ vọng?

Theo dự thảo, Hội đồng xác định điều kiện bảo đảm chất lượng "đầu vào" căn cứ kết quả thi của thí sinh trong cả nước đề xuất Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét công bố một số mức điểm xét tuyển cơ bản (tổng điểm 3 môn thi không nhân hệ số) cho từng khối thi, trong đó có mức điểm tối thiểu xét tuyển vào ĐH và mức điểm tối thiểu xét tuyển vào CĐ. Các trường không được xác định điểm xét tuyển thấp hơn mức tối thiểu và cũng có thể "chọn" mức điểm sàn cao hơn để tự khẳng định đơn vị ở "tầng" nào trong hệ thống đào tạo. Với cách làm này, có thể mức điểm tối thiểu xét tuyển sẽ tương đương điểm sàn mọi năm. Các mức còn lại có vai trò là thước đo chất lượng "đầu vào" của mỗi trường và phần nào góp phần hạn chế tỷ lệ ảo đối với các trường tuyển nguyện vọng 2. Cũng có ý kiến cho rằng, điểm chuẩn của các trường đã nói lên chất lượng "đầu vào", không cần tới điểm xét tuyển cơ bản. Đồng thời, điểm chuẩn hoặc điểm xét tuyển cơ bản cũng chỉ là một dấu hiệu để phân tầng, chứ không phải là tiêu chí duy nhất. Vì thế, liệu có cần đến 3 hay 4 mức điểm xét tuyển cơ bản như Bộ GD-ĐT nêu trong dự thảo?

"Luật chơi" mới trong "cuộc chơi" cũ?

Trong khi điểm xét tuyển cơ bản dường như chỉ là "bình mới, rượu cũ" và không ảnh hưởng nhiều tới việc quyết định chọn trường, chọn ngành của thí sinh thì việc cho phép các trường tự xác định môn chính trong từng khối thi phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của từng ngành đào tạo rồi nhân hệ số để quy định điểm xét tuyển sẽ có ảnh hưởng lớn tới thí sinh, đặc biệt trong năm 2014, khi giai đoạn nộp hồ sơ đã gần hoàn tất. Đưa ra quy định này, mục tiêu của Bộ GD-ĐT là để các trường được tự chủ trong tuyển sinh và xét tuyển được thí sinh có năng lực phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo. Quy định này cũng tạo nhiều cơ hội trúng tuyển cho thí sinh có năng lực tốt hơn đối với môn thi chính. Ví dụ, nếu trường quy định môn vật lý là môn chính và nhân hệ số 2, điểm xét tuyển tối thiểu do Bộ xác định là 12, điểm xét tuyển có tính đến hệ số của môn chính sẽ không được thấp hơn mức điểm cơ bản tối thiểu nhân với 4/3, tức là 16 điểm. Một thí sinh được 7 điểm môn lý, 2 điểm môn toán, 2 điểm môn hóa, nếu theo cách tính cũ thì sẽ trượt vì chỉ có tổng điểm là 11. Tuy nhiên, theo cách tính mới, với môn vật lý nhân hệ số 2, thí sinh đó sẽ được 18 điểm, cao hơn điểm xét tuyển. Tuy nhiên, điều này cũng gây bất lợi cho các thí sinh học đều các môn. Đơn cử, cũng được 11 điểm nhưng 3 môn điểm gần bằng nhau, lý 4, toán 4, hóa 3, theo cách tính mới thì thí sinh này chỉ được 15 điểm - không đủ điểm xét tuyển.

Một điểm bất hợp lý nữa là, Bộ GD-ĐT cho phép các trường trước ngày 20-5 hằng năm công bố môn chính, trong khi đó, từ giữa tháng 3 thí sinh đã phải đăng ký dự thi. Thông tin này lẽ ra phải được ghi rõ trong tài liệu "Những điều cần biết...". Rõ ràng là, với quy định này, "cuộc chơi" đã bắt đầu thì "luật chơi" mới được công bố, điều đó gây bất lợi cho thí sinh. Có lẽ, do vì phải "vừa chạy, vừa xếp hàng" nên mốc thời gian này được Bộ GD-ĐT chọn để phù hợp với kỳ thi năm nay?

Nhiều người có kinh nghiệm về tuyển sinh cho rằng, ngoài những trường, ngành lâu nay vẫn có môn thi có nhân hệ số như ngoại ngữ, hay các môn năng khiếu, sẽ không có nhiều trường ĐH mạo hiểm với "luật chơi" mới, ít nhất là trong kỳ tuyển sinh sắp tới. Sự lo lắng của thí sinh là hoàn toàn có cơ sở khi mùa thi đã cận kề mà quy định của Bộ vẫn còn đang ở mức dự thảo.

Theo tác giả Vũ Vân, Hà Nội mới