> Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh

Sự việc chỉ được sáng tỏ khi nhân viên nhà trường, ban Phụ huynh học sinh mạnh dạn kiến nghị việc làm sai trái của hiệu trưởng, khiến sự việc đang gây xôn xao trong dư luận.

Bữa cơm đạm bạc và sự mập mờ trong cuốn sổ tiếp phẩm

Những việc thu, chi bất minh cộng với sự than phiền về bữa ăn đạm bạc của các em học sinh trong nhà trường, khiến các bậc cha mẹ lên tiếng và đại diện ban Cha mẹ học sinh đã đi "vi hành" đột xuất để ghi lại những hình ảnh "rơi nước mắt" của con em mình trong bữa ăn... Xót xa khi thấy những đứa con thơ dùng bữa trưa chỉ có "bát canh đại dương", các phụ huynh đã phải gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng và báo chí để con em họ được ăn đúng với số tiền đã đóng cho nhà trường.

Thức ăn chỉ “nằm” trên thực đơn

Ông Bùi Văn Sĩ, Trưởng ban Cha mẹ học sinh nói: "Sau khi nhiều phụ huynh bức xúc gọi điện yêu cầu tôi phải vào trường để kiểm tra thực tế bữa ăn của các cháu. Thật không thể tưởng tượng được, sự việc không giống như chúng tôi tự hào là con cái đang được ăn học ở một trường điểm. Tận mắt thấy các em đang uể oải trong bữa cơm với món "canh đại dương" (cà chua, đậu khuôn) nghèo nàn như vậy, trong khi chúng tôi đã phải trả khoản phí theo tiêu chuẩn hoàn hảo nhất cho con mình, thật đau xót..."

Theo những hình ảnh và đoạn video ông Sĩ ghi lại được trong bữa cơm trưa ngày 8/10, thì ai cũng phải giật mình. Các món ăn đầy chất dinh dưỡng cho các cháu trong bữa ăn này được ghi trên bảng thực đơn như:

  • Cá thu sốt cà chua
  • Canh đậu khuôn cà chua thịt bò
  • Cải ngọt xào thịt nạc...

Nhưng qua những hình ảnh ghi lại của ông Sĩ thì những món đầy chất dinh dưỡng này vẫn đang "nằm" trên bảng thực đơn chứ không xuống bàn ăn của các cháu. Không chỉ vậy, bữa lỡ (bữa ăn nhẹ đầu giờ chiều), trong bảng thực đơn ghi là bánh patiso nhưng thực chất lại là bánh ram (bánh rán)?

Theo ông Bùi Văn Sĩ, giá của chiếc bánh pasito là 6.000 đồng/cái, còn bánh rán chỉ là 2000 đồng/cái!. Ông Sĩ cũng cho biết thêm, ngoài số tiền chênh lệch của bữa ăn "canh đại dương" với tiền chênh lệch giữa bánh rán và bánh pasito với số lượng gần 900 em học sinh thì số tiền sẽ là bao nhiêu...?

Trong lá đơn kiến nghị của ban Cha mẹ học sinh cũng bức xúc và đề cập đến những vấn đề như:

  • Thu tiền không có biên lai (5.000 đồng/tháng/học sinh) để khảo sát hai môn Toán và tiếng Việt
  • Ttiền ăn bán trú
  • Tiền thu để đầu tư cơ sở vật chất bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 4, 5...
  • Yêu cầu cấm bảo vệ không cho cha mẹ học sinh vào trường vì bất kỳ lý do gì trong giờ ăn trưa...

Đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng và báo chí được ban đại diện cha mẹ học sinh (Trưởng ban, Phó ban thường trực, Ủy viên thường trực ban Phụ huynh và trưởng ban các lớp 3/5, 2/2), cùng một số phụ huynh ký xác nhận... Đặc biệt là đơn đề nghị gửi các cơ quan, ban ngành chức năng kiểm tra việc tổ chức thu chi tiền cơ sở vật chất bán trú, đối chiếu thực đơn thực tế do cô tiếp phẩm phụ trách và thực đơn của kế toán, hiệu trưởng quản lý.

Đọc thêm: Trận chiến chống lạm thu chỉ là trên giấy

Sự mập mờ khó hiểu của... cuốn sổ?

Theo tìm hiểu, Ban giám hiệu nhà trường ngoài hiệu trưởng còn có hai hiệu phó (một hiệu phó phụ trách cơ sở vật chất và một hiệu phó phụ trách chuyên môn).

Hiệu trưởng nhà trường, bà Vương Thị Vân, đã từng trả lời báo chí về lá đơn kiến nghị của ban đại diện cha mẹ học sinh (Trưởng ban, Phó ban thường trực, Ủy viên thường trực ban Phụ huynh và trưởng ban các lớp 3/5, 2/2) và gần 10 phụ huynh khác, rằng: "Trước hết việc làm này là sự vu khống của một phụ huynh thôi..., làm mất uy tín của tôi, tôi biết người đó là ai".

Để tìm hiểu rõ tại sao cách đó đây không lâu bà hiệu trưởng hết lời ca ngợi ông Trưởng ban Cha mẹ học sinh, giờ chính ông Trưởng ban lại trực tiếp cùng mọi người viết và ký đơn kiến nghị, còn hiệu trưởng thì cho rằng đó là việc vu khống của một cá nhân.

Điều đầu tiên chúng tôi tìm hiểu là cuốn sổ tiếp phẩm cho học sinh. Theo ông Bùi Văn Sĩ, cuốn sổ này không có cán bộ y tế kiểm định thực phẩm ký xác nhận, không có chữ ký của ban giám hiệu, kế toán.

Thêm nữa, trong cuốn sổ chỉ ghi tên thực phẩm (rau, thịt...), đơn vị tính (cái, hộp, kg...), số lượng, nhưng đơn giá bao nhiêu, thành tiền bao nhiêu... cũng lại bỏ trống nốt. Từ ngày học sinh bắt đầu ăn bán trú đầu năm học (9/9) đến ngày ông Sĩ kiến nghị (8/10) chỉ có chữ ký của người giao hàng và người tiếp phẩm.

Sai phạm trong vụ xén khẩu phân ăn của học sinh ở trường điểm

Trường tiểu học Trần Cao Vân - nơi học sinh ăn bữa cơm "canh đại dương".  

Ai đã tiếp tay?

Trong thời gian gần đây, hiệu trưởng Vương Thị Vân đã tuyển dụng một người ký tiếp phẩm mới tên là Nga. Ban đầu, bà Nga cũng khẳng định cuốn sổ có chữ  ký "đàng hoàng" của các bộ phận và lãnh đạo nhà trường. Tuy nhiên, khi mọi người đưa bằng chứng cuốn sổ còn "bỏ hoang" chữ ký cán bộ y tế kiểm định thực phẩm, kế toán, ban giám hiệu... thì bà Nga bảo: "Hôm qua bà Vân mới lấy cuốn sổ lên và giờ đã có đầy đủ chữ ký của cả tháng"

Bà Trâm cán bộ Y tế nhà trường, cho biết: "Hôm vừa rồi (ngày 9/10), bà Vân bảo tôi ký hết thì tôi mới ký và ký thêm một số cuốn sổ khác liên quan đến y tế, chứ từ đầu năm học tôi đâu đã ký chữ nào, giờ không biết có bị coi là tiếp tay không?".

Bà Thành Tâm, kế toán nhà trường khẳng định "chắc như đinh đóng cột" và thề thốt: "Có cuốn sổ đó chứ, ngày nào cũng ký đủ tất cả, nếu không có cuốn sổ đó tôi thề sẽ không làm người...?".

Vì sao cuốn sổ liên quan đến quản lý kinh tế và chất lượng bữa ăn của các em học sinh hàng ngày lại mập mờ đến vậy? Một cán bộ nhà trường cho chúng tôi biết: "Năm nay làm cái gì cũng là hiệu trưởng và kế toán đi mua, hiệu phó cơ sở vật chất chỉ là "giúp việc", nhưng vẫn phải đặt bút ký".

Tại sao hiệu phó phụ trách cơ sở vật chất của nhà trường chỉ ký, còn lại việc mua bán là của hiệu trưởng và kế toán? Tác giả bài viết đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Vinh, hiệu phó trường tiểu học Trần Cao Vân để tìm hiểu. Mặc dù ông Vinh đã khước từ những câu trả lời vì cho rằng chỉ có hiệu trưởng mới là người phát ngôn, tuy nhiên sau đó, ông Vinh trả lời ngắn gọn: "Từ đầu năm đến giờ, do tôi bận nên không nắm được vấn đề đó...(?)".

Nếu tôi là cha mẹ học sinh tôi cũng làm thế thôi

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch UBND phường Tân Chính (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) cho biết: "Vừa qua, tôi nhận được điện thoại và đơn của phụ huynh phản ánh về vấn đề xảy ra ở trường tiểu học Trần Cao Vân. Tôi đã gọi lãnh đạo nhà trường (Hiệu trưởng) sang trao đổi. Nhận được đơn của ban Phụ huynh, tôi rất buồn, đau lòng, đặc biệt khi thấy bữa ăn ngày 8/10 của trường... Nhưng cũng may là phát hiện sớm, ngăn chặn, xử lý kịp thời. Nếu tôi là cha mẹ học sinh thì tôi cũng làm thế thôi".

Đóng tiền vẫn phải đi “ăn chực”

Thật đau lòng khi chúng tôi có được thông tin cụ thể về việc làm "thiếu đạo đức" của lãnh đạo trường Trần Cao Vân về việc "ỉm" số tiền hơn 100 triệu đồng (tiền học phí và tiền ăn) thu của 79 em học sinh lớp chuyên, nhưng không có phiếu thu, chi? Được biết theo quy định của nhà trường, học sinh lớp chuyên phải nộp tiền ăn là 26 ngàn đồng/ngày đối với một học sinh. Nhưng từ ngày nhà trường bắt đầu thực hiện bán trú (9/9) cho đến ngày báo chí vào tìm hiểu sự việc là thời gian một tháng, nhưng số tiền ăn đó  được thầy cô dùng để liên hoan vào ngày Đại hội CNVC và tiền phong bì cho khách (ngày 4/10)?

Một lãnh đạo của nhà trường cho biết: "Từ đầu năm học hai lớp chuyên có 79 em học sinh theo học, tổng tiền ăn và tiền học phí là hơn 100 triệu đồng, trong đó có hơn 20 triệu đồng là tiền ăn/tháng cho 79 học sinh, do phụ huynh nộp trực tiếp cho giáo viên chủ nhiệm, sau đó nộp lại cho kế toán, sau đó kế toán gửi cô hiệu phó chuyên môn cất giữ tất cả số tiền học phí và tiền ăn là hơn 100 triệu đồng. Do đó Ban giám hiệu không nộp  tiền cho thủ quỹ..., vừa rồi tổ chức liên hoan 13 mâm cơm hết hơn 5 triệu đồng và 2 triệu đồng chi phong bì cho khách trong số 20 triệu đồng tiền ăn của 79 em học sinh...".

Ngay buổi chiều ngày 9/10, biết đượ có người đến kiểm tra công việc, kế toán "gom tiền" cho đủ và "chỉ đạo" hiệu phó chuyên môn đem số tiền hơn 50 triệu đồng (cả tiền ăn và học phí còn thiếu hơn 50 triệu đồng) xuống nộp cho thủ quỹ nhà trường và không quên căn dặn "các giáo viên chủ nhiệm vừa nộp lại cho" để hợp lý hóa thời gian, nhưng thực chất số tiền hơn 100 triệu đồng (tiền ăn, tiền học) được cha mẹ các em học sinh lớp chuyên nộp từ những ngày đầu nhập học của tháng 9. Một giáo viên cho biết: "Số tiền trên (hơn 100 triệu đồng) chắc hiệu trưởng và kế toán có ý đồ gì, nhưng vừa rồi có báo chí vào nên phải đưa ra, chứ thực chất số tiền hơn 100 triệu đồng đó mà hiệu trưởng đưa cho hiệu phó chuyên môn giữ hộ thôi, chứ cô hiệu phó đó tội lắm, khi giữ số tiền đó cô hiệu phó biết là sai, nhưng vào thế phải giữ thôi...".

Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây 79 em học sinh của hai lớp chuyên này, cha mẹ phải đóng tiền ăn cao hơn khối khác mà phải đi "ăn nhờ" của 855 học sinh khác.

Tìm hiểu rõ sự việc, ngày 11/10, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với một người phụ trách bếp ăn và được biết: "Hàng ngày hai lớp học sinh giỏi (79 em) vẫn ăn chung với 21 lớp (855 em) và chính số tiền ăn của 855 em là nuôi 79 em học sinh giỏi trong thời gian qua”.

Sự lãnh đạo "vô tổ chức" hay không chuyên nghiệp?

Trước những sai trái trong thu chi tài chính của bà hiệu trưởng Vương Thị Vân, khởi điểm là Ban đại diện Phụ huynh học sinh lên tiếng đã gây xôn xao trong dư luận phụ huynh có con em đang họp tập vì niền tin vào nhà trường trong thời gian 70 ngày làm hiệu trưởng của bà Vân, đặc biệt đội ngũ cán bộ giáo viên trong thời gian qua cũng không dám lên tiếng chỉ vì miếng cơm manh áo của họ. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo địa phương, trò chuyện với một số giáo viên trong trường thì mới biết được sự nghiêm khắc "không cần thiết" và "sở trường" thích họp đột xuất của bà hiệu trưởng. Không chỉ vậy chỉ trong vòng 70 ngày đã có không ít cuộc điện thoại gọi đến Bí thư, Chủ tịch UBND phường Tân Chính, nơi bà Vân sinh hoạt Đảng.

Một người thân cận trong công việc với bà hiệu trưởng Vương Thị Vân nói: "Khi mới bước chân về trường, cô Vân nói với thầy hiệu phó phụ trách cơ sở vật chất một câu để đời: "Em là phó hiệu trưởng cơ sở vật chất, nhưng em lo hoạt động ngoài giờ còn việc mua bán để cô và chị Tâm (kế toán) lo...?". Theo thông tin thì bà Vân hiệu trưởng đã vô hiệu hóa hai hiệu phó và bị sai một cách vô tội vạ, những cái không thuộc chuyên môn, thậm chí là hiệu phó cơ sở vật chất nhưng việc mua bán là của hiệu trưởng và kế toán... mua từ cái ván (ván nằm nghỉ trưa) của học sinh, còn mua bán mọi thứ khác cũng đều được cô hiệu trưởng đưa sẵn cho số điện thoại... Ngoài ra các giờ học của học sinh cũng không đảm bảo như lễ khai giảng học sinh nghỉ hai ngày để tập duyệt thêm ngày khai giảng là ba buổi nghỉ... rồi tết Trung thu cũng cho học sinh nghỉ tiết cuối để tập múa lân...

Nhưng trước đó vào ngày Đại hội CNVC 4/10, (trước 4 ngày ông Sĩ gửi đơn) hôm đó bà hiệu trưởng lại hết lời ca ngợi ông Sĩ, Trưởng ban cha mẹ học sinh, khi "gợi ý" ông Sĩ đi "phân tích" cho cha mẹ phụ huynh khoản tiền thu ngoài luồng, bà Vân nói: "Thực ra một phụ huynh chỉ có 25-30 ngàn đồng thôi (855 phụ huynh), thì giáo viên cũng có 1 triệu đồng đến 1,2 triệu đồng là cùng... sau này có một số phụ huynh nói trường Trần Cao Vân lại tùy tiện thu tiền ngoài quy định, trong khi đó sở Giáo dục và thành phố cấm, mà phụ huynh lúc đó có đơn kiện là tôi đi giải trình mệt lắm... Anh Sĩ là người rất nhiệt tình trong phong trào và các hoạt động của nhà trường, thì cố gắng nói với các trưởng ban cha mẹ học sinh khối hai bữa chia sẻ tâm huyết của thầy cô cho con em chúng ta 4 tuần qua, phụ huynh các lớp vận động được từng nào thì gửi phong bì lại cho các cô gọi là chia sẻ thôi...?".

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch UBND phường Tân Chính cho biết: "Mới đây tôi cũng nghe được thông tin, những gia đình có con là học sinh lớp một, nó không được khỏe, ăn uống khó khăn mà người mẹ muốn vào trong đó đút dùm cơm cho con, hay đem hộp sữa vào cho con... nhưng vào cũng không được, trời thì mưa nhưng họ vẫn phải đứng ngoài, nên họ mới điện thoại cho ông trưởng ban cha mẹ học sinh trách móc... Trước đó tôi cũng nhận được rất nhiều cuộc điện thoại phản ánh về thu chi trong nhà trường, nhưng những cái đó chỉ là tham khảo thôi vì là điện thoại mà. Giai đoạn trước của thầy hiệu trưởng cũ thì không có đơn thư hay điện thoại phản ánh, nếu có cũng không có gì to tát...".

Bà Chủ tịch UBND phường cũng cho biết thêm: “Tôi cũng nhận được những cuộc điện thoại xưng là giáo viên về sự áp lực trong nhà trường, khoảng cách lãnh đạo và giáo viên, rồi tổ chức hội họp nhiều, tôi cũng gọi chị Vân hiệu trưởng sang trao đổi, nói về vấn đề trên và trước khi ra về tôi nói: "Mình làm gì họ nhìn thấy và biết hết, tốt nhất là thật, khi em đã nói hết lòng rồi mà chị không nghe thì khi đó em rờ lại trong câu chuyện của pháp luật thì em lúc đó không còn day dứt trong lương tâm mình..."”.

Điều chuyển công tác Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Cao Vân

Ông Trần Khôi - Chánh Văn phòng UBND quận Thanh Khê, Đà Nẵng xác nhận đã có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND Quận về việc xử lý đơn kiến nghị của cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Trần Cao Vân. Theo đó, điều chuyển công tác đối với bà Vương Thị Vân, Hiệu trưởng nhà trường.

Chủ tịch UBND quận cũng đã chỉ đạo Phòng Nội vụ quận phối hợp Phòng GD-ĐT quận tham mưu điều động,bó trí công tác khác đối với bà Vương Thị Vân. Đồng thời, tham mưu đề xuất nhân sự thay thế bà Vân để đảm bảo ổn định công tác điều hành Trường Tiểu học Trần  Cao Vân.

Kênh tuyển sinh (Theo NĐT)