Sự kiện: Tuyển sinh điểm thi đại họcđiểm chuẩn đại học

Hiện bộ tài liệu dạy – học các môn học khác ngoài Vật lý, thay thế cho SGK, đã được chuẩn bị dưới dạng bản thảo. Song để thay thế toàn bộ SGK hiện hành cũng là việc làm không dễ dàng.

Đã thí điểm môn Vật lý

Mới đây, trong phiên thảo luận kỳ họp HĐND TP.HCM khóa VIII, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD - ĐT TP.HCM đã đưa ra vấn đề cần biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) dành riêng cho khối THCS ở TP.HCM.

Vấn đề trên nhận được nhiều sự quan tâm của phụ huynh và học sinh. Đây được xem là đề xuất nằm trong định hướng đổi mới cách thức dạy và học với đặc thù giáo dục tại TP.HCM.

Ông Lê Hồng Sơn cho rằng, có đầy đủ cơ sở để thực hiện vì đã có nhiều phản hồi tích cực từ giáo viên lẫn học sinh sau khi Sở GD – ĐT cho thí điểm bộ tài liệu dạy – học môn vật lý lớp 6, 7 và 8 ở một số trường trên địa bàn thành phố.

Theo đó, bắt đầu từ năm học 2011 – 2012, bộ tài liệu dạy – học vật lý được đưa vào giảng dạy thay thế cho SGK chính thống của Bộ GD – ĐT ở khối lớp 6. Lần lượt khối lớp 7 và 8 cũng được áp dụng giảng dạy thí điểm từ đầu năm học 2013 - 2014.

Dự kiến năm học tới sẽ đưa vào thí điểm ở khối lớp 9. Dù được địa phương biên soạn nhưng bộ tài liệu này vẫn dựa trên những quy chuẩn kiến thức, kỹ năng mà Bộ GD – ĐT đã ban hành.

Theo ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD – ĐT TP.HCM, mặc dù có những kết quả khả quan nhưng đây vẫn là bộ tài liệu mang tính chất tham khảo, tùy theo điều kiện cụ thể của từng trường mà đưa vào thí điểm chứ Sở không buộc tất cả phải thực hiện. Đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều trường trên địa bàn TP.HCM chưa sử dụng bộ tài liệu này.

Quá trình thí điểm, bước đầu bộ tài liệu dạy – học vật lý lớp 6,7, và 8 được giáo viên và học sinh đánh giá cao. Nhiều ưu điểm như phong phú hình ảnh minh họa, từ ngữ diễn đạt dễ hiểu, trình bày đẹp, nhiều kiến thức gần gũi với đời sống hằng ngày, không nặng nề lý thuyết như SGK hiện hành.
Nhiều giáo viên đồng ý với nhận định trên. Một cô giáo dạy Vật lý Trường Lê Quý Đôn, quận 3 nhận xét, bộ tài liệu được trình bày dễ hiểu, in màu khá bắt mắt. Hình ảnh minh họa thực tế sinh động, gần gũi đời thường giúp cho các em mường tượng lý thuyết dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, việc phân chia tách biệt giữa phần lý thuyết và thực hành đã mang lại nhiều hứng thú cho các em học sinh. “Cùng một bài học nhưng cách đặt vấn đề, lý giải của tài liệu này rõ ràng, hình ảnh minh họa sát thực tế giúp các em tiếp thu nhanh hơn là cách trình bày của SGK của Bộ”, một giáo viên cho biết.

Tuy từ ngữ diễn đạt dễ hiểu, rõ ràng nhưng tài liệu dạy – học vật lý đang được thí điểm này vẫn còn nhược điểm là trình bày dài dòng và giá bán cao hơn SGK hiện hành.

Sẵn sàng cho SGK riêng

Ông Phạm Ngọc Tiến, Phó trưởng Phòng giáo dục trung học Sở GD – ĐT TP.HCM, đồng thời là tác giả bộ tài liệu trên chia sẻ, Sở muốn thay thế SGK vì qua quá trình dạy và học, nhiều trường có nhu cầu giáo dục tập trung hơn trong từng môn học. Điều này giúp cho học sinh nắm bắt kiến thức sâu, gần với đời sống hơn là lý thuyết nặng tính hàn lâm, dàn trải.

Nằm trong định hướng thay đổi cách dạy và học, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo Sở GD – ĐT TP.HCM đã có những bước chuẩn bị khá vững chắc.

Những năm qua đội ngũ giáo viên được giao trọng trách thay đổi tiên phong khi mỗi người phải tự soạn bài giảng sao cho phù hợp năng lực của học sinh, từng trường cụ thể. Nên nếu được thống nhất bộ SGK riêng thì đội ngũ giáo viên đã trong tư thế sẵn sàng.

Đối với những môn khoa học tự nhiên như vật lý, hiện nay thời gian giảng dạy trên lớp không đủ đáp ứng việc truyền đạt lượng kiến thức dàn trải, điều đó khiến học sinh có cảm giác chán học.

Chính vì thế nhu cầu cần phải có bộ tài liệu tham khảo phù hợp để các em học sinh có thể tự học, tiếp thu lý thuyết thông qua cách diễn đạt gần gũi với cuộc sống hằng ngày là điều cấp thiết.Hiện bộ tài liệu dạy – học các môn học khác cũng đã được chuẩn bị dưới dạng bản thảo. Nội dung sẽ vẫn bám sát kiến thức cơ bản và đẩy mạnh thực hành, ứng dụng tạo cảm hứng học tập cho các em.

Thế nhưng để đi vào biên soạn bộ SGK các lớp khối THCS dành riêng cho TP.HCM là chuyện không dễ. Trên đây mới chỉ đề xuất của Sở GD – ĐT, nếu được UBND thành phố cho phép cũng sẽ phải có thời gian thí điểm, đánh giá kết quả cũng như phải có lộ trình rõ ràng

Theo Infornet, http://infonet.vn/sach-giao-khoa-rieng-cho-tphcm-da-co-ban-thao-cho-su-dong-y-post138149.info