Sự kiện: THÔNG TIN TUYỂN SINH

> Dự án sách giáo khoa số

>> Trường đại học Cần Thơ

>>> Sinh viên đi học thuê

Trao đổi với PV xung quanh việc sách giáo khoa (SGK) hiện hành quá nhiều “sạn”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết cùng với việc tiếp tục chỉnh lỗi ở bộ sách đang sử dụng, bộ đang chuẩn bị cho việc biên soạn SGK mới với quy trình chặt chẽ hơn.

Ông Hiển nói:

- Tôi nghĩ không thể có một bộ SGK hoàn hảo. Ở VN hay thế giới cũng như thế thôi. Kể cả SGK viết tốt rồi thì sau một thời gian cũng phải chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật kiến thức mới. Nếu quan niệm viết một bộ SGK để dạy từ đời này sang đời khác thì không phát triển được. Việc bổ sung, chỉnh sửa cũng bình thường, chỉ là chúng ta không quen với điều đó.

 

Sách giáo khoa có nhiều sạn

Hình minh hoạ, chủ đề Sách giáo khoa có nhiều "sạn"

 

* Những năm trước Bộ GD-ĐT tổ chức tiếp nhận góp ý về SGK. Hiện nay, mặc dù SGK vẫn bị phát hiện còn nhiều “sạn” nhưng tại sao Bộ GD-ĐT không thực hiện việc tiếp thu ý kiến “nhặt sạn” và chỉnh sửa nữa?

- Chúng tôi vẫn tiếp nhận góp ý chứ. Những ai thắc mắc, hỏi về chi tiết trong SGK nếu gửi về bộ đều sẽ được tiếp thu, trả lời. Hằng năm, Bộ GD-ĐT vẫn đề nghị NXB tập hợp các ý kiến góp ý về lỗi SGK. NXB Giáo Dục có bộ phận thường trực làm việc này. Có những ý kiến đóng góp đúng, có ý kiến không đúng, không thuyết phục. Những góp ý đúng, NXB sẽ thực hiện việc chỉnh sửa. Có nhiều chi tiết NXB đã chỉnh sửa rồi nhưng người góp ý vẫn theo sách cũ để nhận xét.

* Nhưng một trong những nguyên tắc cần duy trì khi biên soạn SGK là những kiến thức đưa vào sách phải chuẩn mực, không gây tranh cãi, phù hợp với các lứa tuổi học sinh?

- Những lỗi lớn thì NXB mới chỉnh sửa, còn những sai sót nhỏ thì giáo viên phải linh hoạt, tự chỉnh sửa, giải thích cho học sinh. SGK chỉ là tài liệu chính để giáo viên dùng để dạy học, không phải là pháp lệnh bắt giáo viên, học sinh phải nhất nhất tuân theo như trước đây. Từ lâu Bộ GD-ĐT đã khẳng định việc giáo viên không phải dạy hết, dạy đủ những gì trong SGK, giáo viên hoàn toàn có quyền lựa chọn tài liệu để thiết kế bài giảng của mình, trong đó có SGK. Những giáo viên mà SGK viết thế nào cứ dạy y như thế, kể cả khi sách viết không hợp lý thì tôi thấy không ổn. Việc này đã nói mãi rồi, giáo viên không phải không biết chủ trương này.

* Trên thực tế, phần đông giáo viên và học sinh vẫn xem SGK là tài liệu chính thống. Ngoại trừ các lỗi nhỏ, những sai sót về kiến thức, sự bất hợp lý về cấu trúc thì làm sao giáo viên dám đi ngược lại với sách, khi đằng sau bộ sách là cả một hội đồng các nhà viết sách, nhà thẩm định?

- Khi có góp ý về sai sót thì cụ thể phải xem sai nhỏ hay lớn, sai ở đâu. Những cái có thể khắc phục ngay thì là lỗi nhỏ, giáo viên có thể điều chỉnh, bổ cứu cho học trò ngay trong quá trình dạy học. Nhưng những thiếu sót lớn, như sai về quan điểm giáo dục, sai về nguyên lý thì Bộ GD-ĐT mới phải tính lại.

* Theo phản ảnh của giáo viên, có những thí nghiệm trong SGK môn lý, hóa giáo viên làm theo mô tả của sách nhưng không thể ra kết quả. Vấn đề này liệu có thể xem là “lỗi lớn” chưa hay cũng chỉ là “lỗi nhỏ” mà giáo viên phải tự xử lý thưa thứ trưởng?

- Chuyện giáo viên không làm được thí nghiệm trong SGK chắc cũng có thật. Nhưng việc này phải làm rõ nguyên nhân. Cũng có thể do tác giả viết sách chưa làm thí nghiệm đó, nhưng cũng có thể do thiết bị thí nghiệm không tốt, người thực hiện không đạt. Nếu do tác giả SGK thì cần phải điều chỉnh. Khi tiếp nhận góp ý, không phải NXB đơn phương xem xét chỉnh sửa mà phải làm việc với tác giả để nghe tác giả phản biện, giải thích.

* Thứ trưởng cho rằng giáo viên có thể dựa vào nhiều tài liệu khác nhau để thiết kế bài giảng, không nhất thiết phải dạy đúng SGK. Như vậy, thứ trưởng có ủng hộ quan điểm “một chương trình, nhiều bộ SGK” không?

- Thế giới người ta đã thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK rồi, vì một bộ sách có thể đáp ứng được cái này nhưng lại không đáp ứng được cái kia. Có nhiều bộ sách, người dạy có cơ hội lựa chọn. Chúng ta tiến tới cũng phải như thế nhưng việc này vẫn còn phải bàn vì có nhiều vấn đề phải cân nhắc. Bởi không phải ai cũng có thể viết sách được và việc chọn bộ sách nào, không chọn bộ nào cũng phải có cơ quan thẩm định, tránh những tiêu cực có thể xảy ra. Tôi nghĩ trước khi tiến đến việc thực hiện “một chương trình, nhiều bộ SGK” vẫn cần có những bước trung gian.

* Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về “bước trung gian” đó được không?

- Chúng tôi đã có định hướng về việc này nhưng còn phải bàn.

* Nếu tới đây Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục duy trì phương án “một chương trình, một bộ SGK” thì theo thứ trưởng, sẽ phải có những điều chỉnh thế nào để khắc phục những nhược điểm của bộ sách cũ?

- Chúng tôi đã tính khi biên soạn SGK sẽ phải có một người tổng chủ biên từng môn từ lớp 1 đến lớp 12. Nếu tổng chủ biên từng môn, ở từng lớp, cấp học chỉ kiểm soát việc biên soạn trong phạm vi được phân công, thì tổng chủ biên từ lớp 1 đến lớp 12 phải kiểm soát toàn bộ tất cả các cuốn sách của môn đó trong 12 lớp. Như vậy sẽ đảm bảo tính liên thông, cấu trúc chặt chẽ, nhất quán và khoa học, phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Bên cạnh việc kiểm soát chiều dọc như thế sẽ có một hội đồng kiểm soát chiều ngang ở mỗi lớp học. Ví dụ ở bậc THCS có bốn lớp thì sẽ có bốn hội đồng ngồi với nhau để xem xét, cân nhắc ở tất cả các môn của mỗi lớp, để khắc phục ngay những bất cập. Việc biên soạn SGK tới đây sẽ phải theo một quy trình chặt chẽ, khoa học hơn. Kể cả trường hợp thực hiện “một chương trình, nhiều bộ SGK” thì vẫn phải xây dựng một quy trình để các nhóm tuân thủ, đảm bảo các bộ SGK đạt chuẩn mực nhất định.

* Có trường hợp cùng một vấn đề ở lớp 8-9 đã dạy rồi, lên lớp 10-11 lại dạy lại. Nhưng vì SGK lớp 8-9 và 10-11 do các nhóm tác giả khác nhau viết nên có những điểm không đồng nhất trong kiến thức, kể cả các ký hiệu toán học cũng có sự khác biệt giữa sách của hai nhóm này khiến học sinh lúng túng. Vấn đề này có phải là lỗi cần điều chỉnh không?

- Cái đó thì phải sửa rồi.

"Bộ GD-ĐT chỉ quản lý theo chương trình và nhìn vào kết quả cuối cùng. Để đạt được kết quả như yêu cầu của Bộ GD-ĐT, giáo viên có thể chọn tài liệu nào mình thấy tốt. Dĩ nhiên đó phải là tài liệu đã được thẩm định về chất lượng."

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển

Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, tuyển sinh đại học

Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh qua email tại ô bên dưới

Kênh Tuyển Sinh (Tuổi trẻ)