Sự kiện: Giáo dục / tuyển sinh / học bổng du học / du học / du học Mỹ

Letter of Recommendation” hoặc “Recommendation Letter” (tạm dịch là thư giới thiệu) là một phần quan trọng và cần thiết trong bộ hồ sơ xin du học ở Mỹ. Tuy nhiên, không phải học sinh, sinh viên (HS-SV) nào cũng biết cách tạo ra một bức thư giới thiệu vừa ý các đơn vị phỏng vấn.

Phần lớn các bộ hồ sơ xin du học Mỹ đều yêu cầu phải có hai hoặc ba bức thư giới thiệu. Tầm quan trọng của thư giới thiệu có thể khác nhau đối với mỗi trường, nhất là nhiều trường biết phần lớn thầy cô ở Việt Nam không quen tự viết thư giới thiệu. Tùy thuộc vào việc bạn nộp hồ sơ cho một chương trình liberal arts (đào tạo kiến thức tổng hợp) hay chuyên ngành (như thiết kế hay kinh doanh), những bức thư giới thiệu này nên được viết bởi các giáo sư đang hoặc đã dạy bạn, nhà tuyển dụng, người giám sát, hoặc những người biết rõ công việc và khả năng của bạn…

Cần tính thực tế

Để được nhận vào học tại các trường Đại học danh tiếng, ngoài việc vượt qua được vòng phỏng vấn và bài luận thì thư tiến cử của những người có uy tín cũng khá quan trọng. Đây tưởng như là việc rất đơn giản nhưng vẫn có không ít HS-SV phạm sai lầm khi thực hiện. Nam Lê, SV năm 2 Trường Đại học Stanford cho biết có không ít bạn cố tìm cho được những người có chức vụ thật “VIP” đứng tên giới thiệu, với hy vọng trường Đại học nước ngoài sẽ đánh giá cao nội dung đó. “Tuy nhiên, phần lớn những thư giới thiệu này thường mang tính chất “chung chung”, dùng những từ ngữ khen chê trống rỗng, hay những từ đao to búa lớn. Điều này có thể làm bạn dễ bị hòa lẫn với hàng trăm, hàng ngàn thí sinh khác. Thường thư giới thiệu tốt có những tình huống, hoàn cảnh cụ thể mà thực tế cho thấy tính cách của bạn. Hội đồng tuyển sinh sẽ hiểu bạn qua những tình huống đó”, Nam Lê khẳng định.

Recommendation Letter: Thư giới thiệu du học

Hình minh hoạ, chủ đề Recommendation Letter: Thư giới thiệu du học

Nam Lê cho biết thêm: “Trước đây anh trai tôi cũng mắc lỗi tương tự và phải mòn mỏi chờ đợi mà không nhận được sự phản hồi từ đơn vị tuyển sinh. Riêng tôi, vì không nhờ được nhân vật “VIP” nào nên đã nhờ một thầy giáo trong trường viết thư. Nhưng đó lại là may mắn bởi chỉ hơn một tháng gửi hồ sơ, tôi đã nhận được cuộc gọi từ Trường Đại học Stanford. Tôi nhận ra rằng, thư giới thiệu phản ánh không chỉ khả năng học tập mà còn là năng lực và tính cách của bạn. Ví dụ bạn là một HS năng nổ, nhiệt tình trong công việc trường lớp, hoặc sáng tạo, nhanh nhạy trong những hoạt động xã hội. Vì phần lớn các trường học ngày nay đánh giá cao sự năng động và đa dạng, thư giới thiệu có thể thể hiện bạn qua những hoạt động học thuật và ngoại khóa…”.

Chị Đặng Hoàng Yến, cựu SV Trường Đại học Princeton, cho rằng thư giới thiệu có thể được coi như cái gương soi để hội đồng tuyển sinh nhìn thấy tài năng của bạn được thể hiện ra qua cái nhìn của người khác. Vì thế thư giới thiệu không nên đi ngược lại với những gì có trong bài luận, hoạt động ngoại khóa, nhưng đồng thời cũng không nên để lặp lại toàn bộ những gì bạn đã thể hiện ra qua các yếu tố trên. “Các ứng viên và cả những người giới thiệu thường có một thói quen xấu là coi việc viết thư giới thiệu như những bài tập đã có khuôn mẫu mà quên mất rằng rất nhiều người giới thiệu coi bức thư tiến cử như một báo cáo nhận xét về năng lực và họ có xu hướng gửi đi những bức thư quá khắt khe, khách quan mà thiếu sự ủng hộ. Bởi vậy hãy thảo luận trước với người giới thiệu của mình để nội dung bức thư không quá nặng về khen ngợi nhưng cũng đừng quá khắt khe”, chị Hoàng Yến chia sẻ.

Không nên giả tạo

Hiện nay rất nhiều ứng viên du học chọn cách tự viết thư tiến cử sau đó nhờ một người có chức vụ ký tên. Theo Hoàng Mai, SV Trường Đại học Yale, kết quả của những bức thư tiến cử do chính ứng viên viết đó thường rất tệ. Bởi đơn giản là các trường có thể kiểm tra ngược lại với người giới thiệu và dễ dàng biết được mối quan hệ thật giữa người giới thiệu và ứng viên. Khi đó bức thư giới thiệu lại trở thành bất lợi cho ứng viên. Bên cạnh đó, không ít HS-SV nghĩ rằng các trường chỉ muốn thật nhiều những từ khen ngợi về các kỹ năng, tầm nhìn của ứng viên và người đó hầu như đạt được mọi mục tiêu đề ra.

Bằng nhiều cách, SV này sẽ hướng người viết thư giới thiệu “khoe khoang” quá đà về thực lực mà họ có. Nhưng không phải ai cũng “trót lọt” khi đi bằng “cửa” này. Điều này sẽ khiến hội đồng tuyển sinh nghi ngờ, hồ sơ của bạn sẽ bị lưu lại và phải trải qua kỳ sát hạch gắt gao để kiểm chứng những khả năng hoạt động “hơn người” đó.

Thay vào đó, các trường muốn biết những chi tiết thực tế, những ví dụ thiết thực cho thấy ứng viên có những kỹ năng mà người giới thiệu miêu tả. Bạn nên xây dựng mối quan hệ tốt với các thầy cô giáo, ví dụ ở lại một chút sau giờ học chính khóa hỏi han về chuyện bài vở, tích cực tham gia vào tiết học của thầy cô đó, hay đơn giản là nở một nụ cười và chào khi bắt gặp trên đường… Nhưng nên nhớ là đừng hành động giả tạo, hay cũng đừng biến bản thân thành kẻ nịnh hót, lợi dụng”, Hoàng Mai chia sẻ.

Recommendation letter: nội dung thường có tin tức liên hệ đến người được giới thiệu đang xin việc làm hay vào đại học. Tin tức thường là về kỹ năng, khả năng chuyên môn, tinh thần đồng đội (teamwork), khả năng lãnh đạo (leadership) của người đó. Recommendation letter thường có nhiều chi tiết nhằm mục đích giúp người được giới thiệu nhận được việc làm hay được nhận vào đại học. Lời lẽ trong thư này thường trực tiếp nói về kỹ năng và khả năng hơn là những chi tiết cá nhân về tính tình người ấy như trong reference letter.

Reference letter thường có tính cách tổng quát và liên hệ đến tính cách người ấy hơn là về khả năng.

1. “Thư giới thiệu” hay “tiến cử” recommendation letter hay letter of recomendation là lá thư giới thiệu trong đó người viết thẩm định khả năng, kỹ năng, sở thích và năng lực của ứng viên được giới thiệu vào một chức vụ nào đó.

Vì letter of recommendation thường do một người nào đó viết (như chủ cũ hay giáo sư trường cũ) và như vậy nêu rõ danh tính người yêu cầu (chủ mới hay giáo sư trường mới). Loại thư này thường đặc biệt để xin việc làm, nhận vào đại học hay xin học bổng. Có khi người xin việc chỉ đưa tên và địa chỉ người viết thư giới thiệu để người yêu cầu (chủ nhân mới) gọi điện thoại xin thẳng người ấy viết letter of recommendation. Có khi chủ cũ viết một letter of recommendation rồi dán kín phong bì để người được giới thiệu đưa thẳng cho chủ mới. Như vậy letter of recommendation có đề tên người nhận, và dùng một lần cho một mục đích thôi.

2. Reference letter (giấy chứng nhận) thường dùng như lời tuyên bố hay thẩm định về đức tính cách hay khả năng một ai, và như vậy nêu rõ chi tiết liên quan đến đương sự. Ở đầu reference letter hay có dòng chữ “To Whom It May Concern” và không đề rõ tên người nhận như letter of recommendation. Và như vậy có thể dùng bây giờ hay trong tương lai và có thể dùng cho nhiều chủ nhân hay trường cao học mà ứng viên xin việc hay sinh viên xin học hay gia nhập ban giảng huấn.

Kênh Tuyển Sinh

( Theo du học toàn cầu - Xem tin gốc:  http://www.toancauco.edu.vn/tin-tuc/thu-gioi-thieu-du-hoc-khong-nen-coi-nhe/ )