>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015 >> Điểm chuẩn đại học 2015


Rắc rối cách xác định điểm trúng tuyển
1
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển đợt 1 vào một trường ĐH ở TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

4 nguyện vọng, nhiều tổ hợp môn

Việc Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh (TS) đăng ký 4 ngành theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4 trong mỗi lần xét tuyển, trong đó mỗi ngành lại có nhiều tổ hợp môn khác nhau, đã gây khó khăn không nhỏ cho các trường trong việc xác định điểm trúng tuyển.
Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, nêu ra các phương án về cách xác định điểm chuẩn trúng tuyển đang khiến các trường bối rối. Thứ nhất, lấy điểm chuẩn theo ưu tiên 1. Theo đó, xác định điểm chuẩn theo ưu tiên 1 đúng bằng chỉ tiêu xét tuyển của ngành. Cách này sẽ phủ định luôn các ưu tiên 2, 3 và 4 và việc cho TS đăng ký 4 nguyện vọng trở thành vô nghĩa. Thứ hai, xác định điểm trúng tuyển của từng ngành không phân biệt ưu tiên. Theo đó, cùng một ngành, điểm chuẩn trúng tuyển các ưu tiên 1, 2, 3, 4 là như nhau.
Theo thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, điều đó cũng có vẻ không hợp lý vì đã đánh đồng các nguyện vọng như nhau, xác định điểm trúng tuyển cho từng nguyện vọng trong cùng một ngành. Theo đó, điểm chuẩn ưu tiên trước cao hơn ưu tiên kế sau ở một mức điểm nhất định nào đó. Ví dụ, ngành cơ khí, điểm chuẩn ưu tiên 1 là 20, ưu tiên 2 là 20,5, ưu tiên 3 là 21 và ưu tiên 4 là 21,5. Nhưng vấn đề càng trở nên phức tạp hơn vì một ngành có nhiều tổ hợp môn xét tuyển. Mà theo hướng dẫn của Bộ, điểm chuẩn của mỗi tổ hợp môn nên có sự chênh lệch. Như vậy sẽ có rất nhiều mức điểm chuẩn khác nhau trong cùng một ngành.
Thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, quyền Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận: “Theo quy định của Bộ, các trường xác định điểm trúng tuyển sao cho lấy ít nhất 70% chỉ tiêu cho tổ hợp truyền thống, còn lại dành cho tổ hợp thi mới. Nguyên tắc xét tuyển dựa trên chỉ tiêu nhóm tổ hợp môn của mỗi ngành. Do đó, trên lý thuyết là các trường cứ xét từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, việc này gây khó khăn cho các trường”.
Theo đó, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ tính toán điểm chuẩn ưu tiên 1 trước, TS đậu thì các nguyện vọng sau không còn giá trị. Nếu rớt ưu tiên 1 TS xét tiếp ngành thứ 2 bình đẳng với những TS nguyện vọng 1 khác của ngành này.

Lấy từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu

Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Hoa Sen, cho biết: “Trường chúng tôi dự định tất cả các nguyện vọng đều được xét như nhau và xét từ trên xuống, lấy chỉ tiêu từng ngành làm chốt chặn và lấy ưu tiên của TS làm cơ sở gọi trúng tuyển. Khi một TS trúng tuyển từ 2 ngành trở lên, ngành nào TS chọn ưu tiên hơn sẽ trúng tuyển, ngành ưu tiên ít hơn sẽ loại. Khi xét, nếu một TS trúng tuyển 2 ngành trở lên, sau khi gọi ngành có ưu tiên cao hơn, các ngành còn lại sẽ được máy tính tự động loại ra và bổ sung thêm TS kế tiếp vào danh sách”.
Còn theo PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, bộ phận công nghệ thông tin của trường đang viết thuật toán xác định điểm trúng tuyển. PGS-TS Minh cho hay: “Cách xác định điểm chuẩn dựa trên nguyên tắc lấy từ cao xuống thấp cho từng ngành đến khi đủ chỉ tiêu. TS trượt ưu tiên 1 sẽ tự động nhảy sang danh sách ưu tiên số 2, trượt ưu tiên số 2 tiếp tục chạy sang danh sách của ngành ưu tiên số 3… Tuy nhiên, việc này rất khó hình dung ngay cả với những người làm công tác tuyển sinh 2015, bởi vì nó quá rắc rối”.

Trúng tuyển nhưng không đúng sở thích

Năm nay sẽ xảy ra tình trạng TS có thể không trúng tuyển vào ngành yêu thích nhất. Phó phòng đào tạo của một trường ĐH tại TP.HCM nhận định: “Bộ muốn các trường làm sao để đảm bảo TS điểm cao là đậu, dù là đậu vào ngành không yêu thích. Đối với các trường, các ưu tiên số 2, 3, 4 là vô nghĩa. Đúng ra chỉ có 1 nguyện vọng là ngành mà TS yêu thích nhất, các trường sẽ lấy từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu”.
Đại diện các trường còn lo ngại nếu TS không trúng tuyển vào ngành mình yêu thích nhất đến khi theo học không có đủ đam mê và năng lực, sẽ bỏ ngang. Lúc đó lãng phí thời gian, công sức của cả người học lẫn nhà trường.
Do đó, thạc sĩ Lê Ngọc Tứ lưu ý: “Nếu như xác định mình yêu thích ngành nào, có khả năng theo đuổi ngành đó đến cùng thì TS nên xem xét số điểm phù hợp với trường nào để chỉ chọn một ngành. Trong trường hợp thấy không an toàn, chỉ nên đăng ký thêm ngành thứ 2. Không thích thì tuyệt đối không đăng ký để tránh trường hợp trúng tuyển nhưng theo học một thời gian chán dẫn đến bỏ học”.

Rút hồ sơ như thế nào để tránh rủi ro?

Nhiều thí sinh và phụ huynh cố gắng chờ đợi đến phút chót để đưa ra quyết định rút hồ sơ. Tuy nhiên, điều rủi ro ở chỗ sẽ có nhiều người cùng suy nghĩ như vậy, sẽ gây quá tải.

Trải qua tuần đầu tiên nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1, TS Lê Việt Thủy – Phó trưởng phòng Đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân - đưa ra lời khuyên, thí sinh nên rút hồ sơ trước ngày 19/8.

Theo TS Thủy, nhiều thí sinh và phụ huynh cố gắng chờ đợi đến phút chót để đưa ra quyết định. Tuy nhiên, điều rủi ro ở chỗ sẽ có nhiều người có suy nghĩ như vậy nên việc rút hồ sơ và nộp hồ sơ vào ngày cuối cùng sẽ quá tải.

Thí sinh nên nộp hồ sơ xét tuyển đại học lúc nào?

Chuyên gia tư vấn tuyển sinh Phạm Mạnh Hà gợi ý thí sinh có thể nộp hồ sơ sau 3, 4 ngày kể từ 1/8. Điều này giúp các em có hình dung chung về lượng thí sinh xét tuyển vào trường.

Trong những ngày “đỉnh điểm” của hồ sơ xét tuyển, thạc sĩ Lê Việt Anh - Phó trưởng phòng Đào tạo, Đại học Ngoại thương khuyên thí sinh không nên nhìn danh sách điểm nộp hồ sơ mà lo sợ. Bởi hiện tại, số liệu các trường công bố trên website 3 ngày một lượt rất khó có thể xác định chính xác vị trí điểm của mình. Nguyên nhân là mỗi trường có một cách sắp xếp riêng, trong đó một học sinh xét theo 4 nguyện vọng là nhân lên gấp 4 lần.

"Nếu không hình dung được bản chất vấn đề, chúng ta sẽ thấy số lượng hồ sơ nộp quá nhiều, dẫn đến lo lắng, đưa ra quyết định không chính xác" - thạc sĩ Việt Anh nhấn mạnh.

Sau khi tiếp thu ý kiến của rất nhiều phụ huynh, học sinh, Đại học Ngoại thương Hà Nội đã điều chỉnh danh sách công bố theo ngàng ngang, số lượng thí sinh nộp 4 nguyện vọng sẽ được đánh giá theo nguyện vọng thứ nhất.

Chia sẻ việc lựa chọn nghề nghiệp, thạc sĩ Phạm Thành Công – Phó trưởng phòng Đại diện Đại học Công nghiệp Hà Nội - khuyên học sinh nên lựa chọn công việc mình yêu thích, dù chỉ là hệ cao đẳng, sẽ tạo động lực học tập và có cơ hội việc làm cao hơn.

Năm nay, Đại học Công nghiệp có 22 chuyên ngành, ngành đào tạo hệ cao đẳng, tạo cơ hội cho những thí sinh điểm thấp có cơ hội vào trường. Thạc sĩ Phạm Thành Công đưa ra ví dụ: Một học sinh đạt ngưỡng 15 điểm, NV1 có thể đăng ký đại học, những nguyện vọng sau đăng ký cao đẳng.

Đại học Công nghiệp vừa nâng cấp phần mềm tra cứu điểm xét nguyện vọng 1. Những thí sinh chưa nộp hồ sơ có thể tra cứu xem mình xếp thứ hạng bao nhiêu, nếu xa so với chỉ tiêu các em có thể cân nhắc chọn ngành khác hoặc trường khác.

Theo Thanh Niên, tin gốc: http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/rac-roi-cach-xac-dinh-diem-trung-tuyen-594438.html