Sự kiện: Giáo dục, thông tin tuyển sinh, học đường

Trả lời nhiều thắc mắc của Đại biểu Quốc hội liên quan tới vấn đề dạy thêm, học thêm, ổn định Quy chế thi hàng năm và những khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và đại học, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đưa ra nhiều giải pháp trong thời gian tới.

Nghiêm cấm cắt xén chương trình đưa vào dạy thêm

Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, đúng là thực trạng này đang diễn ra trong xã hội. Nguyên nhân được nhiều người nhận định, phải chăng do chương trình quá nặng, nhiều nội dung giảng dạy không cần thiết ở bậc phổ thông, kiến thức còn nặng tính hàn lâm, thiếu thực tiễn, rồi áp lực thi cử là một trong những nguyên nhân khó quản lý việc dạy thêm, học thêm?

thông tin giáo dục, khoa giáo

Bộ giáo dục guyết liệt chấn chỉnh dạy thêm, học thêm

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, thực hiện Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 về dạy thêm, học thêm, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương tổ chức triển khai, phổ biến và thực hiện quy định đến tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn; Tổ chức thanh tra, kiểm tra một số địa phương để kịp thời xử lý, chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng trấn an, để tháo gỡ những lo lắng, bức xúc của xã hội về tình trạng dạy thêm học thêm trái quy định, cùng với các quy định hiện hành, Bộ GD&ĐT đã và đang tập trung chỉ đạo các giải pháp như: Tăng cường quản lý giáo viên trong việc thực hiện chương trình dạy học, thực hiện quy định dạy thêm học thêm, nghiêm cấm cắt xén chương trình để đưa vào dạy thêm hoặc ép buộc học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào.

Tăng cường kiểm tra, đánh giá việc chuẩn bị bài và giảng dạy của giáo viên trong giờ chính khóa và dạy thêm, kiên quyết xử lý giáo viên vi phạm quy định.

“Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng trong chương trình, tập trung đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, công tác thi theo hướng gắn với thực tiễn, đánh giá khách quan, thực chất năng lực của học sinh, không yêu cầu học sinh “học vẹt”, ghi nhớ máy móc” Bộ trưởng Luận cho biết.

Cũng theo đó, giải pháp tiếp theo là tăng dạy học 2 buổi/ngày để học sinh được tăng thời lượng tự học có hướng dẫn.

Tiếp tục giữ ổn định quy chế thi

Nhiều câu hỏi của Đại biểu tập trung hỏi Bộ trưởng Luận về vấn đề Quy chế thi những năm tới, vì theo những Đại biểu này trong những năm qua quy chế thi tốt nghiệp hay đại học mỗi năm luôn có sự thay đổi, điều đó tạo tâm lý chờ đợi, lo lắng đối với học sinh và các phụ huynh.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích về việc bổ sung, thay đổi quy chế rằng, trong quá trình thực hiện, để phù hợp với chế độ, chính sách của Nhà nước mới ban hành, đồng thời đảm bảo sự thuận lợi tối đa cho người học, nâng cao hiệu quả tổ chức thi và đáp ứng yêu cầu làm lành mạnh hóa thi cử, Bộ đã có một số sửa đổi, bổ sung nhỏ đối với Quy chế thi.

Tiếp thu ý kiến của Đại biểu, Bộ GD&ĐT sẽ cố gắng giữ ổn định quy chế, nội quy các kỳ thi để tránh gây tâm lý lo lắng cho học sinh và phụ huynh” Bộ trưởng khẳng định.

Liên quan tới đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, đại học trong thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ, Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế"  mà Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương để trình Hội nghị Trung ương xem xét trong thời gian tới là khâu quan trọng nhất.

Bên cạnh đó, lấy đổi mới quản lý làm khâu đột phá nhằm nâng cao chất lượng toàn diện. Đổi mới về tư duy như: Tách bạch quản lý nhà nước với hoạt động chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước không làm thay nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục.

Phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, giao chính quyền địa phương các cấp phối hợp tham gia quản lý các cơ sở đào tạo (các đại học, trường đại học và cao đẳng) trên địa bàn...

Theo Xuân Trung, Báo Giáo dục