Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

 

Tin liên quan:

 

thu_truong_bo_gd&dt_bui_van_ga

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga.

 

Sau cuộc họp báo chuyên đề về dự án luật giáo dục đại học chiều 26-10, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nói, sắp tới, quy trình mở trường đại học sẽ nghiêm ngặt, bài bản, gắn với chất lượng đào tạo.

 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xem xét điều chỉnh về quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng. Quy hoạch mạng lưới này dựa trên quy hoạch nguồn nhân lực cả nước. Đây là lần đầu tiên chúng ta có quy hoạch nguồn nhân lực cả nước trong tất cả các ngành nghề, địa phương và những lĩnh vực khác nhau. Dựa trên kế hoạch nguồn nhân lực này, chúng ta có thể điều chỉnh hệ thống các trường đại học sao cho phù hợp.

 

Những tiêu chí trước đây không phù hợp, sẽ được thay thế để đảm bảo mở trường hợp lý, đào tạo sinh viên có nơi sử dụng, chứ không phải dư thừa ở một số ngành nghề, lĩnh vực như hiện nay.

 

Trên cơ sở có quy hoạch nguồn nhân lực, chúng ta xây dựng mạng lưới trường đại học, cao đẳng phù hợp hơn và có thể đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội.

 

Đợt tuyển sinh vừa qua, nhiều trường đại học vùng và địa phương tạm đóng cửa nhiều ngành vì không tuyển được sinh viên, trong đó có ngành xã hội. Thứ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?

 

Đây là một bất cập trong việc chọn ngành nghề của học sinh, vì các em thường chọn ngành nghề dễ tìm được việc làm. Đặc biệt, rất ít thí sinh chọn học ngành xã hội, mà đa số vào kinh tế, quản lý, ngân hàng tài chính.

 

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cũng có sự lệch rất lớn của học sinh trong đào tạo nghề. Lĩnh vực tài chính ngân hàng lệch gần 1,8 lần so với dự kiến (nghĩa là quá nhiều học sinh học trong ngành tài chính ngân hàng). Do vậy, cán cân các ngành khác sẽ thấp hơn dự kiến.

 

Sắp tới, Bộ GD&ĐT nghiên cứu một cơ chế, chính sách làm thế nào để thu hút học sinh vào học những ngành xã hội thực sự có nhu cầu, bằng cơ chế học bổng, học phí. Nhưng quan trọng nhất là việc làm sau tốt nghiệp, nên những đơn vị tuyển dụng lao động làm sao tuyển đúng người, đúng ngành, bố trí công việc phù hợp để khuyến khích sinh viên học những ngành mà chúng ta có nhu cầu nhưng ít thí sinh đăng ký.

 

Năm nay, nhiều trường sư phạm tuyển bằng điểm sàn và khó tuyển sinh. Thứ trưởng có lo ngại một lượng lớn sinh viên không giỏi vào học ngành này?

 

Đối với các trường đại học sư phạm, Bộ GD&ĐT đang thống kê lại nhu cầu thực tế. Thực ra, nhu cầu của các trường sư phạm không nhiều như trước đây. Vì thế, nếu cứ mở nhiều trường, tiếp tục đào tạo sư phạm như hiện nay, sẽ dẫn tới dư thừa và sinh viên sư phạm phải đi làm việc khác sau khi tốt nghiệp.

 

Sở dĩ ít em vào sư phạm, chọn những ngành điểm thấp hơn vì sinh viên ra trường không tìm được chỗ làm phù hợp, trong khi nhân lực của ngành này đã bão hòa. Chúng ta phải cơ cấu, quy hoạch lại nhân lực của ngành sư phạm, sau đó củng cố lại một số trường sư phạm trọng điểm đào tạo nhân lực cao, có những chế độ thích hợp cho sinh viên ra trường.

 

Hiện nay, nhiều trường được thành lập quá nhanh nhưng chất lượng lại kém. Ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này?

 

Việc thành lập trường sẽ không quá nhanh nữa. Hiện nay, không có nhiều trường thành lập, bởi vì họ phải đảm bảo chất lượng. Thành lập đại học không phải dễ, vì để có sinh viên là vấn đề lớn.

 

Nhiều năm trước, cũng như năm nay, nhiều trường không tuyển được học sinh. Lý do vì sao các trường chỉ tiêu vẫn còn, nhiều em trên điểm sàn đại học, nhưng không vào học? Các trường đại học phải đạt chất lượng và uy tín cần thiết mới thu hút được sinh viên. Cái này cần phải có thời gian và đầu tư, không phải các trường mở ra có sinh viên ngay.

 

Sắp tới, chủ trương chung của Bộ GD&ĐT là đảm bảo chất lượng đào tạo. Vì thế, quy trình mở trường nghiêm ngặt về diện tích đầu tư, con người, cơ sở vật chất..., tất cả rất bài bản. Khi thành lập, trường phải đảm bảo chất lượng.

 

Thí điểm các trường tự tuyển sinh ngay năm tới

 

Việc tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012 có gì mới và Bộ GD&ĐT có duy trì kì thi “ba chung” nữa không?

 

Ý kiến của Bộ GD&ĐT là thay đổi phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng thiết thực, nhẹ nhàng nhất có thể.

 

Hiện nay, Bộ đang trong quá trình nghiên cứu, giao một số trường thí điểm tự tuyển sinh để xem hiệu quả như thế nào. Quá khứ chúng ta đã làm như thế rồi nhưng gây bất cập như luyện thi, không công bằng, nhiều vấn đề đặt ra cho xã hội.

 

Sắp tới, Bộ sẽ để các trường tự tuyển sinh thử, tất nhiên giao cho các trường có đủ tiêu chuẩn, các trường hàng đầu làm thử. Trên kết quả đấy, xem cái lợi, chỗ không lợi để rồi phân tích, lên phương án phù hợp nhất.

 

Dự kiến có bao nhiêu trường đủ năng lực tự tuyển sinh, thưa Thứ trưởng?

 

Trước hết là những trường công lập, trường top đầu, có đủ năng lực ra đề thi đại học. Quản lý, tổ chức tất cả những việc ấy không phải trường nào cũng làm được. Phải có lực lượng đủ mạnh, cách quản lý thật tốt.

 

Hiện nay, chưa biết sẽ có bao nhiêu trường vì còn phụ thuộc vào việc đăng ký của những trường và đề án của họ. Nhiều trường sẽ có những đề án khác nhau, đề án nào tốt nhất, Bộ sẽ lựa chọn làm thí điểm.

 

Nếu các trường đủ năng lực, liệu Bộ GD&ĐT có triển khai ngay trong kì thi tuyển sinh năm 2012, thưa thứ trưởng?

 

Khi họ làm tốt, xã hội ủng hộ, không có việc học thêm, minh bạch, tạo công bằng, sinh viên phấn khởi, xã hội an tâm thì khi đó sẽ nhân rộng mô hình ấy.

 

Khi đề án làm tốt, thấy khả thi thì có thể áp dụng sớm trong năm nay. Giờ chưa có đề án nào cụ thể nên Bộ cũng chưa thể nói là làm hay không.

 

Xin cảm ơn Thứ trưởng!


Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (Theo: tienphong)