Tin tức: GIÁO DỤC | TUYỂN SINH | LIÊN KẾT ĐÀO TẠO | TRƯỜNG QUỐC TẾ

Quy định về hợp tác đầu tư nước ngoài: Chưa sát thực tế

Sáng 30/1, tại TP.HCM, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn thực hiện Nghị định số 73/2012/ NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục (GD), có hiệu lực thi hành từ 15/11/2012.

Ý kiến của các đại biểu tại hội nghị cho thấy, nghị định này vẫn còn nhiều khoảng “chênh” so với thực tế, đặc biệt trong lĩnh vực GD mầm non và GD phổ thông.

Nghị định xác định có hai hình thức đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực GD là đầu tư 100% vốn và đầu tư liên doanh. Bốn loại hình đầu tư nước ngoài được phép là: đào tạo- bồi dưỡng ngắn hạn, GD nghề nghiệp, GD đại học, GD mầm non và GD phổ thông.


Quy định về đào tạo quốc tế chưa chặt chẽ


Trường song ngữ Quốc tế Horizon có 100% vốn đầu tư nước ngoài, dạy học bằng tiếng Anh, nhưng lại dạy theo chương trình của VN. Trường hợp này chưa được Nghị định 73 đề cập. Nguồn ảnh: baby.marry.vn

Các cơ sở GD mầm non (các trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ) thực hiện chương trình GD theo chương trình của nước ngoài, cấp văn bằng nước ngoài, dành cho trẻ em là người nước ngoài. Cơ sở GD phổ thông (từ tiểu học đến THPT) thực hiện chương trình GD theo chương trình của nước ngoài, dành cho HS là người nước ngoài và một bộ phận HS Việt Nam có nhu cầu.

Quy định chênh so với thực tế

Cụ thể, tại điều 24 quy định, các cơ sở GD có vốn đầu tư nước ngoài được phép tiếp nhận số HS Việt Nam nhưng không quá 10% tổng số HS của trường (đối với tiểu học và THCS), và không quá 20% (đối với THPT). Về quy định này, ông Nguyễn Hoài Chương- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, nói: “Họ đầu tư vào Việt Nam là nhắm đến nhu cầu của người VN. Bây giờ quy định như thế thì họ đóng cửa à!”.

Không chỉ gây khó cho nhà đầu tư nước ngoài, quy định nói trên còn gây khó cho cả người học Việt Nam. Cụ thể là khi phụ huynh có nhu cầu cho con học trường “Tây” vượt quá 10% (ở tiểu học và THCS) và vượt quá 20% (ở THPT) thì sẽ phải xử lý như thế nào? Ai được học và ai không được học? Những người không cho con theo học được trường “Tây” tại Việt Nam, nếu muốn, buộc phải cho con du học nước ngoài? Quy định trên cũng tỏ ra lạc hậu khi tại các cơ sở GD có vốn đầu tư nước ngoài ở TP.HCM hiện có tỉ lệ HS người Việt là không nhỏ. Chẳng lẽ họ phải “đuổi bớt HS” cho đúng quy định?Điểm 2 điều 24 còn quy định: Trẻ em Việt Nam khi chưa đủ 5 tuổi sẽ không được tiếp nhận vào học chương trình của nước ngoài. Những quy định như thế thật là không theo kịp thực tế phát triển xã hội, khi tại TP.HCM số trẻ em tuổi mầm non theo học tại các trường MN quốc tế rất nhiều.

Thông tin từ Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, hiện trên địa bàn TP có hơn 40 cơ sở GD phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài, tất cả đều được Bộ GD-ĐT cấp phép thành lập, trong đó có 5 trường được thành lập theo công hàm ngoại giao. Chiếu theo quy định tại điều 7 của nghị định “chỉ có GD nghề nghiệp và GD đại học mới được liên kết đào tạo với nước ngoài”, thì sự tồn tại của Trường THPT Quốc tế Việt Úc (một mô hình liên kết giữa Bộ GD-ĐT Việt Nam và Bộ GD Úc) sẽ là bất hợp pháp!

Ngoài ra, các loại hình đầu tư vào GD tại TP.HCM cũng rất đa dạng mà Nghị định 73 chưa “chạm” đến. Chẳng hạn như mô hình Trường song ngữ Quốc tế Horizon, là trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài, dạy học bằng tiếng Anh, nhưng lại dạy theo chương trình của VN; hay Trường Quốc tế Mỹ có vốn đầu tư 100% của VN nhưng lại dạy chương trình nước ngoài.

Vì thế, các đại biểu đã đề nghị Ban soạn thảo thông tư hướng dẫn nghị định nói trên phải bổ sung và cụ thể hoá những gì Nghị định 73 chưa “chạm” tới.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây.

Theo Báo Phụ Nữ