Theo công bố của Bộ GD-ĐT, năm 2012 có 33 cơ sở đào tạo TCCN không tuyển được học sinh, nhiều trường không tuyển đủ thí sinh so với chỉ tiêu được thông báo. Một phần nguyên nhân được xác định do công tác phân luồng, định hướng nghề chưa được chú trọng, nên khó thu hút được thí sinh.

Tuyển sinh 2012: 33 cơ sở không tuyển được HS

Số thí sinh tốt nghiệp THCS được tuyển vào học TCCN là 22.865 học sinh, chiếm 9,1%; số thí sinh trượt tốt nghiệp THPT được tuyển vào học TCCN là 10.271 học sinh, chiếm 4,1%.

Bộ GD-ĐT thống kê, các thí sinh theo học nhiều nhất lần lượt là các ngành tập trung ở 4 lĩnh vực: Sức khỏe gần 90.000 thí sinh (chiếm khoảng 34%); Kinh doanh và Quản lý hơn 50.000 thí sinh (chiếm khoảng 22%); Công nghệ kỹ thuật hơn 40.000 thí sinh (chiếm khoảng 17%); Đào tạo giáo viên hơn 36.000 thí sinh (chiếm khoảng 14%); thấp nhất là hai lĩnh vực Môi trường, Sản xuất và chế biến có số thí sinh nhập học chỉ xấp xỉ 1%.

Đặc biệt, các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nông lâm nghiệp và thủy sản, Môi trường, Sản xuất và chế biến có rất ít thí sinh đăng ký dự tuyển và nhập học.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, công tác tuyển sinh TCCN năm 2012 vẫn còn một số hạn chế. Nhiều trường không tuyển đủ thí sinh so với chỉ tiêu.

bang cap, trung cap chuyen nghiep, tuyen sinh 2013, kham pha

Phân luồng học sinh cần phù hợp với nhu cầu và năng lực.

 

Đáng chú ý, một số trường đã thông báo thông tin mập mờ, gây hiểu lầm cho thí sinh và xã hội về việc thí sinh sẽ được học liên thông lên CĐ, ĐH nếu học sinh đăng ký theo học TCCN tại trường. Trong khi đó, để được học liên thông, thí sinh phải đảm bảo nhiều điều kiện khác theo quy định của Bộ.

Một số trường tuyển vượt nhiều so với chỉ tiêu được thông báo, không phù hợp với các điều kiện đảm bảo chất lượng, trong đó tập trung chủ yếu ở các trường có đào tạo các ngành về Sư phạm và Y - Dược. Ngược lại, ở một số trường lại không thu hút được học sinh, hiệu quả thấp, trong đó tập trung chủ yếu ở các trường TCCN tư thục và một số trường Văn hóa nghệ thuật hoặc các trường đào tạo về lĩnh lực Nông, Lâm, Thủy sản...

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yêu kém trên, theo Bộ GD&ĐT là do số học sinh tốt nghiệp THPT một vài năm gần đây giữ ổn định và có xu hướng giảm trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào ĐH, CĐ vẫn tăng, cộng với thời gian tuyển sinh vào ĐH, CĐ quá dài nên nguồn tuyển sinh vào học TCCN gặp nhiều khó khăn, năm 2012 đã có 33 cơ sở đào tạo TCCN không tuyển được học sinh.

Bên cạnh đó, suy thoái kinh tế, cộng với thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp thời gian gần đây khiến nhiều thí sinh và gia đình không muốn cho con đi học TCCN vì điều kiện tìm được việc làm ngày càng trở nên khó khăn, thu nhập đối với lao động có trình độ TCCN thấp.

 

Tuyển sinh 2013: Cần thay đổi quan niệm bằng cấp

 

Từ thống kê của Bộ GD-ĐT về 33 cơ sở đào tạo TCCN không tuyển được HS trong năm 2012, nhiều ý kiến cho rằng, muốn giải quyết được bất cập hệ TCCN thì yếu tố đầu tiên phải quy hoạch lại ngành nghề đào tạo, nâng cao chất lượng và quan trọng là giải bài toán phân luồng HS sau Trung học cơ sở.

Tại hội nghị triển khai “Chiến lược phát triển giáo dục” và “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục” ngày 23/1/2013, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: Sẽ sáp nhập hệ thống GD nghề nghiệp giữa 2 bộ (Bộ GD-ĐT và Bộ Lao động Thương bình và Xã hội - PV), sáp nhập cơ sở “yếu” vào cơ sở “mạnh” để tránh phân tán và lấy lợi ích của việc nâng cao chất lượng làm trọng tâm. Trong quý I/2013, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị phân luồng HS sau THCS, báo cáo Chính phủ hệ thống các giải pháp đến năm 2015.

Theo các chuyên gia, việc giải quyết bài toán phân luồng HS sau THCS sẽ rất khó khăn bởi hệ thống các trường THPT thời gian qua phát triển quá nhanh. Không có sự khống chế chỉ tiêu nên dẫn đến tình trạng cứ học xong THCS là vào THPT. Sau khi tốt nghiệp THPT lại đổ xô đi thi ĐH, CĐ.

Về công tác phân luồng, GS Văn Như Cương - hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: Ở các nước có nền giáo dục phát triển thì sau THCS sẽ phát triển theo hai nhánh: Một là nhánh học THPT có tích hợp dạy nghề và nhánh còn lại là học THPT truyền thống.

Tuy nhiên, hiện nay điều bất cập nhất của chúng ta đó chính là xu hướng chạy theo bằng cấp của xã hội. Các em không muốn phân luồng đi theo hướng học nghề bởi người ta vẫn chuộng bằng tốt nghiệp THPT hơn và lên bậc cao hơn thì lại tham vọng kiếm tấm bằng ĐH bằng mọi giá.

Do đó muốn thực hiện tốt công tác phân luồng thì điều đầu tiên xã hội phải thay đổi cách quan niệm về bằng cấp. Cần phải xác định học để lấy kiến thức để có thể làm việc kiếm sống chứ không nên suy nghĩ là chỉ nhằm lấy tấm bằng. Bên cạnh đó, cũng phải nhận thức được rằng những em đi học nghề sớm hoàn toàn có cơ hội học lên ĐH, CĐ bằng hình thức đào tạo mở như liên thông, từ xa, vừa học vừa làm…

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây.

Kenhtuyensinh

Theo: báo Khám Phá