>> Giáo dục, đào tạo, thông tin tuyển sinh, học đường

Để lấp khoảng trống nguồn nhân lực, sớm có đội ngũ đạt chuẩn chất lượng và cơ cấu hợp lý đáp ứng nhu cầu thị trường lao động về trình độ tay nghề, việc thống nhất đường hướng chính sách đào tạo nghề là một đảm bảo sống còn. Nhưng hướng nghiệp đi về đâu khi hệ thống đào tạo nghề rối bời nhiều năm vẫn do hai bộ quản lý?

Cuối tuần này tại Hà Nội, hai Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) có cuộc làm việc về dự thảo Thông tư hướng dẫn sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp cấp huyện, quy thành một mối. Tên gọi mới của trung tâm nhiều chức năng cấp huyện này, theo dự thảo, là Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề, hoặc Trung tâm Phát triển nhân lực. Hai bộ làm việc còn để chuẩn bị hội nghị phân luồng học sinh sau THCS và xây dựng Khung trình độ quốc gia.

Do lỗi hệ thống lại chỉ được chỉnh sửa "chi tiết”, việc đổi mới cơ chế quản lý dạy nghề, nâng cao chất lượng lâu nay mang tính hình thức, thiếu chiều sâu, không bảo đảm sự ổn định và phát triển của hệ thống các cơ sở đào tạo này.

Hễ hướng nghiệp là "liên bộ”?

Dự thảo Thông tư hướng dẫn sáp nhập nói trên do Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với Bộ LĐTB&XH xây dựng đang đăng tải trên trang mạng Bộ GD&ĐT, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành về việc sáp nhập này và đề nghị các địa phương xem xét, đảm bảo thống nhất chỉ đạo, tránh những bất cập khi Thông tư nói trên được ban hành có hiệu lực.

Thông tư liên bộ dĩ nhiên do 2 bộ xây dựng và 2 bộ ký. Trách nhiệm quản lý dạy nghề hướng nghiệp lâu nay vẫn do 2 bộ quản, chưa ai nhường ai. Bộ GD&ĐT quản mảng giáo dục chuyên nghiệp, thực chất cũng là dạy nghề, có hệ thống trường ĐH, CĐ và trường Trung học chuyên nghiệp (THCN) cùng đào tạo hệ THCN. Còn Bộ LĐTB&XH quản các trường trung cấp và cao đẳng nghề.

Xuyên suốt những tranh luận đa chiều về hệ thống hướng nghiệp dạy nghề nhiều năm qua, viễn cảnh thị trường lao động nước nhà được vẽ ra cơ bản không mấy lạc quan, có lý do là hai Bộ GD&ĐT và LĐTB&XH cùng "cầm cương” quản lý, vừa phân tán vừa "dẫm đạp” lên nhau, vừa giành giật "đầu vào”, vừa phớt lờ "đầu ra”…

Bộ LĐTB&XH đang khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch phát triển mạng lưới các trường dạy nghề đến năm 2020 và Đề án đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020 trình Chính phủ. Đề án này sẽ "mới” cách gì, nếu không liên kết, lồng ghép được hệ đào tạo THCN do Bộ GD&ĐT quản lý, vẫn cát cứ triền miên?

Chồng chéo và khó kiểm chứng

Xu thế phát triển hiện nay, doanh nghiệp không cần lao động có trình độ bằng cấp "chay” mà cần có trình độ thật sự khi hành nghề. Bằng cấp không quan trọng bằng khả năng đáp ứng được nhu cầu công việc. Nhưng người lao động do quá "mê” bằng cấp nên đa số chỉ coi học nghề như "bước đệm” để học lên đại học kiếm tấm bằng. Thị trường lao động do đó vẫn tồn tại nghịch lý thừa lao động nhưng doanh nghiệp không thể tuyển dụng được người làm việc. Thừa là do nguồn lao động bằng cấp dồi dào, nhưng lại thiếu nghiêm trọng nguồn lao động có trình độ kỹ thuật.

Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020 phê duyệt năm ngoái đã đề cập quan điểm đổi mới cơ bản, mạnh mẽ quản lý nhà nước về dạy nghề. Oái ăm thay, hệ thống đào tạo nghề do Nhà nước quản lý hiện vẫn chồng chéo chức năng thì dễ gì có được mối liên kết hiệu quả Nhà nước - doanh nghiệp - người lao động trong một thị trường lao động minh bạch, dễ kiểm chứng.

Tư duy mới cần có là phải xúc tiến mối liên kết quan trọng này, Nhà nước, doanh nghiệp và người học, từ quá trình phân tích nhu cầu tới xây dựng mạng lưới dạy nghề khoa học, đến việc cung cấp thông tin, quản lý và giám sát công khai quy trình đào tạo.

Một khi người học lúng túng, bi quan khi chọn trường học nghề, phân luồng vào học nghề yếu ớt như hiện nay, hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng thiếu người học ngay cả khi có được các trường nghề chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Thiệt hại ngân sách sẽ khó tính hết, như nhiều trường nghề đầu tư không nhỏ đang "đắp chiếu” lãng phí ở các địa phương.

Cần một tư duy mới - "nhất bộ quản lý”

Hư gốc, không thể chỉ chữa ngọn. Mọi nỗ lực cải cách đào tạo nghề e đều trở nên vô ích nếu chỉ quanh quẩn ở những giải pháp "ngọn” như sáp nhập các trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp cấp huyện, cho phép học viên (trình độ tốt nghiệp THCS) vừa học nghề vừa có thể học tiếp THPT hệ bổ túc, hay đổi mới phương thức phân bổ ngân sách dạy nghề theo nguyên tắc giao việc - giao kinh phí...

Những biện pháp đó có thể sẽ làm tình hình thay đổi đôi chút, nhưng một thời gian ngắn dạy nghề đâu sẽ lại vào đó, bởi nó thiếu một tư duy mới thay đổi căn cơ gốc rễ căn bệnh kinh niên của giáo dục nghề, là quản lý phân tán cát cứ. Muốn chấn hưng giáo dục, trong đó có giáo dục nghề nghiệp, tạo thị trường lao động thực sự, trước hết phải hợp pháp hóa một cơ chế thống nhất vận hành guồng máy quản lý đào tạo nghề, lành mạnh hóa nguồn vốn đầu tư và nâng chất lượng hệ thống đội ngũ lãnh đạo.

Các chuyên gia giáo dục và giới làm chính sách đều nhìn ra từ lâu việc phải thống nhất quản lý hệ thống đào tạo nghề, sớm có khung trình độ quốc gia. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để "nhất bộ quản lý” đào tạo nghề càng sớm càng tốt, sau thời gian dài hệ thống này trì trệ đã phải trả giá đắt bằng quá nhiều nghịch lý và thất bát.

 

Theo: Đại Đoàn Kết