>> Giáo dục, tuyển sinh, hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, học đường.

Đồng loạt đề xuất giữ môn thi ngoại ngữ

Một hội nghị tập hợp tất cả các lãnh đạo Sở GD&ĐT trong cả nước, nhằm lấy ý kiến về đổi mới thi tốt nghiệp vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức tại Hà Nội vào ngày 13/2. Hầu hết các ý kiến đưa ra đều khẳng định: Nên thi tốt nghiệp 4 môn. Đặc biệt, nếu không thể để ngoại ngữ là môn thi chính thì nên đưa vào môn tự chọn, thay vì khuyến khích như dự thảo.

Trong các ý kiến đóng góp, hầu hết các lãnh đạo Sở GD&ĐT đồng tình giảm bớt môn thi tốt nghiệp THPT xuống còn 4 môn. Cụ thể, dự thảo thi tốt nghiệp THPT 4 môn (2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn) được đa số ý kiến đồng ý. Trong số 45 sở GD&ĐT được hỏi ý kiến, có 42 sở GD&ĐT đồng ý tổ chức thi 4 môn, có 2 sở GD&ĐT cho rằng vẫn nên thi 6 môn.

Về quy định mở rộng miễn thi cho học sinh có thành tích học tập rèn luyện tốt với tỷ lệ tối đa 20% để giảm được chi phí thi khoảng 20% của Bộ GD&ĐT, phần lớn đại biểu đã góp ý kiến Bộ GD&ĐT cần xem xét lại và cần có quy định cụ thể để xét miễn. Ông Nguyễn Tấn Thắng, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam cho rằng, nếu miễn thi 20% để tiến tới không thi tốt nghiệp nữa thì đồng tình.

Nhưng nếu miễn thi để gọn nhẹ thì không đồng ý vì 5 điểm. Trong 5 điểm này, ông Thắng cho rằng, nhiều tỉnh, tỉ lệ học sinh thi tốt nghiệp giảm dần mỗi năm. Chẳng hạn ở Quảng Nam, năm 2010, tỷ lệ học sinh thi tốt nghiệp gần 20.000 em nhưng năm 2011 đã giảm xuống còn 17.000 em.

Không cần miễn, chi phí cũng tự khắc giảm xuống.

Đặc biệt, tỷ lệ học sinh khá, giỏi ở các trường khác nhau. Nếu ấn định con số “cứng” là 20% thì mất công bằng giữa trường đồng bằng và trường miền núi. Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho rằng, với thí sinh được miễn thi thì Bộ nên yêu cầu không được đăng kí thi. Nếu vẫn để chế độ “mở” cho đăng kí thi tốt nghiệp như hiện nay, sẽ dẫn đến tình trạng lộn xộn trong đăng kí và lên kết quả.

Giám đốc các Sở GD&ĐT Nam Định, Vĩnh Phúc… cũng đồng tình không nên miễn thi 20% vì lý do, trước đó chúng ta đã có diện miễn thi cho các em đoạt giải cao, các em có thành tích đặc biệt, giờ mở rộng diện miễn thi, nếu là để chuẩn bị bỏ kì thi này thì đồng tình nhưng nếu chỉ để giảm chi phí thì không giảm được bao nhiêu mà còn gây xáo trộn. Xem danh sách các môn thi tốt nghiệp 2014 tại đây.

Về môn ngoại ngữ, đa số đại biểu cho rằng, nếu không thể đưa vào môn thi chính thì nên để làm môn thi tự chọn. Đây cũng là một môn khoa học nên để nó công bằng với những môn khác. Ông Nguyễn Sĩ Thư, Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum cho rằng, nếu tạm dừng môn thi ngoại ngữ trong 2 năm, chỉ giải quyết vấn đề trước mắt, còn về lâu dài thì không thể.

Còn ông Thắng phân tích: Ngoại ngữ đã là môn thi bắt buộc từ trước đến nay và đã ổn định. Trong 50 trường THPT ở Quảng Nam, chỉ có 2 trường xin thi môn thay thế môn tiếng Anh, chiếm 5%. Nếu đưa ngoại ngữ là môn khuyến khích thì không nhất quán với Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020. Như vậy, một môn học đang phát triển mạnh mẽ, chưa nói là công cụ để tìm việc làm cho học sinh, đột ngột dừng lại là không hợp lý.

Cùng ý kiến này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cho rằng, nên coi ngoại ngữ là môn tự chọn. Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT chỉ đạo quyết liệt môn ngoại ngữ, đào tạo phải tiến tới hội nhập vì thế không nên đưa môn ngoại ngữ làm môn khuyến khích.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, chính sách làm sao đừng để thay đổi liên tục. Riêng kỳ thi, phải tương đối ổn định. Đặc biệt, trả lời PV Báo GĐ&XH về chủ trương bỏ môn ngoại ngữ là đi ngược lại chủ trương hội nhập, Phó Thủ tướng cho biết: “Trong 4 môn thi, bắt buộc phải có môn ngoại ngữ”.

Theo tác giả Lương Mỹ, báo Giadinh.net.vn

http://giadinh.net.vn/xa-hoi/dong-loat-de-xuat-giu-mon-thi-ngoai-ngu-2014021411065123.htm