>> Giáo dục, tuyển sinh, hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, học đường

Nếu muốn đột phá cần đổi mới quản lý giáo dục, đổi mới ngay từ Bộ GDĐT. Đổi mới theo đúng nghĩa thì nhiều trường ĐH sẽ bị động chạm, các đồng chí phải chuẩn bị tinh thần trước những đổi mới đó.

“Chúng ta xách một xô nước đi từng bước một đã khó mà phải vừa xách vừa chạy theo người khác càng khó hơn, nhưng ta vẫn phải làm. Giáo dục cũng vậy, đã nhiều đêm tôi mất ngủ khi nghĩa về vấn đề đổi mới của ngành giáo dục, sẽ rất khó nhưng vẫn phải làm, làm một cách quyết liệt nhất”.

Đổi mới giáo dục từ đổi mới hệ thống Bộ giáo dục

Đó là những suy nghĩ được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ trong Hội nghị Quán triệt Nghị quyết Trung Ương khóa XI và tổng kết năm học 2012 – 2013 các trường ĐH CĐ được tổ chức sáng 28.12.13

Phó Thủ tướng cho biết, từ khi được giao nhiệm vụ phụ trách mảng giáo dục ông đã dành rất nhiều thời gian tiếp xúc nói chuyện với các lãnh đạo Bộ về các chủ trương, chính sách phát triển giáo dục mới: “Quả thực đã rất nhiều đêm tôi mất ngủ và suy nghĩ rất nhiều về vấn đề giáo dục” - Phó Thủ tướng nói.


Phó thủ tưởng Võ Đức Đam trò chuyện cùng lãnh đạo Bộ GD ĐT bên lề hội nghị.

Ông cũng cho rằng, yêu cầu của việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là việc rất quan trọng cần phải làm ngay, làm tức khắc và làm quyết liệt. Giáo dục liên quan đến rất nhiều vấn đề và thành phần xã hội vì vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, bất kỳ một thay đổi nhỏ nào cũng phải được nghiên cứu cẩn trọng, nhanh nhưng không vội, không “câu dầm kéo lui” nhưng hết sức bình tĩnh.

Nhận định về chất lượng giáo dục, Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay chúng ta đang hướng vào đào tạo có chất lượng, nhưng trên thực tế về số lượng chúng ta cũng chưa đáp ứng được. Nhân lực chúng ta mới đáp ứng được 48% trong đó hệ đào tạo ĐH, CĐ mới được 10%. Vậy mà, báo cáo hàng năm vẫn cho thấy 30% sinh viên tốt nghiệp ra trường không xin được việc làm. Điều đó chứng tỏ chất lượng đào tạo của chúng ta đang có vấn đề.

Giáo dục ĐH phải làm thế nào để sản phẩm của chúng ta đào tạo có đủ năng lực, kỹ năng đáp ứng nhu cầu lao động trong nước và cạnh tranh với lao động trong khu vực” – Phó Thủ tướng nói. Ông cũng nhận định, Bộ GD ĐT đề ra việc đổi mới thi cử là khâu đột phá là rất đúng. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải thay đổi dần một cách đồng bộ tất cả các khâu khác từ nhận thức, hệ thống, cơ cấu, chương trình, phương pháp....

Lấy ví dụ thực tế về việc đổi mới giáo dục đáp ứng nhu cầu hội nhập, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kể câu chuyện thú vị về chiếc ổ cắm đa năng, phích nào cũng cắm được.

"Tôi cứ nghĩ mãi... nền giáo dục của chúng ta cũng đã, đang và sẽ phải tiếp xúc với nhiều nước, nhiều trường phái giáo dục trên thế giới. Phải làm thế nào để đưa tất cả về một chuẩn – theo chuẩn quốc tế để học sinh sinh viên của ta đi đến bất cứ nước nào cũng có thể học tiếp và hội nhập một cách dễ dàng.

Tất nhiên, điều đó cần phải có lộ trình, nhưng chúng ta phải hướng tới và có quyết sách để thực hiện. Nếu chúng ta xách một xô nước đi từng bước một đã khó mà phải vừa xách vừa chạy theo người khác càng khó hơn, khó nhưng ta vẫn phải làm” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Lấy thêm ví dụ về sự khập khiễng của giáo dục hiện tại, Phó Thủ tướng nhận định: Ngay cái tên gọi của các trường ĐH ở nước ta cũng “chẳng đâu vào đâu”... trường nào cũng đề University... có trường vừa để University vừa đề đại học, rất lôm côm.

Nhận định về đội ngũ giảng viên, giáo viên, Phó Thủ tướng thẳng thắn: "Ngay giáo sư chúng ta phong bây giờ có bao nhiêu đồng chí có những nghiên cứu đăng trên các tạp chí thế giới? Có bao nhiêu đồng chí có thể giảng bài bằng Tiếng Anh? Nếu chúng ta không nhìn vào những thực tế này thì giải pháp của chúng ta ở trên sẽ khó có thể thành công”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Nếu muốn đột phá cần đổi mới quản lý giáo dục, đổi mới ngay từ Bộ GD ĐT. Đổi mới theo đúng nghĩa thì nhiều trường ĐH sẽ bị động chạm, các đồng chí phải chuẩn bị tinh thần trước những đổi mới đó”.

Ông cũng cho rằng, rất nhiều thứ có thể làm được nếu chúng ta cùng nhau bàn dân chủ cởi mở tất cả mọi thứ. Các trường ĐH, các Hiệp hội... tham gia góp ý. Tất nhiên, sẽ không có giải pháp nào được đồng tình 100% nhưng chúng ta sẽ có được các giải pháp nghiêm túc và hiệu quả nhất cho ngành giáo dục.

Theo Dân Việt