Sự kiện: Giáo dục, Tuyển sinh

Năm học này, TP.Cần Thơ đã triển khai kế hoạch phổ cập mầm non (MN) cho trẻ 5 tuổi. Chủ trương đưa ra là vậy, thế nhưng các trường hiện vẫn trong tình trạng chạy đôn, chạy đáo để mượn… chỗ học.

 

nhao_nhao_tim_cho_pho_cap_giao_duc

Cuống cuồng tìm chỗ học

 

Trường MN Thới Thạnh (huyện Thới Lai) được thành lập từ tháng 9-2009 trên cơ sở tách xã Thới Thạnh và Tân Thạnh. Gia tài sau khi thành lập của trường chỉ là 2 phòng học bán kiên cố của Trường Tiểu học Thới Thạnh bàn giao. Ngoài điểm trường Thới Thuận, trường còn 3 điểm trường khác cũng mượn của trường tiểu học. Điểm chính của trường đặt tại ấp Thới Bình A2 là một phòng học mượn của trường tiểu học phải tổ chức dạy 2 lớp. Phòng học nhỏ lại có tới 55 cháu/2 lớp. Lớp được chia làm 2 nhưng không có vách ngăn.


Điểm Thới Hòa của Trường MN Thới Thạnh cũng có 2 lớp, một lớp mượn phòng của tiểu học nhưng chỉ mượn được một buổi. Buổi sáng, cô trò vào gom bàn của học sinh tiểu học vào một góc rồi học. Học xong cô trò lại khiêng bàn trả lại cho học sinh tiểu học học lớp chiều. Lớp còn lại tại điểm trường này được học trong phòng học riêng của mình. Đó là căn phòng cây tôn, khoảng 24m2 nằm cạnh nhà vệ sinh của điểm trường. Lớp có 26 cháu mẫu giáo 5 tuổi được học 2 buổi/ngày. Phòng học hoàn toàn bằng cây tôn và khá thấp, rất nóng nực.


Do nền phòng học thấp so với xung quanh nên mưa lớn hoặc nhà vệ sinh bên cạnh sử dụng nước nhiều sẽ tràn vào lớp học. Cô Nguyễn Thị Hồng Diễm, giáo viên dạy tại phòng học này cho biết: “Trời nắng hay mưa đều sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh”. Điểm trường còn lại của Trường MN Thới Thạnh cũng mượn của tiểu học nhưng chỉ mượn được một buổi.

 


Không riêng gì Trường MN Thới Thạnh mà nhiều điểm trường ở Thới Lai vẫn còn rất khó khăn. Trường Mẫu giáo Xuân Thắng được thành lập nhiều năm vẫn chưa có được cơ sở vật chất ổn định, hầu hết các điểm trường đều mượn của tiểu học. Ngoài Trường MN Thới Tân, MN Trường Thành đang trong quá trình xây dựng chuẩn, các trường mầm non còn lại trên địa bàn huyện Thới Lai còn rất nhiều khó khăn. Nhiều trường vẫn rơi vào tình trạng học nhờ học gửi ở các điểm trường tiểu học.

 


Các huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh cũng rơi vào tình trạng tương tự khi hầu hết các trường đều có điểm lẻ phải học nhờ, học mượn. Một số trường đặt ngay trung tâm thị trấn thì quá tải. Chẳng hạn tại Trường MN thị trấn Thới Lai, hàng trăm cháu phải học trong những phòng học chật chội, ẩm thấp. Ở Trường Mầm non thị trấn Cờ Đỏ, hơn 100 cháu phải học trong ngôi trường có tổng diện tích chỉ khoảng 300m2 là nhà đèn cũ (trước giải phóng).


Do nhu cầu học bán trú của trẻ trong địa bàn khá cao nhưng khu vực này chưa phát triển được loại hình tư thục nhiều nên Trường MN thị trấn Cờ Đỏ phải cơi nới phần sân làm lớp học. Một phần sân nhỏ hẹp lại có đến 3 lớp học, các cháu vừa phải ăn, ngủ và học trong diện tích chật hẹp ấy. Vì thế, Trường MN thị trấn Cờ Đỏ không thể có sân chơi…


Năm học vừa qua, toàn huyện Vĩnh Thạnh chỉ xây dựng thêm được 12 phòng học cho các trường MN, MG. Số lượng phòng học này chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. Vì vậy, huyện vẫn còn nhiều trường chưa có cơ sở vật chất riêng phải học nhờ tiểu học. Ngoài một số trường đang trong quá trình xây dựng chuẩn, các trường MN còn lại trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đều có điểm lẻ phải học nhờ, học gửi và khá chật chội.

 

Lớp không ra lớp

 

Cô Lê Thị Thúy Vi, Hiệu trưởng Trường MN Thới Thạnh (huyện Cờ Đỏ), nói: “Không có sân chơi nên giáo viên rất khó tổ chức các hoạt động ngoài trời”. Chẳng những vậy, hầu hết các điểm lẻ đều không có trò chơi ngoài trời để học sinh có thể tham gia chơi đùa vào giờ chơi. Bên ngoài lớp học đã vậy, bên trong lớp học cũng không khá hơn.


Lớp học của cô Hồng Diễm (điểm Thới Hòa) hầu như không có đồ chơi. Cô Diễm cho biết, đầu năm học thấy dưới vách cây, tôn trơ ra vừa xấu vừa sợ ảnh hưởng đến học sinh nên cô đã tự bỏ tiền ra mua mê ca đóng quanh các vách. Phòng học chỉ khoảng 24m2 nên chật chội, không thể tổ chức góc học tập. Nền ẩm thấp nên mùa mưa không dám trải cao su vì rất mau mục.


Chỉ vào một bọc đồ chơi ở dưới những cái bàn cũ, cô Diễm nói: “Thấy các cháu không có đồ chơi nên tôi tự bỏ tiền ra mua đồ chơi cho trẻ. Mấy hôm nay mưa quá, nền phòng học ướt, chưa cho trẻ chơi được”. Tài sản lớn nhất của lớp học này là 10 bộ bàn ghế do Phòng GD-ĐT mới trang bị đầu năm học. Ở những trường thiếu điều kiện cơ sở vật chất, các cô cũng rất sáng tạo khi làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ.


Cô Thúy Vi kể: “Sau khi xem các chương trình giảng dạy trên Kidsmart, các cô đã tự tạo đồ chơi theo chương trình. Tuy không hoàn toàn giống nhưng cũng phần nào đáp ứng yêu cầu của trẻ”. Thế nhưng, đó chỉ là những giải pháp “chữa cháy” trong điều kiện các trường còn khó khăn.

 


Với điều kiện cơ sở vật chất như thế, ngành giáo dục các địa phương cũng không dám đầu tư cho các trường MN. Chẳng hạn, văn phòng của Trường MN Thới Thạnh chỉ là một căn phòng nhỏ khoảng 20m2 do trường mượn của Trường Tiểu học Thới Thạnh. Đây là phòng làm việc của Ban giám hiệu, văn phòng… và là nơi chứa hồ sơ sổ sách của toàn trường. Muốn trang bị hệ thống máy Kidsmart cho trường cũng không thể. Còn trang bị hệ thống máy Kidsmart ở các điểm lẻ thì càng khó bảo quản hơn. Trong khi đó, mỗi trường MN, MG ở vùng ven đều có vài điểm lẻ nên cũng không đủ kinh phí để trang bị nổi.

 

Tuyển sinh, Thông tin tuyển sinh, Trường quốc tế

Kenhtuyensinh (giaoduc.edu.vn)