Phân luồng giáo dục: Không tương thích quốc tế sẽ khó cho VN

Điều này sẽ gây khó khăn trong việc công nhận các văn bằng của VN trên phạm vi quốc tế.

Khó công nhận tương đương văn bằng

Nhằm đáp ứng yêu cầu phân loại và đối chiếu quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, UNESCO đã xây dựng Bảng phân loại quốc tế về giáo dục (International Standard Classification of Education - ISCED). Bảng phân loại này đã được thông qua tại hội nghị về giáo dục Geneva năm 1975 và được gọi là ISCED 1976. Từ đó đến nay, UNESCO đã biên soạn và công bố 2 bản tiếp theo là ISCED 1997 và ISCED 2011.
ISCED được thiết kế như một công cụ phục vụ cho việc thu thập, sưu tầm, đưa ra các chỉ số, thống kê giáo dục và áp dụng trên toàn thế giới với mục đích phân loại, so sánh, phân tích dữ liệu giáo dục. ISCED hoạt động dựa trên 3 thành tố chính: Khái niệm và định nghĩa thống nhất trên phạm vi quốc tế; Hướng dẫn sử dụng rõ ràng và cụ thể giúp mỗi quốc gia thực hiện quá trình chuyển đổi sao cho tương thích với giáo dục thế giới; Khuyến khích quá trình ứng dụng cụ thể.
Trên 160 nước đã vận dụng ISCED 1997 và đang chuẩn bị vận dụng ISCED 2011. Những nước này đã nhận được nhiều lợi ích như: chuẩn hóa hệ thống giáo dục phù hợp với xu thế chung của thế giới, mở rộng quá trình chuyển đổi văn bằng, di chuyển người học và người lao động, tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục...
Hiện nay hệ thống giáo dục VN đã có một số so sánh, đối chiếu với các hệ thống giáo dục khác nhưng chưa sâu. Vì thế, các so sánh trong giáo dục, đặc biệt là về chương trình và văn bằng của VN chưa được phản ánh đúng mức và cũng chưa đạt được sự tương thích trong quá trình chuyển đổi văn bằng trên phạm vi quốc tế. Một số văn bằng của VN chưa được đặt đúng vị trí khi xem xét công nhận tương đương ở các nước khác vì các nước sở tại không biết lấy cơ sở nào để so sánh. Thực trạng này dẫn đến những khó khăn trong quá trình di chuyển người học và di chuyển lao động.

Hạn chế của hệ thống giáo dục mới

Hệ thống giáo dục mới do Bộ GD-ĐT đề xuất có kế thừa và cơ bản giữ được những điểm chính của hệ thống giáo dục hiện tại như giáo dục phổ thông 12 năm; giáo dục cơ bản 9 năm, trong đó, tiểu học và THCS chỉ một luồng duy nhất; hệ thống giáo dục nghề nghiệp vẫn như hiện nay. Bên cạnh đó hệ thống mới có một số thay đổi đáng kể như cấp THPT có 3 luồng. Giáo dục nghề nghiệp được tách hẳn ra khỏi giáo dục ĐH theo luật Giáo dục nghề nghiệp, các trường ĐH trong tương lai sẽ không đào tạo trung cấp và CĐ. Giáo dục ĐH giảm thời gian học và cũng phân thành 3 hướng nghiên cứu, ứng dụng và thực hành. Bước đầu hệ thống này đã có đối chiếu và tương thích với ISCED 2011 (Bộ GD-ĐT đã ghi vào trong hệ thống từ ISCED 0 đến ISCED 8).
Tuy nhiên, hệ thống này vẫn còn một số hạn chế. Trước hết là chưa có sự phân hóa sớm từ cấp THCS như một số nước có nền giáo dục tiên tiến. Đây cũng chính là nguyên nhân mục tiêu 30% học sinh (HS) tốt nghiệp THCS vào học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khó đạt được, do HS chưa nhận biết được năng lực, sở trường, xu hướng nghề nghiệp của mình nên chỉ chọn một hướng đi duy nhất là THPT. Điều này không khéo sẽ dẫn đến tình trạng ai mong muốn con em mình được phân luồng, học các môn tự chọn ngay từ THCS thì chịu tốn kém gửi sang Singapore, như ý kiến của tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, bày tỏ.
Theo hệ thống mới, trình độ trung cấp được ghi là ISCED 4 nhưng chương trình học và văn bằng có tương thích với cấp độ 4 của ISCED 2011 và trình độ CĐ có tương thích với ISCED 5 (giáo dục bậc ba/ĐH ngắn hạn)? Nếu tương đương thì phải đưa CĐ thuộc giáo dục ĐH. Bởi vì UNESCO đã định nghĩa ISCED 5 là “chương trình giáo dục ĐH ngắn, thường theo định hướng nghề nghiệp - ứng dụng và chuẩn bị để gia nhập thị trường lao động. Đây cũng là giai đoạn đầu để học tiếp các chương trình giáo dục ĐH khác”.
Theo ISCED 2011, giáo dục nghề nghiệp hòa lẫn, tích hợp, liên thông trong giáo dục phổ thông và giáo dục ĐH chứ không tách riêng biệt như ở VN. Ngoài ra, việc phân luồng đối với THPT liệu có đạt được hiệu quả khi hệ thống trường THPT hiện nay chỉ phù hợp với định hướng chung? Định hướng năng khiếu chỉ có ở thành phố lớn, ở các vùng khác sẽ khó thực hiện trong khi định hướng kỹ thuật/công nghệ chưa chỉ rõ sẽ học những lĩnh vực nào.

Nên dùng chung thước đo với các nước

Nhà nước nên xây dựng khung trình độ quốc gia cùng chung thước đo so với khu vực để người học dễ dàng hòa nhập với thị trường lao động quốc tế. Cần quy định phân hóa sớm ở cấp THCS, lớp 6 và 7 là “hai năm khám phá” và lớp 8 và 9 là “hai năm dự hướng”, giảm môn bắt buộc và tăng môn tự chọn ở lớp 8 và 9. Sau mỗi giai đoạn, nhà trường cần phải trắc nghiệm để giúp HS nhận biết được năng lực, sở trường, xu hướng nghề nghiệp và điều kiện bản thân để có sự phân luồng tốt sau THCS (tăng tỷ lệ HS học nghề).
Phân luồng ở THPT cần mềm hơn, có những trường định hướng chung, trường định hướng kỹ thuật/công nghệ hoặc năng khiếu nhưng cũng có những trường kiểu kết hợp. Chẳng hạn như ở Nhật Bản, THPT có 3 loại trường: Trường THPT dành cho những HS muốn học lên ĐH hoặc ra trường đi làm mà không có định hướng cụ thể nào; Trường trung học chuyên nghiệp dành cho những HS có định hướng nghề nghiệp tương lai, giúp HS đi sâu vào các lĩnh vực như: công nghiệp, nông nghiệp, kinh doanh, nghề cá, kinh tế gia đình, điều dưỡng, giáo dục thể chất, âm nhạc, nghệ thuật, tiếng Anh...; Trường trung học kết hợp, cung cấp những môn học và lĩnh vực đa dạng khác nhau của cả 2 loại hình trường nói trên.

Mô hình giáo dục theo ISCED 2011

Hệ thống giáo dục được chia thành 9 cấp độ. Cấp độ 0 (giáo dục mầm non), 1 (tiểu học), 2 (trung học bậc thấp - THCS), 3 (trung học bậc cao - THPT), 4 (sau trung học không phải bậc ba), 5 (giáo dục bậc ba ngắn hạn), 6 (cử nhân hoặc tương đương), 7 (thạc sĩ hoặc tương đương); 8 (tiến sĩ hoặc tương đương). Việc đối chiếu với bảng phân loại quốc tế giáo dục vô cùng quan trọng, do đó cần biên dịch ISCED 2011 làm tài liệu cho tất cả các cơ sở giáo dục và phổ biến cho cộng đồng xã hội.
H.S.A

Cần đề ra căn cứ để HS chọn hướng

Cơ cấu mới thể hiện tính phân luồng trong giáo dục THPT theo 3 hướng. Tuy nhiên, cũng theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, 7/9 nước có nền giáo dục tiên tiến gồm: Phần Lan, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Nga, Thái Lan đều có loại hình trung học nghề. Vậy tại sao 3 định hướng của chúng ta lại không có loại hình này? Chỉ với 3 loại hình phổ thông như trong đề án, chúng ta có đáp ứng hết nguyện vọng của HS sau THCS?
Căn cứ vào đâu để HS có thể chọn các định hướng cũng là vấn đề cần đặt ra. Bộ có đưa ra những yêu cầu nào về kết quả học tập ở bậc THCS để HS đăng ký vào các định hướng không hay chỉ dựa trên nguyện vọng của HS? Tâm lý của Á Đông nói chung và người VN nói riêng xem trọng bằng cấp và hàng loạt chính sách của nhà nước trong khâu tuyển dụng đang bất cập khiến đa số người học không muốn theo học nghề. Vậy nên nếu chỉ dựa vào nguyện vọng của HS thì sẽ khó có thể tránh khỏi việc đa số HS sẽ chọn theo luồng định hướng chung. Từ đó việc định hướng phân luồng sẽ khó khả thi. Chưa kể không phải trường phổ thông nào cũng sẽ đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cho việc dạy học theo định hướng kỹ thuật/công nghệ hay năng khiếu/nghệ thuật.
Thạc sĩ Bùi Gia Hiếu
(Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, TP.HCM)
B.Thanh (ghi)

Ý kiến

Bỏ trung cấp 3 năm

Phân luồng của mình hiện nay chỉ mới tính bắt đầu từ sau THCS nhưng thực tế chúng ta chỉ nhấn mạnh được sau THPT. Mô hình cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân mới gần như không khác chút nào so với hiện nay. Tuy nhiên có thể “làm mới” được từ chính cấu trúc này, đó là bỏ đi trung cấp 3 năm, thay vào đó là CĐ và đầu vào của CĐ bắt đầu từ HS học xong THCS.
Xem chuẩn của Singapore, của Úc thì thấy họ đều xem CĐ là một mô hình định hướng nghề nghiệp, chuẩn đầu vào quốc tế là O-Level (học xong THCS). Muốn lên học ĐH thì khi xong O-Level phải học lên A-Level nữa. Hoặc có thể xem trung cấp là giai đoạn đầu của CĐ, nghĩa là người học học xong 2 năm đầu có thể nhận bằng CĐ mức 1 (tương đương bằng Diploma của nước ngoài), sau 1 hoặc 2 năm tiếp thì cấp bằng CĐ mức 2 (tương đương bằng Higher Diploma). Sau khi có bằng CĐ mức 1, người học đã có thể tham gia thị trường lao động. Điều này vừa phù hợp với chuẩn mực quốc tế vừa đáp ứng được nhu cầu sính bằng cấp của dân ta. Trung cấp là một mô hình đào tạo nghề nghiệp đã lạc hậu, chỉ thích hợp với thị trường nhân lực của cách đây nửa thế kỷ trở về trước.
Ngoài ra xếp CĐ vào giáo dục nghề nghiệp mà lại nằm ngoài giáo dục ĐH nhưng vẫn gắn cho nó tương đương mức ISCED 5 là khiên cưỡng.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng
(Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT)

Chế tài để phân luồng khả thi

Trong khu vực châu Á thì Singapore là một trong số rất ít nước thực hiện phân luồng sau tiểu học, tức là từ THCS. Còn Nhật, Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan... đều phân luồng từ sau THCS. VN cũng đang đi theo con đường phân luồng này. Về nguyên tắc, một trong những mục tiêu của giáo dục phổ thông là đào tạo kiến thức phổ thông, tổng quát về tất cả các ngành, lĩnh vực cho người học, làm nền tảng cho suốt cuộc đời về sau. Việc không phân luồng cho đến khi học xong THCS như trong đề án của Bộ cũng nhằm mục tiêu này. Một vấn đề cần quan tâm làm sao có chế tài, chính sách để phân luồng được khả thi chứ không phải nhà nước thì cứ vẽ ra luồng nhưng toàn dân chỉ đổ xô vào một ĐH như thực tế đã diễn ra hàng chục năm nay.
Phạm Hùng Hiệp
(Nghiên cứu sinh ĐH Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan)

Phải gắn với thực trạng VN

Mô hình phân luồng phải gắn với đánh giá chính xác thực trạng kinh tế - xã hội VN, có tham khảo tình hình thế giới, nhưng thực trạng trong nước phải được ưu tiên chú trọng đầu tiên. Suy cho cùng, mục tiêu lớn nhất của giáo dục vẫn là cung cấp nhân lực cho xã hội. Chuyện phân thành luồng nào, cần học nền tảng bao nhiêu năm, đào tạo nghề bao nhiêu năm là phụ thuộc yêu cầu của xã hội đó.
Nguyễn Thị Thu Huyền 
(Nghiên cứu sinh ĐH Đông Anglia, Anh)
Quý Hiên (ghi)

Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/phan-luong-giao-duc-khong-tuong-thich-quoc-te-se-kho-cho-vn-657483.html