Phân công rõ trách nhiệm trước kỳ thi THPT quốc gia

Phân công rõ trách nhiệm trước kỳ thi THPT quốc gia
Ông Nguyễn Thanh Tiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Long An - cho biết: Cho đến thời điểm này, Sở đã phân công rõ trách nhiệm của các trưởng phòng, hiệu trưởng, giám đốc các đơn vị trực thuộc chuẩn bị tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Cụ thể, trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục chịu trách nhiệm chính trong thực hiện công tác thi: Tham mưu Ban giám đốc Sở xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản có liên quan kỳ thi (văn bản tham mưu UBND tỉnh, văn bản hướng dẫn tổ chức thi, văn bản phối họp giữa Sở GD&ĐT và các ban ngành tỉnh liên quan đến công tác thi...).

Đồng thời, tổ chức triến khai quy chế thi và hướng dẫn thi, tập huấn phần mềm quản lý thi, hướng dẫn nghiệp vụ thi cho hiệu trưởng, giám đốc trung tâm, các công chức, viên chức tham gia các ban của Hội đồng thi;

Kỳ thi THPT quốc gia 2015, cụm thi tỉnh Long An có 14 điểm thi trên 15 huyện, thị xã, thành phố với 1.148 thí sinh (theo số liệu đăng ký tại thời điểm tháng 2/2015).

Xây dựng kế hoạch kiểm tra chéo hồ sơ học sinh dự thi giữa các đơn vị; tham mưu Ban giám đốc ban hành quy định các mốc thời gian và công việc cụ thể trong từng thời điểm; chuẩn bị kinh phí, các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự phục vụ công tác coi, chấm thi, xét công nhận tốt nghiệp…

Trưởng phòng Giáo dục trung học: Hướng dẫn các trường trực thuộc, các đơn vị có học sinh dự thi thực hiện việc giảng dạy đúng chương trình, thời gian; chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm tra cuối học kỳ, tổ chức ôn tập và hướng dẫn cho học sinh tự ôn tập để tham dự tốt kỳ thi; tổ chức kiểm tra việc thực hiện kế hoạch năm học và kế hoạch chuẩn bị cho học sinh tham dự kỳ thi của các đơn vị trực thuộc...

Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - Trung cấp chuyên nghiệp và Giáo dục đại học: Phối hợp với phòng Trung học hướng dẫn và kiểm tra các trường, các trung tâm trực thuộc các đơn vị có học sinh hệ GDTX thực hiện việc giảng dạy, học tập, kiểm tra học kỳ, tổ chức ôn tập cho học viên;

Triển khai cho cơ sở quy chế tuyển sinh cao đẳng, đại học chính quy và các văn bản hướng dẫn công tác tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Kết hợp với Phòng KT&KĐCLGD tiếp nhận và bàn giao Giấy chứng nhận kết quả kỳ thi cho các đơn vị để thí sinh đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ.

Trưởng phòng Pháp chế có kế hoạch làm tham mưu cho Ban giám đốc để phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho phép sử dụng kinh phí dành tổ chức kỳ thi của các trường để hỗ trợ, chăm lo cho các học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh neo đơn tham gia kỳ thi, nhằm giải quyết một phần khó khăn cho gia đình khi các em dự thi trong và ngoài tỉnh;

Hướng dẫn cho các trường xây dựng kế hoạch phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh, các ngành, đoàn thể địa phương về tổ chức việc đi lại, ăn nghỉ của học sinh trong các ngày thi.

Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính: Phối hợp các phòng Sở hướng dẫn các trường, các đơn vị trực thuộc trong việc lập kế hoạch kinh phí kỳ thi, sử dụng, quyết toán kinh phí thi.

Các trường học, các trung tâm trực thuộc, các cơ sở giáo dục có học sinh dự thi: Làm tốt công tác tuyên truyền đầy đủ đến học sinh và phụ huynh học sinh về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Xây dựng kế hoạch tham gia kỳ thi của đơn vị, giảng dạy hoàn thành chương trình, kiểm tra học kỳ, đánh giá xếp loại học sinh, tổ chức ôn tập và hướng dẫn cho học sinh tự ôn tập thi THPT;

Phối hợp với các ngành, đoàn thể, các tổ chức khác ở địa phương và Ban đại diện cha mẹ học sinh thành lập Ban phục vụ thi để có kế hoạch tổ chức đưa các em dự thi, chăm lo việc ăn, nghỉ và hỗ trợ cho học sinh trong những ngày thi ở cụm thi liên tỉnh và các điểm thi tại tỉnh nhà...

Tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh học tập, nghiên cứu để nắm chắc quy chế thi THPT quốc gia, quy chế tuyến sinh ĐH, CĐ chính quy và các nội dung quy định về chuyên môn như: Công tác coi thi, chấm thi, hồ sơ đăng ký dự thi, hồ sơ xét tốt nghiệp THPT, hồ sơ và cách thức xét tuyển ĐH, CĐ…


Cũng theo ông Nguyễn Thanh Tiệp, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, Sở GD&ĐT Long An đã tham mưu với UBND tỉnh thống nhất chủ trương, đề xuất với Bộ GD&ĐT tổ chức cụm thi liên tỉnh và cụm thi tại tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh.

Theo đó, thành lập Hội đồng thi tại Long An dành cho học sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, bao gồm 14 điểm thi trên 15 huyện, thị xã, thành phố với 1.148 thí sinh (theo số liệu đăng ký tại thời điểm tháng 2/2015).

Sở cũng đề xuất UBND tỉnh có chủ trương hỗ trợ cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn tham dự kỳ thi.

Bên cạnh việc công khai các thông tin liên quan kỳ thi nhanh chóng, kịp thời; triển khai đầy đủ các quy chế, quy định, các văn bản hướng dẫn tổ chức kỳ thi đến các cơ sở giáo dục; Sở GD&ĐT Long An cũng thành lập Ban thường trực thi tại Sở GD&ĐT, tổ chức họp giao ban thường xuyên để kịp thời nắm bắt thông tin và giải quyết các đề nghị của cơ sở và phụ huynh học sinh.


Kiên Giang: Mọi sự chuẩn bị đều hướng tới kỳ thi THPT quốc gia nghiêm túc, công bằng

 

Ông Ninh Thành Viên - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang - cho biết: Kỳ thi THPT quốc gia 2015, toàn tỉnh Kiên Giang có 69 đơn vị đăng ký dự thi gồm 52 trường THPT, 2 trường THCS, 13 trung tâm giáo dục thường xuyên và 3 cơ sở giáo dục có học viên giáo dục thường xuyên;

 

Kiên Giang tổ chức 1 Ban coi thi gồm 10 điểm thi; 1 Ban in sao đề thi, 1 Ban chấm thi và 1 Ban phúc khảo bài thi THPT quốc gia.

 

Bắt đầu từ ngày 1/4/2015, các đơn vị đăng ký dự thi trên địa bàn đã thực hiện thu hồ sơ đăng ký dự thi; nhập dữ liệu của thí sinh vào phần mềm quản lý thi. Sở quy định rõ, sau khi đã nhập xong dữ liệu, cán bộ máy tính in danh sách đăng ký dự thi theo mẫu quy định trong phần mềm quản lý thi, giao cho giáo viên chủ nhiệm hoặc cán bộ được phân công để tổ chức cho học sinh rà soát, ký xác nhận.

Toàn tỉnh thành lập 1 Ban chấm thi tốt nghiệp đặt tại Trưòng THPT chuyên Huỳnh Man Đạt (riêng Tổ chấm bài trắc nghiệm làm việc tại khu cách ly).

 

Sở GD&ĐT cũng đã tổng hợp lập danh sách 96 đơn vị hành chính của tỉnh nơi thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên được hưởng điểm ưu tiên để xét công nhận tốt nghiệp THPT theo quy chế thi THPT quốc gia để các đon vị thực hiện.

 

Ông Ninh Thành Viên cho biết, mọi sự chuẩn bị đều hướng tới kỳ thi THPT quốc gia đảm bảo các yêu cầu: Nghiêm túc, khách quan, công bằng; nhằm mục đích lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT; cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông; cung cấp dữ liệu làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ.

 

Các đơn vị đăng ký dự thi trên toàn tỉnh được yêu cầu hoàn thành chương trình, tích cực tổ chức ôn tập thi THPT quốc gia; có kế hoạch trong việc quản lý đi lại, ăn, ở của thí sinh dự thi; hoàn thành đãng ký dự thi đúng thời gian quy định.

 

Đồng thời, tổ chức sinh hoạt quy chế thi và văn bản hướng dẫn tổ chức kỳ thi cho cán bộ, giáo viên và người học. Không để cán bộ, giáo viên và người làm công tác thi vi phạm quy chế thi hoặc làm sai vì không được quán triệt đầy đủ.

 

Đặc biệt, nêu cao tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong việc hướng dẫn các đối tượng thí sinh đăng ký dự thi, kiểm tra hồ sơ thi, công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi để hoàn thành tốt kỳ thi.

Kênh tuyển sinh (Theo Giaoducthoidai.vn)