Cần làm rõ định hướng đề thi

Phó hiệu trưởng ĐH Cần Thơ Đỗ Văn Xê không khỏi lo lăng khi Bộ GD-ĐT không khống chế số lượng giấy báo điểm để thí sinh đăng ký nguyện vọng ở kỳ thi quốc gia vào năm 2015.

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án cho kỳ thi quốc gia, lãnh đạo các trường phổ thông, đại học đã lên tiếng về những băn khoăn muốn Bộ sớm có câu trả lời.

Từ góc độ quản lý giáo dục phổ thông, bà Nguyễn Thị Thu Cúc, hiệu trưởng THPT Gia Định cho rằng "Bộ phải làm rõ hai lo lắng...".

Lo lắng lớn nhất của giáo viên và học sinh, theo bà Cúc, là nội dung đề thi. Theo thông tin, đề thi năm nay chưa thay đổi nhiều, dựa trên cơ sở 2014, nhưng có phần không rõ ràng là “vừa có phần cơ bản đáp ứng cho thí sinh, vừa có phần nâng cao nhằm phân hóa trình độ”.

Bà Cúc đề nghị Bộ GD-ĐT phải làm rõ vấn đề nâng cao ở đây là tư duy khó hơn hay phần nâng cao giữa sách nâng cao và sách cơ bản. Đề thi năm nay phải làm rõ để học sinh có sự đầu tư công bằng, giáo viên định hướng dạy, tránh tình trạng đoán tới đoán lui.

“Thứ hai, trong năm vừa rồi mặc dù đề thi có sự phân hóa nhưng có những phần rất cơ bản. Ngày trước ra đề thi đi từ câu hỏi dễ đến khó, trong khi đề thi vừa rồi đòi hỏi học sinh phải thẩm định chọn phần làm được và không làm được.

Kỳ thi chung 2015: Không hạn chế đăng ký số trường đại học

Kỳ thi chung 2015: Không hạn chế đăng ký số trường đại học

Nếu năm nay đề thi cũng như vậy sự thẩm định này đối với học sinh có học lực khá giỏi có thể làm được, đối với học sinh yếu sự thẩm định không ổn. Học sinh cứ nghĩ phần dễ ở trước nên “nhào vào” mà bỏ qua phần nằm trong khả năng ở phía sau, dẫn tới bị hụt phần thi tốt nghiệp”.

“Với một kỳ cho cả tốt nghiệp và đại học Bộ phải làm rõ điều này”.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng trường ĐH Lương Thế Vinh thì bày tỏ lo lắng việc chỉ thi 4 môn tốt nghiệp sẽ khiến cho học sinh học lệch, chỉ tập trung vào những môn thi ĐH. “Như thế thì không gọi là trung học phổ thông mà mà hướng nghiệp cho học sinh” – ông Hùng nhận xét.

Liên quan đến đề thi, ông Hùng cho rằng, đội ngũ ra đề nòng cốt phải là các giáo viên THPT giỏi, có kinh nghiệm, chứ không phải là giảng viên đại học.

Lo coi thi hơn lo chấm điểm

Ông Nguyễn Văn Vân, hiệu trưởng THPT Marie Curie (TP.HCM) bày tỏ một sự lo ngại khác: "Nhiều trường vẫn chịu sự áp lực từ địa phương về điểm số".

Theo ông Vân, băn khoăn lớn nhất đối với kỳ thi quốc gia là tính trung thực. Trong khi các nhà giáo sẵn sàng đối phó với bất cập, thì nhiều trường vẫn chịu sự áp lực từ địa phương về điểm số, kết quả.

“Để ngăn chặn vấn nạn này Bộ GD-ĐT cần có phương án tập huấn nhận thức cho đội ngũ quản lý giáo dục tại địa phương bằng nhưng cuộc nói chuyện, trao đổi với cán bộ quản lý. Bộ phải làm cho cán bộ quản lý giáo dục tại các địa phương nhận thức được rằng đừng vì mục đích cục bộ, thành tích địa phương, cái lợi trước mắt làm ảnh hưởng đến chất lượng toàn quốc gây hậu quả lâu dài”.

Ông Nguyễn Minh Hùng, phó hiệu trưởng ĐH Vinh cũng nhận định kỳ thi quốc gia chỉ có ý nghĩa khi khâu tổ chức được thực hiện nghiêm túc.

“Nếu tổ chức không tốt, để xã hội nghi ngờ về tính nghiêm túc của một kỳ thi thì dù đổi mới nhưng kỳ thi vẫn coi như thất bại”.

Là một trường đảm nhiệm vai trò cụm trưởng tại cụm thi Vinh, ông Hùng phó hiệu trưởng ĐH Vinh cho biết điều lo lắng hơn cả vẫn là khâu coi thi. “Có những năm trường đảm nhiệm việc tổ chức cho gần 100 nghìn lượt thí sinh dự thi theo 2 đợt. Vì vậy, việc tổ chức mỗi đợt thi khoảng 50 nghìn thí sinh là hoàn toàn khả thi đối với ĐH Vinh. Với kinh nghiệm tổ chức nhiều năm, tôi cho rằng số lượng thí sinh ở mỗi cụm thi như dự kiến của Bộ GD-ĐT từ 30 – 40 nghìn thí sinh là phù hợp”.

Ông Hùng cũng cho rằng việc thí sinh thi trước, đăng ký xét tuyển sau sẽ không ảnh hưởng tới công tác coi thi. “Sẽ không có chuyện lơ là việc coi thi đối với thí sinh. Bởi vì chúng tôi hàng năm vẫn trông thi nghiêm túc đối với thí sinh của hơn 100 trường ĐH trên toàn quốc, chứ không chỉ làm nghiêm với riêng thí sinh thi vào trường” – ông Hùng khẳng định.

Phải tính lại ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu

Theo công bố của Bộ GD-ĐT, căn cứ kết quả thi, Bộ công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn. Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi dựa trên ngưỡng điểm này để xét tuyển theo quy định của quy chế.

Ông Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưởng ĐH Cần Thơ cho rằng Bộ nên điều chỉnh lại thành “ngưỡng trung bình tối thiểu của các môn”.

Ông Xê phân tích: Trước đây tính điểm sàn, với mức điểm liệt là 0, thì điểm môn nọ có thể bù qua cho môn kia, kể cả có môn 0,5 điểm vẫn có khả năng trúng tuyển nếu điểm 2 môn còn lại cao. Bây giờ nếu Bộ định xác định ngưỡng điểm tối thiểu thì dưới ngưỡng này chính là mức điểm liệt. Và vì là ngưỡng vào đại học nên ngưỡng không thể quá thấp, nếu thấp sẽ bị “nói”. Ví dụ như ngưỡng là 2 điểm thì 1,5 điểm đã là điểm liệt, nhưng ngay cả mức 2 điểm chắc chắn sẽ không làm hài lòng số đông dư luận, sẽ bị nói rằng “2 điểm mà cũng vào đại học”. Còn nếu xác định ở mức “vừa lòng”, ví dụ 4 điểm, sẽ oan ức cho những em 3,5 điểm nhưng có 2 môn còn lại thậm chí là 9, 10.

Tuy nhiên, nếu điều chỉnh lại thành ngưỡng điểm trung bình tối thiểu, sẽ không có vấn đề gì nếu đưa ra mức ví dụ như 4 điểm.

Việc không khống chế số lượng giấy báo điểm để thí sinh đăng ký nguyện vọng cũng khiến cho ông Xê không khỏi lo lắng. “Vẫn nên cung cấp một số lượng giới hạn giấy báo điểm cho thí sinh đi đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH. Nếu không, những thí sinh điểm cao có khi sẽ gây rối loạn việc xét tuyển của các trường, tạo ra lượng hồ sơ ảo, lấy cơ hội của thí sinh khác, đôi khi chỉ vì khâu oai “trúng tuyển 10 trường đại học một lúc”.

VNN, http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/196711/phai-han-che-tinh-trang--trung-tuyen-10-truong-dh-mot-luc-.html