Hàng trăm câu hỏi liên quan đến việc chọn môn thi, chọn trường, bắt đầu từ việc đăng ký dự thi thế nào, có thể thi mấy môn, xét tuyển ra sao… của thí sinh đã được các chuyên gia giải đáp. Ngày hội còn là dịp để các em chia sẻ ước mơ, xác định rõ hơn nguyện vọng của bản thân trước ngưỡng cửa của một kỳ thi quan trọng.

Nóng việc chọn môn, chọn trường

Sinh viên gốc Phi đang theo học tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam tư vấn cho học sinh dự ngày hội. Ảnh: Nguyễn Khánh

Lưu ý quan trọng về việc đăng ký thi

Nội dung thu hút sự quan tâm của hầu hết HS và phụ huynh tại ngày hội năm nay liên quan đến việc đăng ký dự thi (ĐKDT) - khâu đầu tiên của kỳ thi, có rất nhiều điểm mới được áp dụng từ năm 2015. Bạn Nguyễn Lê Kim, Trường THPT Hoài Đức băn khoăn không rõ thời gian bắt đầu ĐKDT là ngày nào, có phải đăng ký môn xét tuyển ĐH luôn hay không? PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, theo quy chế thi THPT quốc gia thì thời gian kết thúc việc ĐKDT là ngày 30-4, như vậy, theo thông lệ hằng năm, thời gian bắt đầu ĐKDT là ngày 1-4. Khi ĐKDT, HS phải xác định rõ môn thi. Ngoài 4 môn thi để xét công nhận tốt nghiệp, nếu HS có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH thì căn cứ vào quy định xét tuyển của trường mà mình có nguyện vọng học để lựa chọn môn thi. Các em có thể đăng ký tối đa 8 môn, song, để đạt hiệu quả ôn tập tốt nhất thì HS cần cân nhắc để lựa chọn số lượng môn thi phù hợp, tốt nhất là khoảng 5-6 môn.

Dù đã được cập nhật thông tin về quy chế thi mới, nhưng một phụ huynh HS Trường THPT Thăng Long vẫn chưa thực sự yên tâm khi đặt câu hỏi: Có chính xác là năm nay, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia thì HS mới đăng ký vào trường ĐH? Dường như TS dự thi năm nay có ít nguyện vọng (NV) hơn mọi năm? PGS.TS Trần Văn Nghĩa khẳng định: Thời gian đăng ký xét tuyển là vào tháng 8, song, HS phải ĐKDT từ ngày 1-4. Việc đăng ký xét tuyển vào ĐH sau khi có kết quả của kỳ thi THPT quốc gia là điểm khác biệt trọng tâm so với các năm trước, nhằm tăng thêm cơ hội trúng tuyển cho HS, HS căn cứ theo kết quả thi của mình để chọn trường đăng ký xét tuyển cho phù hợp với NV và yêu cầu của nhà trường. Theo quy chế tuyển sinh, ngoài 4 NV ở đợt xét tuyển đầu tiên, các em còn có tối đa 12 cơ hội trúng tuyển ở các đợt xét tuyển bổ sung. Cơ hội học ĐH là vô cùng lớn, các em có thể thỏa sức lựa chọn.

Giải đáp nhiều thắc mắc về việc xét tuyển

Nhiều câu hỏi trực tiếp tại ngày hội cho thấy có khá nhiều HS và phụ huynh "lơ mơ" về cách xét tuyển vào ĐH, CĐ năm nay, trong đó có việc xét tuyển NV1, NV bổ sung. PGS.TS Trần Văn Nghĩa giải thích: Mỗi HS được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi, trong đó có 1 giấy dùng để đăng ký NV1, 3 giấy còn lại để đăng ký xét tuyển NV bổ sung. Cần lưu ý rằng, khi xét tuyển NV1, HS chỉ được đăng ký vào 1 trường, nhưng lại có thể đăng ký 4 ngành/nhóm ngành tại trường đó, xếp theo thứ tự ưu tiên. Trong 20 ngày xét tuyển, cứ 3 ngày/lần, các trường sẽ công khai danh sách HS đăng ký xét tuyển vào trường theo mức điểm từ cao xuống thấp. HS căn cứ theo danh sách này để quyết định việc thay đổi NV. HS có thể thay đổi NV giữa các ngành/nhóm ngành hoặc chuyển NV sang trường khác.

Cách xét tuyển của các trường năng khiếu nói chung và Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm nay có điểm gì khác, HS cần chuẩn bị những gì? - Đó là câu hỏi được HS các trường như THPT Thăng Long, THPT Ngô Thì Nhậm, THPT Trần Hưng Đạo, THPT Quang Trung… quan tâm. Theo đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT, những HS có NV học các trường năng khiếu thì ngoài việc ĐKDT như những HS khác, cần theo dõi thời gian tuyển sinh của trường, xem lịch thi, môn thi để đăng ký thi năng khiếu tại trường. Về cách xét tuyển của Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2015, Tiến sĩ Mai Đức Ngọc, Trưởng khoa Đào tạo cho biết: Ngoài việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, Học viện sẽ tổ chức kiểm tra môn năng khiếu báo chí đối với TS đăng ký vào nhóm ngành báo chí. Dự kiến, thời gian nhận hồ sơ từ ngày 1 đến ngày 10-8, kiểm tra năng khiếu vào ngày 12-8, công bố kết quả vào ngày 15-8. Như vậy, những HS không trúng tuyển vẫn còn thời gian từ ngày 16 đến ngày 20-8 để rút hồ sơ, chuyển sang trường khác.

Học thế nào để đạt hiệu quả nhất?

Bên cạnh khu tư vấn tuyển sinh 2015, khu vực "gỡ rối hướng nghiệp" và tư vấn tâm lý sức khỏe cũng thu hút hàng nghìn lượt HS tham dự. Câu hỏi "Làm thế nào để biết chính xác đó là nghề nghiệp mà em mong muốn chứ không phải là ý thích bất chợt?" của HS Nguyễn Văn Hiếu, Trường THPT Hoài Đức A đã làm sôi động không khí của gian tư vấn. Thạc sĩ Phạm Mạnh Hà, Phó Trưởng khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam gợi ý: Các em hãy trả lời một số câu hỏi cần thiết, như mình có đam mê với ngành đó không, yêu cầu của ngành đó thế nào, có đáp ứng được không (cả về năng lực và điều kiện hoàn cảnh)... Theo Thạc sĩ Phạm Mạnh Hà, các em nên cân nhắc kỹ, tham khảo ý kiến người lớn trước khi quyết định chọn nghề, bởi có tình trạng HS chọn nghề theo trào lưu, hay chọn cho xong chuyện, vừa lãng phí thời gian, công sức và tiền của, vừa không đem lại hiệu quả nghề nghiệp.

Năm 2015, chỉ với một kỳ thi nhưng lại có mục tiêu "kép", mang tính chất đặc biệt quan trọng, thì câu hỏi làm sao để giảm áp lực tâm lý trước kỳ thi là mối quan tâm thường trực đối với hầu hết HS và cả các bậc phụ huynh. PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng sự lo lắng trước kỳ thi là yếu tố tâm lý phổ biến. Để giảm áp lực này, HS cần có kế hoạch cụ thể để bổ sung kiến thức và bổ sung dinh dưỡng. Nếu không có kế hoạch, các em sẽ bị rối, thậm chí hoảng loạn, không biết sẽ phải làm gì trước, làm gì sau, bắt đầu từ đâu…? Càng đến sát kỳ thi, nhiều em mải lo học mà quên mất rằng, nếu không ăn - ngủ - nghỉ - chơi - vận động hợp lý thì dù có học nhiều đến đâu cũng không thể đạt kết quả tốt. Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, các bậc phụ huynh nên hỗ trợ con trong việc xây dựng kế hoạch phù hợp theo khả năng và điều kiện gia đình, từ đó giúp các con giải quyết từng phần việc, cả về kiến thức, tâm lý, sinh hoạt và các mối quan tâm liên quan đến kỳ thi… Đó là cách hiệu quả để các em vững tin bước vào kỳ thi đạt hiệu quả nhất.

Tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2015 tại Hà Nội có khoảng 100 gian tư vấn của gần 70 trường ĐH, CĐ, trung cấp, trường nghề và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Đây là năm thứ 13 Báo Tuổi trẻ phối hợp với Bộ GD-ĐT và các Sở GD-ĐT tổ chức hoạt động này. Trong khuôn khổ ngày hội, Trường ĐH Bách khoa đã mở cửa các phòng thí nghiệm, thực hành để HS tham quan, tìm hiểu môi trường học tập ở bậc ĐH.

Theo Hà Nội mới, tin gốc: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Tuyen-sinh/744952/nong-viec-chon-mon-chon-truong

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015, kỳ thi THPT quốc gia, điểm thi tốt nghiệp, điểm thi đại học