Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, học đường

Chuyện gì cũng "ới" chủ nhiệm

Năm học mới, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) phải căng mình ra xử lý núi công việc không hề đơn giản, lắt nhắt, chi tiết... thậm chí làm ở trường không xong phải mang về nhà xử lý.

Còn theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo một tuần sinh hoạt chủ nhiệm từ 4 đến 5 tiết chưa kể hai tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Cô Ng.Nh.Th, giáo viên một trường THCS quận Tân Phú chia sẻ: "Hầu hết các hoạt động, phong trào của lớp GVCN cũng phải đứng mũi chịu sào.
Mất nhiều thời gian nhất là xử lý học sinh cá biệt. GVCN phải liên lạc với phụ huynh, gia đình, đó là chưa kể khi xảy ra chuyện đánh nhau của học sinh thì GVCN phải căng thẳng cả tuần. GVCN ngoài giờ dạy học còn chịu nhiều áp lực từ những việc liên quan đến học sinh, phụ huynh..."

“Ví dụ, việc nữ sinh đánh ghen ở Trường THCS Nguyễn Hiền, một đồng nghiệp của tôi phải đau đầu, nào là tiếp xúc phụ huynh, báo chí, giải trình với các cấp, họp hành liên tục suốt hơn hai tuần...”, cô Th. ngao ngán.

Ngoài ra, theo một giáo viên khác ở quận 3, khi giáo viên được phân công phụ trách GVCN, họ phải đảm đương thêm nhiều việc. Từ phong trào thi đua đến các cuộc thi do Sở, Bộ phát động… GVCN làm hết. Nhiều khi làm mà không còn thời gian chăm sóc con và gia đình!

Cực nhưng cũng bị lôi cuốn…

Cô Nguyễn Tuyết Trinh, Trường THPT Trần Phú (Tân Phú) chia sẻ: "Không thể phủ nhận được là GVCN quá nhiều việc, nhưng ngoài cái vất vả, tốn nhiều thời gian đó, bù lại mình được gắn bó với học trò, tình cảm thầy trò ấm áp hơn."

“Để giảm bớt áp lực về thời gian, công việc, tôi lập kế hoạch xây dựng tổ chức lớp theo mô hình tự quản. Xây dựng đội ngũ cán bộ lớp tâm huyết, tiếp nhận hồ sơ “đen” của học sinh để lên kế hoạch “ảm hóa”", cô Trinh cho hay

Giáo viên chủ nhiệm và những trách nhiệm không tên

Để giảm áp lực cho GVCN, các trường ngoài công lập có thêm đội ngũ giáo viên quản nhiệm.

Bên cạnh đó, cô Trinh cũng cho biết, thời gian công tác GVCN với học sinh, GVCN với phụ huynh, GVCN với giám thị, GVCN với giáo viên bộ môn và GVCN với trợ lý thanh niên trường.... ngần ấy công việc thì không thể nào 4,5 tiết theo quy định của Bộ có thể làm được.

"Do đó, GVCN không còn cách nào khác là phải tận dụng giờ nghỉ, những ngày chủ nhật xứ lý công tác chủ nhiệm của mình. Nhưng nhìn thấy học trò tiến bộ, ngoan là bao mệt nhọc cũng tan biến”, cô Trinh nói.

Đọc thêm: Đổi mới giáo dục bắt đầu từ đổi mới giáo viên

Cô Phạm Thị Huệ, Hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng (quận 3) cho rằng: "Tất cả giáo viên trong nhà trường đều phải đảm nhiệm làm GVCN, nhà trường đánh giá năng lực, vai trò của chủ nhiệm thông qua các phong trào lớp đó."

"Học sinh thời nay biến động rất lớn về mặt tâm sinh lý cũng như hình thể, các em dậy thì rất sớm. Các em bị tác động ảnh hưởng từ xã hội, môi trường sống, gia đình và những vấn đề đó các em thể hiện và nảy sinh trong lớp học rất đa dạng, cho nên một GVCN làm đúng trách nhiệm đã phải mất rất nhiều thời gian."

Nhiều giáo viên cho rằng đi dạy mà không làm chủ nhiệm thì tẻ nhạt lắm, tình cảm thầy trò không có, cảm xúc sẽ chai sạn.

Thầy Nguyễn Văn Vượng, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Tân Bình) nhìn nhận: "Giáo viên trẻ mới ra trường, chưa có kinh nghiệm nên rất ngại khi được phân công làm chủ nhiệm."

"Công việc chủ nhiệm phát sinh rất nhiều, làm tròn trách nhiệm thì GVCN phải sâu sát, rất vất vả, tốn nhiều thời gian và công sức. Nhưng chưa được ngành giáo dục chú trọng, có chính sách hỗ trợ thêm cho giáo viên làm chủ nhiệm. Đa phần những công việc “kết nối” nhà trường - gia đình là những công việc làm ngoài giờ và ở nhà."

Kênh tuyển sinh (Theo MTG)