>> Giáo dục, thông tin tuyển sinh, học đường

Theo quy định, các trường ĐH công lập thu học phí theo nhóm ngành đào tạo, vì vậy nhiều nhóm ngành “hot” đang có mức học phí khá cao.

Bên cạnh đó, các trường tự chủ tài chính có mức học phí gấp đôi các trường bình thường khiến nhiều sinh viên mướt mồ hôi “chạy” học phí đầu năm học.

Bán bò lo học phí

Câu chuyện của 2 tân sinh viên Nguyễn Quyết Thắng và Nguyễn Văn Quyết (ở Hương Sơn, Hà Tĩnh) “chạy” tiền vào đầu năm học khiến chúng tôi không khỏi ám ảnh. Hai em sinh ra trong gia đình thuần nông, là hộ nghèo và thuộc đối tượng vùng cao của huyện Hương Sơn. Thắng đỗ ĐH Bách khoa Hà Nội, còn Quyết đỗ Học viện Bưu chính Viễn thông. Xét hoàn cảnh gia đình, 2 em được miễn học phí. Tuy nhiên theo quy định, đầu năm học các em phải đóng tiền học phí, sau đó cuối kì mới được nhà trường trả lại. Vì vậy, 2 anh em Quyết và Thắng phải thu hoạch đậu, màu giúp gia đình. Đồng thời, mẹ chuẩn bị bán con bò (tài sản duy nhất trong nhà) khoảng 25 triệu đồng để cho các con giắt lưng ra Hà Nội trọ học và đóng học phí ban đầu. Theo thông báo, học phí của Thắng gần 500.000 đồng/tháng, còn ngành công nghệ thông tin mà Quyết sẽ theo học có mức học phí “khủng” hơn, 860.000 đồng/tháng.

 

học phí đầu năm

Học phí đầu năm luôn là gánh nặng cho gia đình những sinh viên nghèo. Ảnh: TL.

Tân sinh viên Nguyễn Phương Lan (Nghệ An) cho biết, em mới nhận được giấy báo nhập học của Trường ĐH Điện lực Hà Nội. Trong giấy báo có ghi kinh phí đào tạo năm học 2013-2014 là 850.000 đồng/tháng x 10 tháng. Tính ra từ giờ đến Tết, gia đình phải lo cho Lan gần chục triệu đồng học phí. “Mới nghĩ đến tiền học phí thôi mà em đã thấy choáng váng rồi. Em đang rất băn khoăn và không biết làm sao để theo học trong khi kinh tế gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng”, Lan cho biết.

Theo quy định, mức trần học phí đối với trình độ đại học ở các trường công lập theo nhóm ngành đào tạo chương trình đại trà từ năm học 2013 – 2014 là: Các ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản (nhóm 1) 4,8 triệu đồng/năm; Ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch (nhóm 2) 5,6 triệu đồng/năm; Ngành Y dược (nhóm 3) 6,8 triệu đồng/năm. Đối với học phí đào tạo theo tín chỉ, mức thu học phí của một tín chỉ được xác định căn cứ vào tổng thu học phí của toàn khóa học theo nhóm ngành đào tạo. Do quy định học phí theo nhóm ngành nên các trường đại học có mức thu học phí khác nhau, chưa kể các trường tự chủ tài chính lại có mức thu học phí khác.

Trường tự “bơi”, người học lãnh đủ

Trong khối các trường ĐH công lập, hiện có loại hình trường công tự chủ tài chính. Đây là những trường không được Nhà nước hỗ trợ về tài chính, được quyền tự định mức học phí mà không cần công khai trước. Theo lãnh đạo các trường này, khoản thu học phí trường dùng để chi trả thù lao giảng dạy, quản lý hành chính, mua sắm vật tư thiết bị, máy móc thực hành... Từ các khoản này, trường cân đối thu chi để đưa ra mức học phí khóa mới.

Còn nhớ năm học 2008-2009, nhiều sinh viên ĐH Điện lực tá hỏa khi học phí tăng từ 180.000 đồng/tháng lên đến 500.000 đồng/tháng. Và đến năm học 2013 - 2014 này, học phí của trường đang ở mức 860.000 đồng/tháng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ có chuyện ĐH Điện lực tăng học phí chót vót, ngang mức học phí của trường ngoài công lập bởi đây là trường công nhưng hoạt động theo cơ chế “trường trực thuộc doanh nghiệp” (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) nên những chi phí cho một trường công lập thì trường này không có. Trong khi không được cấp kinh phí thường xuyên nhưng vẫn phải duy trì như một trường công nên người học phải gánh thêm chi phí cho nhà trường.

Học viện Bưu chính Viễn thông mà Quyết theo học cũng tương tự như vậy. Ông Hoàng Minh - Giám đốc Học viện cho biết, học viện đã được cho phép tự chủ tài chính nên người học phải gánh chi phí cùng nhà trường. Trên website của học viện cũng đăng công khai mức đóng học phí cho từng năm học để sinh viên được biết và quyết định.

Như vậy, khi các trường tự “bơi”, người học lãnh đủ với mức học phí cao ngất ngưởng. Điều đáng nói, trong khi các trường đại học, cao đẳng công lập thu học phí theo khung quy định của Bộ GD&ĐT và phải công khai trong cuốn cẩm nang tuyển sinh “Những điều cần biết”, để thí sinh lựa chọn trước khi đăng ký, thì những trường công lập tự chủ tài chính được phép tự xác định mức học phí và không phải công khai trong cẩm nang tuyển sinh này. Vì vậy, nhiều thí sinh không thể biết được trường nào là trường công lập tự chủ tài chính nếu không có những kênh thông tin khác để tìm hiểu trước khi đăng ký thi.

Theo Lương Mỹ, Giadinhnet