>> Giáo dục, tuyển sinh, nguyện vọng bổ sung, điểm chuẩn đại học

Đến thời điểm này, hầu hết các trường ĐH đã lần lượt công bố điểm thi. Bên cạnh sự vui mừng, phấn khởi của những thí sinh đỗ điểm cao thì có những em còn phải gặm nhấm nỗi đau thi trượt, thậm chí có em còn dại dột hủy hoại sức khỏe, tính mạng của mình.

Thất vọng, mất niềm tin

Gọi điện đến Đường dây nóng Báo ANTĐ, em N.T.X (xin được giấu tên) ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội nói giọng như mếu, cách đây 2 tuần, X  biết điểm thi của mình trong kỳ thi vào đại học là 11 điểm. So với điểm chuẩn vào trường năm trước, X chắc chắn mình đã trượt. Từ hôm đó, X luôn sống trong trạng thái xấu hổ, không dám ra khỏi nhà vì sợ gặp hàng xóm, bạn bè, sợ những lời hỏi han, an ủi, thương hại. Trong khi đó, bố mẹ X lại thường xuyên mắng mỏ em lười học, thậm chí họ còn có ý định mai mối em cho con trai một người bạn đang buôn bán ở nước ngoài. Do vậy, X càng suy sụp, không còn ý chí để làm bất cứ việc gì. “Trong lúc ăn, lúc ngủ, lúc làm việc… hai từ “thi trượt” lúc nào cũng ám ảnh em. Em biết mình đã sai khi không ôn luyện kỹ kiến thức, song em cũng muốn có cơ hội để được làm lại. Nhưng nay mọi cánh cửa đã đóng sập trước mắt. Nhiều lúc buồn quá em muốn chết quách cho xong” - X nức nở.

Gần đây, cư dân mạng đang xôn xao trước clip mang tên “Rớt đại học”. Giống như X, nhân vật chính trong clip này - một nữ sinh cũng đã cảm thấy rất đau khổ, xấu hổ, thậm chí còn định bỏ nhà đi khi biết tin thi trượt. Nhưng nhờ có sự giúp đỡ của người thân, bạn bè, sau 2 năm, bạn gái này quyết định thi tiếp và đã đạt được nguyện vọng. Trong 2 năm đó, vì muốn tự lập, cô bạn này đã xin đi làm thêm, kiếm tiền và hiểu ra giá trị của sức lao động, tìm được nhiều niềm vui trong cuộc sống. Bạn gái này đã có lời khuyên khá bổ ích cho các sĩ tử thất bại: “Hãy cứ sụp đổ theo cách của bạn, rồi vực dậy thật nhanh, đừng chần chừ hay sợ sệt... Trượt đại học chỉ là chậm một chút, vinh quang đang chờ bạn ở phía trước”. Câu chuyện trên đã gây xúc động cho nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những người cùng cảnh ngộ.

Cũng là một thí sinh thi trượt nhưng lá thư với nội dung bày tỏ sự quyết tâm “làm lại” của một nữ sinh ở Thái Bình vừa qua cũng khiến nhiều người suy nghĩ. Cô gái này đã viết: “Đành rằng khi bước chân vào cánh cửa trường đại học, khi ngồi trên ghế giảng đường, con của mẹ sẽ có nhiều cơ hội mới, nhiều thành công mới. Thế nhưng mẹ ơi, trượt đại học không có nghĩa là con sẽ mất hết cơ hội để khẳng định khả năng của mình. Con nghĩ con chỉ mất hết cơ hội nếu con chán nản và tự giam mình trong hối hận vì trót làm mẹ thất vọng. Không thể thay đổi được quá khứ nhưng con sẽ cố gắng hết mình để thay đổi tương lai. Không đại học nhưng con sẽ không từ bỏ ước mơ của mình. Không học đại học nhưng con vẫn có thể nuôi sống bản thân và giúp đỡ những người mà con yêu thương”.

Đại học không phải là con đường duy nhất

Đối với các sỹ tử thi trượt, Tiến sỹ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng tỏ ra rất thông cảm. Ông cho rằng, tâm trạng của những bạn thi không đỗ thường rất xấu hổ, mất hết niềm tin vào tương lai. Điều đó càng trở nên nghiêm trọng hơn đối với những em có thành tích học tập khá tốt. Dù buồn nhưng các em phải dũng cảm đối diện với sự thật, cần lên một kế hoạch chi tiết cho bản thân mình và nỗ lực hết mình để hoàn thành kế hoạch đó. Các em có thể tìm kiếm cơ hội khác như xem xét nguyện vọng 2, ôn luyện để năm sau thi tiếp nếu thấy mình có khả năng hay theo học một trường cao đẳng, trung cấp nào đó phù hợp với bản thân. Các em cũng cần hiểu rằng, đại học không phải là con đường duy nhất dẫn tới thành công.

Minh chứng cho điều này chính là sự thành công của không ít doanh nhân trẻ đã từng…trượt ĐH. Nguyễn Vũ Trung Kiên được đông đảo các bạn trẻ biết đến với vai trò lãnh đạo CLB Bạn trẻ yêu thích truyện tranh (manga). Hiện anh đang là giám đốc một công ty sáng tạo ý tưởng. Được biết, sau khi hay tin mình thi trượt, Kiên quyết định rời quê lên thủ đô để tìm kiếm cơ hội thay đổi cuộc đời mình. Dù không có trong tay bất kỳ tấm bằng ĐH nào nhưng thành công của anh đã khiến cho nhiều bạn trẻ khâm phục.

Cũng theo Tiến sỹ Trần Tuấn, việc thi trượt sẽ khiến nhiều cá nhân thất vọng, nhưng tự tử hay hủy hoại sức khỏe bản thân, bỏ nhà ra đi với mục đích trốn chạy thực tại là cách giải quyết dại dột và ngu xuẩn nhất. Khi trượt đại học, các em không đánh mất cả tương lai mà chỉ là bỏ qua một cơ hội. Người ta chỉ khâm phục những người biết đứng lên sau vấp ngã chứ không phải những kẻ chạy trốn hèn nhát.

 

Theo: ANTĐ - Tin bài gốc