Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Sinh viên dừng học vì cơ sở liên kết nợ học phí

ĐH Đà Lạt liên kết với Trường cao đẳng nghề Giao thông vận tải trung ương 3 (TP.HCM) đào tạo các ngành luật và quản trị kinh doanh. Tuy nhiên, do cơ sở liên kết nợ tiền học phí trong thời gian dài nên ĐH Đà Lạt ngưng dạy từ đầu năm học 2013-2014 đến nay. Điều này khiến hơn 300 sinh viên đang theo học lo sợ thời gian tốt nghiệp bị kéo dài.

Ông Vũ Đức Thiệu, hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Giao thông vận tải trung ương 3, xác nhận trường nợ học phí nên ĐH Đà Lạt tạm ngưng giảng dạy. Theo thông tin từ ĐH Đà Lạt, hiện cơ sở liên kết này thiếu của trường khoảng 500 triệu đồng và trường đã gửi công văn yêu cầu giải thích nhưng không nhận được phản hồi. PGS.TS Nguyễn Đức Hòa, hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt, cho biết trường buộc phải tạm ngưng đào tạo để cơ sở liên kết rà soát lại vấn đề tài chính.

Theo ông Hòa, chỉ cần Trường cao đẳng nghề Giao thông vận tải trung ương 3 có công văn xác định nợ và ấn định thời gian trả thì ĐH Đà Lạt sẽ nối lại hoạt động đào tạo trong vòng bảy ngày. Nếu trong nửa đầu tháng 11 cơ sở liên kết không hợp tác, trường sẽ chuyển toàn bộ sinh viên đang theo học tại cơ sở này sang đào tạo tại một cơ sở liên kết khác để tránh ảnh hưởng đến kế hoạch học tập của sinh viên. Ông Thiệu cũng cho biết từ ngày 4 đến 10-11, Trường cao đẳng nghề Giao thông vận tải trung ương 3 sẽ làm việc với ĐH Đà Lạt về khoản nợ chi phí đào tạo.

>> Các trường mầm non không đủ điều kiện sẽ bị đình chỉ hoạt động

Những vấn đề giáo dục lưu ý trong ngày | Bất cập về đào tạo

Quá tải vì học?

Tôi có con học lớp 1 Trường tiểu học Trần Bình Trọng, P.2, Q.5, TP.HCM. Hằng ngày bé phải làm bài tập trong sách giáo khoa hoặc bài tập về nhà. Cuối tuần, cô còn giao bé làm 4-5 trang trong cuốn “Trắc nghiệm tiếng Việt”, một cuốn sách nằm ngoài chương trình của Bộ GD-ĐT. Như vậy có đúng không? Bé rất quá tải trong việc học, người gầy gò, xanh xao hẳn từ khi đi học.

Một phụ huynh (Trường tiểu học Trần Bình Trọng)

- Cô Nguyễn Thị Kim Ân (hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Bình Trọng) trả lời: “Sau khi nhận được thông tin từ báo Tuổi Trẻ, nhà trường đã triệu tập tất cả giáo viên lớp 1 để tìm hiểu việc này. Cuốn “Trắc nghiệm tiếng Việt” là một dạng tài liệu tham khảo do Sở GD-ĐT TP.HCM biên soạn. Đây là cuốn sách hữu ích giúp học sinh có thể ôn tập lại những kiến thức đã học trên lớp một cách có hệ thống. Dựa vào cuốn sách này, phụ huynh cũng có thể hướng dẫn cho con em ôn bài dễ dàng. Do vậy, nhà trường đã yêu cầu học sinh sử dụng song song với sách giáo khoa.

Sau mỗi tuần, giáo viên lớp 1 giao cho học sinh làm bài trong bốn trang sách để ôn lại kiến thức đã học. Nói là bốn trang nhưng mỗi trang chỉ có vài dòng là bài tập, còn lại đa số là hình vẽ. Ban giám hiệu trường đã đề nghị các giáo viên rút kinh nghiệm trong việc giao bài cho học sinh về nhà làm. Có thể với những học sinh giỏi thì không sao nhưng với những học sinh hơi chậm thì việc giao bài như vậy vô tình gây áp lực cho các em. Chúng tôi cũng đã yêu cầu các giáo viên phải có sự giúp đỡ, hướng dẫn những học sinh tiếp thu chậm, tránh cho các em tình trạng học hành quá tải”.

Thu hồi tiền vận động sai

Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.Đà Nẵng cho biết đã yêu cầu Phòng GD-ĐT Q.Liên Chiểu chỉ đạo Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi thu hồi khoản tiền vận động sai.

Trước đó, mặc dù nhà trường đã thống nhất khoản thu Hội Cha mẹ học sinh không quá 70.000 đồng/năm/học sinh nhưng Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 5/4 vẫn vận động phụ huynh lớp này đóng thêm 3,4 triệu đồng/lớp.

Đào tạo lại giảng viên chưa đủ chuyên môn

Ngày 31,10, tại lễ khai giảng năm học 2013 - 2014 Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, thạc sĩ Nguyễn Thiên Tuế, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết trong năm học này, tất cả những cán bộ - công nhân viên chưa đủ chuẩn phải đưa đi đào tạo lại.

Cụ thể, giảng viên chưa có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm phải đăng ký để hoàn tất yêu cầu. Cán bộ quản lý phải trải qua các lớp quản lý giáo dục để đáp ứng công việc…

Theo: tuoitre - thanhnien