Những thông tin nóng nhất về kì thi THPT quốc gia

Toàn cảnh cuộc đối thoại trực tuyến.

Lao Động lược trích một số câu hỏi tại buổi đối thoại trực tuyến dưới đây, với sự tham gia của ba khách mời: Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT) Trần Văn Nghĩa và ông Hoàng Minh Sơn – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong những trường ĐH được giao tổ chức cụm thi do trường ĐH chủ trì, đến nay việc chuẩn bị cho kì thi gặp những khó khăn, thuận lợi gì?

Ông Hoàng Minh Sơn: Nhiều năm nay trường đã được giao nhiệm vụ tổ chức tuyển sinh ĐH với lượng thí sinh khá đông, từ 10.000 – 20.000 thí sinh. Chúng tôi đã làm việc với một số ĐH khác trong khu vực như ĐH Xây dựng, ĐH Kinh doanh công nghệ đề nghị chuẩn bị cơ sở vật chất, phòng thi, cán bộ coi thi, chấm thi…

Lượng thí sinh năm nay dự kiến có thể tăng hơn, trường sẽ căn cứ tình hình cụ thể để có sự chuẩn bị tốt. Hiện chúng tôi đã bố trí khoảng 3.000 chỗ ở KTX để học sinh các nơi có chỗ trọ trong các hôm thi.

Nhiều trường đã lên kế hoạch ôn thi, tuy nhiên cơ cấu và mẫu đề thi vẫn chưa được công bố, điều này có gây bị động cho các trường?

Ông Nguyễn Vinh Hiển: Bộ GDĐT đã có hướng dẫn ôn tập gửi cho các trường khá thường xuyên ngay từ đầu năm học. Về mức độ đề thi, bộ cũng nói rõ là cơ bản như năm trước, cách thức phân bổ nội dung thi cũng tương tự các năm trước.

Sự lo lắng của thí sinh là bình thường nhưng không nên lo lắng quá, các em hãy tự tin. Bộ GDĐT sẽ không công bố cấu trúc đề, nhưng sắp tới, với mỗi môn học bộ sẽ công bố một đề thi minh họa. Qua đó thí sinh sẽ dễ hình dung hơn về đề thi. Ngoài ra, tôi cũng lưu ý thêm là học sinh không nên tham khảo quá nhiều tài liệu, nếu bị phụ thuộc thì sẽ mất thời gian học, định hướng…

Công tác chấm thi sẽ được thực hiện như thế nào trước lo ngại chênh lệch chất lượng bài thi giữa các cụm thi?

Ông Trần Văn Nghĩa: Đề thi năm ngoái đều đáp ứng được yêu cầu phân hóa HS. Đề thi năm nay so với đề thi năm ngoái về cơ bản không có khác biệt lớn, HS không nên bị động. Với chấm thi, khi có bộ đề sẽ có hướng dẫn chấm và thực hiện giống nhau.

Mỗi hội đồng sẽ có chấm tập thể, trong quá trình đó cũng có thanh tra kiểm tra giám sát, về cơ bản sẽ không khác mọi năm vì mọi năm cũng đều có nhiều cụm chấm thi khác nhau.

Quy định miễn thi ngoại ngữ đối với các chứng chỉ quốc tế có được xét miễn đối với việc xét tuyển ĐH, CĐ?

Ông Trần Văn Nghĩa: Tuyển sinh 2015 vào ĐH, CĐ là quyết định của các trường ĐH nên các ĐH hoặc có thể chấp nhận chứng chỉ quốc tế hoặc là buộc thí sinh phải dự thi. Hiện nay phần lớn các trường tốp trên đều yêu cầu thí sinh tham gia thi, chỉ một số trường chấp nhận một số chứng chỉ bằng quốc tế.

Việc lựa chọn cụm thi với thí sinh tự do được thực hiện như thế nào?

Ông Trần Văn Nghĩa: Điều này sẽ đưa vào cụ thể ở các hướng dẫn thi. Có 2 loại thí sinh tự do: Thí sinh đã tốt nghiệp THPT sẽ được quyền chọn cụm thi theo điều kiện thuận lợi nhất; còn thí sinh chưa tốt nghiệp cũng được chọn nhưng phải thi ở nơi thí sinh đăng kí hộ khẩu.

Sự khác nhau giữa thí sinh tự do và thí sinh đang học THPT là thí sinh tự do đăng kí dự thi tại địa điểm do sở GDĐT quy định, khác với thí sinh khác là đăng kí ở trường đang học. Những thí sinh này chỉ được đăng kí thi môn sẽ xét tuyển ĐH, CĐ chứ không thi lại các môn thuộc phạm vi xét tốt nghiệp nữa.

Việc đăng kí các nguyện vọng (NV) sau khi có kết quả thi được thực hiện ra sao?

Ông Trần Văn Nghĩa: Sau khi có kết quả thi, các trường sẽ cấp cho thí sinh 4 giấy chứng nhận kết quả thi trong đó 1 giấy NV1 và 3 NV bổ sung. Với NV1, thí sinh chỉ được đăng kí vào 1 trường, mỗi trường tối đa 4 NV vào 4 ngành khác nhau.

Trong quá trình xét tuyển, nếu thấy có khả năng trượt, thí sinh có thể rút hồ sơ để đăng kí trường khác hoặc điều chỉnh NV trong trường. Chỉ có TS trượt NV1 mới có quyền được đăng kí NV bổ sung. Với các NV bổ sung, thí sinh dùng đồng thời cả 3 giấy vào tối đa 3 trường mỗi trường 4 NV, như vậy mỗi thí sinh sẽ có tối đa 12 NV. Vì thế, sau khi có kết quả thi, các em phải hết sức cân nhắc.

Điều này dựa trên các cơ sở nào?

Đó là cơ sở về số điểm thi, kèm theo đó là tham khảo điểm trúng tuyển vào trường ở những năm trước kia. Căn cứ vào đó, điểm thi phải cao hơn điểm các năm trước từ 1 -2 điểm. Nếu xét thấy không có khả năng trúng thì có thể rút để chọn trường khác phù hợp với điểm số hơn.

Theo Lao động, tin gốc: http://laodong.com.vn/xa-hoi/nhung-thong-tin-nong-nhat-ve-ki-thi-thpt-quoc-gia-306083.bld

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp, kỳ thi THPT quốc gia