Học sinh quan tâm đến điểm sàn để làm gì?

Điểm sàn là mức điểm quy định mà Bộ GD&ĐT công bố dành cho từng khối và từng bậc đào tạo. Các trường không được tuyển thí sinh vào học mà có tổng điểm thấp hơn điểm sàn của Bộ.

Như vậy, phải đạt mức điểm bằng sàn trở lên, học sinh mới có cơ hội xét tuyển vào một trường ĐH nào đó, nếu điểm dưới sàn, coi như học sinh đó không còn cơ hội vào ĐH.

Nhưng để trúng tuyển, điểm sàn không phải là con số quyết định. Điểm chuẩn mới quyết định xem thí sinh đó có đỗ ĐH theo mức chuẩn của từng trường, từng ngành hay không. Thí sinh có điểm thi lớn hoặc bằng điểm chuẩn 2016 sẽ trúng tuyển vào ngành đó. Nếu điểm thi mà thấp điểm hơn điểm chuẩn trường đưa ra, thì gần như không đậu vào ngành đó và thí sinh cần phải tìm phương án khác, như nộp hồ sơ nguyện vọng 2 vào một ngành khác, trường khác.

Trên thực tế, những học sinh nào cần quan tâm đến điểm sàn? Đó là những học sinh có kết quả thi ở mức trung bình, từ 14 đến 17 điểm. Và có nguyện vọng vào học tại các trường tốp 2. Bởi với các trường tốp đầu như: ĐH Y, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, HV Ngoại giao, HV Ngân hàng, ĐH Bách khoa… điểm chuẩn luôn cao hơn điểm sàn 5 đến 10 điểm. Với thí sinh mong muốn đỗ vào các nhóm trường top đầu, thì việc để ý đến điểm sàn có lẽ không cần thiết, bởi với mức điểm bằng sàn, họ không có cơ hội đỗ vào các trường nổi tiếng lấy điểm cao này được.

Thí sinh quan tâm đến điểm sàn là ở ngưỡng mong manh. Nếu bằng sàn, có cơ hội xét tuyển, nếu dưới sàn, dừng cuộc đua ĐH năm đó. Điểm sàn là cần thiết để đảm bảo chất lượng đầu vào. Vì sẽ có trường hợp, thủ khoa của 1 trường chỉ đạt 14 điểm, trường đó lấy 100 sinh viên, các sinh viên trúng tuyển năm đó nếu lấy theo chỉ tiêu từ trên xuống dưới, có cả thí sinh 10 điểm cũng đỗ ĐH. Như vậy, ngưỡng đầu vào ĐH sẽ quá chênh lệch.

Những thí sinh nào cần quan tâm đến điểm sàn đại học?

Những thí sinh có điểm thi trung bình phải quan tâm đến điểm sàn để biết mình có cơ hội xét tuyển ĐH hay không.    Ảnh: P.T

Điểm sàn đảm bảo hệ số dôi dư cho các trường có đủ nguồn tuyển

Hội đồng điểm sàn ĐH năm 2016 vừa họp xong và quyết định: Điểm sàn xét tuyển ĐH năm 2016 là 15 điểm, áp dụng cho tất cả các khối thi A, A1, B, C, D. Mức điểm sàn năm nay bằng với điểm sàn ĐH của năm 2015. Mức 15 điểm là tổng điểm 3 môn thi THPT quốc gia năm 2016 không nhân hệ số, chưa tính điểm ưu tiên khu vực và đối tượng.

Một số trường xét tuyển bằng các tổ hợp môn thi khác sẽ được Hội đồng đưa ra nguyên tắc chung để thực hiện. Năm nay, Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn ở bậc CĐ. Theo đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với hệ CĐ là tốt nghiệp THPT. Sau khi có điểm sàn do Bộ GD&ĐT công bố, các trường ĐH đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển. Các thí sinh sẽ bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 từ ngày 1 đến 12-8.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, điểm sàn xét tuyển ĐH năm 2016 được Hội đồng xác định điểm sàn xác định dựa trên 3 yếu tố: Đảm bảo chất lượng, chỉ tiêu tuyển sinh và phương thức xác định tổ hợp của các trường. Về chỉ tiêu tuyển sinh, năm nay tổng số chỉ tiêu đăng kýcủa các trường là 420.000 thí sinh song trong đó đã có 100.000 thí sinh đượcxét tuyển từ kết quả học tập THPT. Do đó, điểm sàn được Hội đồng xét tuyển đảm bảo nguồn xét tuyển cho 320.000 chỉ tiêu.

Ông Ga cho biết, với mức điểm sàn 15 điểm năm nay thì hệ số dôi dư năm này là 1,27, thấp hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, đây chỉ là số tối thiểu cho 5 khối thi truyền thống còn các trường vẫn có tổ hợp xét tuyển riêng.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng lưu ý năm nay Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu các trường thực hiện nghiêm việc xét tuyển theo đúng chỉ tiêu đã đăng ký. Chỉ tiêu này là năng lực tối đa mà các trường có thể đào tạo. Do đó, các trường chỉ được tuyển thấp hơn hoặc bằng chứ không được tuyển hơn. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng nhận định rằng, năm nay, trung bình điểm đầu vào của các trường top trên sẽ không có xê dịch lớn và cũng sẽ không còn tình trạng học sinh 27 nhưng vẫn trượt ĐH như năm ngoái.

 

Theo PLXH, nguồn: http://phapluatxahoi.vn/giao-duc/nhung-thi-sinh-nao-can-quan-tam-den-diem-san-dai-hoc-115211