Cập nhật sớm nhất đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn Toán 2016, đáp án đề thi tốt nghiệp môn Toán 2016 tại kenhtuyensinh.vn

Vẫn cố mang "tài liệu" vào cho bằng được.

Kì thi THPT Quốc Gia là một kì thi quan trọng, công tác giám sát được đặt lên hàng đầu, Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các cụm thi phải thực hiện công tác quản lí, giám sát kì thi một cách chặt chẽ, đảm bảo công bằng cho thí sinh. Vì vậy, việc sử dụng tài liệu là điều không thể và hậu quả sẽ rất nặng nề, đình chỉ môn thi và thậm chí là cấm thi tùy vào sai phạm. Mặc dù thừa biết những quy định trên nhưng một số sĩ tử vẫn "cố gắng" mang tài liệu vào phòng thi cho bằng được. Cố gắng nhét vào túi quần để "thử vận may", hay thậm chí chỉ để ổn định tâm lí rằng nếu như không nhớ kiến thức thì "đã có tài liệu mang theo". Những sai phạm như thế vẫn thường xuyên diễn ra và không ít trường hợp đã bị xử lí. Dù biết là không thể nhưng vẫn cố gắng "nhét túi" hy vọng là "xoay sở" được, tuy nhiên điều đó chỉ làm tăng nguy cơ bạn bị cấm thi mà thôi. Công tác kiểm tra giám sát cực kì gắt gao, nên hãy bỏ ngay những tư tưởng gian lận ấy đi, thay vào đó là tập trung giữ bình tĩnh để làm bài thi theo đúng năng lực của mình.

Tiếng chuông điện thoại… và kì thi coi như "kết thúc sớm"

Những sai phạm thường gặp trong mỗi kỳ thi THPT Quốc gia mà bạn cần tránhMột trường hợp sai phạm khi tiếng chuông điện thoại bỗng reo lên khi giờ thi vẫn chưa kết thúc khiến thí sinh này vi phạm quy chế trong kỳ thi năm ngoái tại Đà Nẵng.

Chắc hẳn vẫn nhiều người con nhớ câu chuyện ngẹn lòng trong kì thi THPT 2015 tại điểm thi trường ĐH Sư Phạm Đà Nẵng, người cha lo lắng gần hết giờ rồi không biết con mình làm bài thế nào, liền gọi điện hỏi thăm và tiếng chuông vô tình ấy khiến hai cha con khóc nức nở. Tiếng chuông khiến hội đồng thi bắt buộc phải xử lí sai phạm, và mọi công sức coi như đổ bể vì sự bất cẩn không đáng có. Đó là một trong rất nhiều những câu chuyện tương tự, và năm nào cũng lặp lại câu chuyện về tiếng chuông điện thoại như một nỗi ám ảnh của kì thi. Hãy nhớ kĩ tuyệt đối không mang điện thoại vào phòng thi, trước khi vào phòng thi, kiểm tra tất cả tư trang xem mình có để quên điện thoại hay bất kì tài liệu gì liên quan trong người hay không. Nếu lỡ để quên thì phải xin giám thị bỏ tài liệu ra ngoài phòng thi trước khi phát đề, tránh những sai sót đáng tiếc xảy ra.

Chậm giờ, quên giấy tờ và câu chuyện "lật đà lật đật"

Mặc dù đã phổ biến quy chế thi cũng như thời gian, địa điểm rõ ràng trong ngày làm thủ tục dự thi, tuy nhiên vẫn có rất nhiều trường hợp đến địa điểm muộn giờ hay "quên trước quên sau" đủ các loại giấy tờ. Nhiều sĩ tử ôn bài quá khuya đêm trước khi thi, hay báo thức bất ngờ "im tiếng" khiến mọi chuyện trở nên rắc rối. Chậm giờ thi với hàng tá lí do khác nhau, tắc đường, quên đặt báo thức, nhầm đường, đồng hồ bị sai giờ…là những lí do biện minh của những thí sinh tới muộn. Theo điều 25 của Quy chế tuyển sinh thì thí sinh đến muộn 15 phút tính từ thời gian phát đề thi sẽ không được dự thi môn đó, thí sinh bỏ thi 1 buổi thì không được dự thi các môn còn lại. Vì vậy phải nhớ đảm bảo đúng thời gian dự thi theo quy định, buổi sáng bắt đầu phát đề từ 7h25 và 14h25 cho buổi chiều, thí sinh nên đến địa điểm thi sớm hơn 30 phút để làm các thủ tục vào phòng thi. Ngoài ra, các giấy tờ liên quan cũng cần nhớ kĩ, giấy báo dự thi và chứng minh nhân dân là 2 loại giấy tờ cần phải luôn mang theo. Các vật dụng như máy tính bỏ túi, atlat địa lí, compa…cũng thường khiến các sĩ tử "hốt hoảng" vì bỏ quên ở nhà. Nên chú ý kiểm tra kĩ lưỡng các dụng cụ học tập tránh "lật đà lật đật" chạy vào phòng thi hay "quên trước quên sau" gây ảnh hưởng đến bài thi của mình.

"Để quên" tài liệu trong Atlat

Đã có rất nhiều sai phạm liên quan đến Atlat địa lí, không biết do vô tình hay cố ý nhưng những tài liệu được ghi trong cuốn Atlat đều được xem là vi phạm quy chế và tất nhiên phải bị xử lí đúng theo quy định. Những cuốn Atlat vốn thường được các thí sinh ghi tài liệu vào từ những lần kiểm tra thời THPT và vô tình mang vào phòng thi mà "quên béng" mình có ghi tài liệu từ bao giờ không hay biết. Bộ GD&ĐT đã chỉ rõ việc kiểm tra gắt gao các cuốn Atlat địa lí của các thí sinh, nhưng những nội dung "vô tình" xuất hiện vẫn xảy ra và khiến không ít sĩ tử bị xử lí sai phạm. Hãy nhớ kiểm tra cẩn thận cuốn Atlat của mình, kể cả mới lẫn cũ để tránh những sai phạm đáng tiếc.

Lạc đề, bấm nhầm kết quả hay khoanh nhầm đáp án

Cặm cụi làm bài thi, và rồi "tá hỏa" khi lạc đề, đó là điều rất hay gặp phải trong thi cử. Quá vội vàng hay lơ đãng là những lí do dễ khiến bạn lạc đề. Chú ý đọc thật kĩ đề thi ít nhất 2 lần trước khi bắt đầu làm bài, trong quá trình làm bài thi cũng cần đọc lại đề để tránh "lan man" và dần lạc đề, đặc biệt đối với môn thi Ngữ văn. Ngoài ra, việc bấm nhầm kết quả máy tính cũng khiến nhiều sĩ tử "khóc dở", vội vàng khiến cho những con số trở nên "bấn loạn", điều đáng sợ hơn là những sai sót ngay từ đầu khiến các số liệu sau cũng "sai nốt" và bài làm mất điểm hết sức đáng trách. Cũng với môn thi trắc nghiệm, đọc câu hỏi một đường nhưng tô đáp án một nẻo là chuyện thường gặp, thí sinh cần chú ý câu hỏi và đáp án làm sao cho khớp nhau. Phải cẩn trọng từng tí một và nhớ dành 15 phút cuối giờ để dò lại toàn bộ bài làm nhé.

Sai mã đề, số báo danh, quên ghi số tờ bài làm

Dù đã được nhắc nhở kĩ lưỡng, song sai sót vẫn thường xuyên xảy ra. Sai mã đề, sai số báo danh là những lỗi khiến cho bài làm bị liệt. Nhiều thí sinh "ngỡ ngàng" không hiểu lí do vì sao điểm thi của mình "thấp đến khó tin", nếu bạn ghi nhầm mã đề thì máy chấm tự động sẽ đương nhiên chấm bài thi của bạn theo đúng mã đề mà bạn tô, khiến bài thi bị điểm thấp. Số báo danh, thông tin cá nhân hay số tờ bài làm cũng là những lưu ý quan trọng. Bài làm được cắt phách hoàn toàn, nên nếu những thông tin bị sai sót thì công tác chấm thi sẽ ảnh hưởng rất nhiều.

quy chế thi đã được phổ biến rộng rãi, các trường THPT cũng áp dụng hình thức thi tương tự trong các kì thi học kì ở trường để học sinh làm quen dần, tuy nhiên vẫn rất nhiều sai phạm đáng tiếc. Bạn nên ghi tất cả những việc cần làm, những dụng cụ cần mang theo vào một tờ giấy, sau đó trước khi đi thi thì kiểm tra theo đúng những gì đã ghi lại. Hãy nhớ cần bình tĩnh, tự tin và cẩn trọng. Chúc các sĩ tử có một kì thi THPT Quốc Gia thành công như mong đợi.

 


Theo Trí thức trẻ