Sự kiện: Giáo dụcđào tạotuyển sinhthông tin tuyển sinhkhoa giáo, quà tặng

Trong thời buổi công nghệ, hầu như giáo viên nào cũng có tài khoản trên Facebook. Đó không chỉ là nơi để giáo viên chia sẻ kiến thức, truyền tải thông tin, hoạt động của học sinh đến phụ huynh mà còn chứa đựng nhiều điều khác cần gửi gắm.

Nói được những chuyện... khó nói

Nhiều người thích thú theo dõi trên mạng những câu chuyện, những sẻ chia đầy tình yêu thương của cô Thanh Thuận, giáo viên Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý (TP.HCM). Facebook “Tigôn Trắng” không đơn thuần là một trang cá nhân nữa mà như một nhật ký cảm xúc của lớp học do cô làm chủ nhiệm.

Với những việc khó nói bằng lời, cô Thuận sử dụng Facebook làm phương tiện. Như chuyện cô trăn trở để xin lỗi học trò về việc chấm điểm bài kiểm tra một tiết. Học sinh phản đối cách chấm điểm, thậm chí một bạn đứng lên chỉ trích. Cô đã dùng uy quyền của mình để bắt tất cả phải im lặng. Nhưng rồi cô hối hận. “Một học sinh lớp 8 dám phát biểu về nhận thức của mình, dám yêu cầu giáo viên sửa chữa sai lầm là một điều quá to tát, không phải dễ. Nhưng đó là chúng đang biết vận dụng bài học đạo đức vào tình huống thực tế một cách thẳng thắn và dũng cảm, bởi dũng cảm này dễ bị gán tội là “hỗn láo”, “được bằng chân lân bằng đầu”, thậm chí còn bị trách phạt là “không coi ai ra gì” , “vô lễ với giáo viên”…”.

Cô Thuận đã viết những dòng như vậy trên Facebook. Cuối cùng, cô quyết định xin lỗi học trò vì “nếu giáo viên “không có trách nhiệm” về nhân cách của chính mình (dù nhỏ) thì không những không thể dạy người mà thậm chí cũng khó tiếp tục dạy chữ được”.

Giáo viên, nhà giáo thời công nghệ

Những trang facebook nổi tiếng của các nhà giáo thời công nghệ.

Tư vấn, chia sẻ

Facebook của tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, là một địa chỉ quen thuộc đối với bạn bè cũng như sinh viên. Theo ông Lý, đây là kênh trao đổi với sinh viên rất hiệu quả. Chẳng hạn, ông từng dùng Facebook để hỏi ý kiến sinh viên về việc đăng ký tín chỉ như thế nào, sau đó nhận được nhiều phản hồi để thực hiện công việc này tốt hơn. “Những phản ánh của sinh viên, thậm chí trái chiều, đều thật và hết sức sống động. Những người làm công tác tiếp xúc với sinh viên nên mở Facebook để đến gần sinh viên hơn”, ông Lý nói.

Ông Nguyễn Văn Cải, Hiệu phó Trường THPT Quang Trung (Củ Chi, TP.HCM), kể từ khi lập Facebook cá nhân, ông có thể chia sẻ, nắm bắt nhiều hơn tâm tư của học sinh. “Mỗi khi đăng tải những điều mới, hay, học sinh vào nhận xét, có em suy nghĩ đúng đắn nhưng cũng có em nhìn nhận chưa chín chắn thì bạn bè sẽ điều chỉnh, giáo viên cũng định hướng nhẹ nhàng để học sinh hiểu rõ hơn”, ông Cải cho biết.

Trong giới học sinh - sinh viên có lẽ không ai không biết đến Facebook của thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Facebook của thầy Hiếu chủ yếu chia sẻ những bài tư vấn về tâm lý học đường, thu hút trên 500.000 bạn bè. Có những bài thầy Hiếu đưa lên Facebook nhận được gần 14.000 lượt yêu thích…

Hiểu rõ hoạt động của con ở trường

Các hoạt động của học sinh lớp mầm 2 Trường mầm non Vàng Anh (Q.5, TP.HCM) đều được các cô giáo cập nhật trên Facebook để phụ huynh có thể biết con đang học gì, chơi thế nào… Giáo viên ở nhiều trường mầm non khác cũng tạo Facebook của lớp. Điểm chung của những trang cá nhân này là đăng tải hình ảnh hoạt động của học sinh theo chủ đề. Có bữa vui chơi ngoài trời, có bữa tập leo thang dây, tập ném bóng rổ…; những dịp lễ hội thì có album ảnh đón Trung thu, Noel…

Nói về ý tưởng của những trang mạng xã hội này, bà Nguyễn Trương Lan, giáo viên Trường mầm non Vàng Anh (Q.5, TP.HCM), cho hay: “Cũng là người mẹ, khi tạo Facebook, tôi thường xuyên đưa hình ảnh của em bé lên để ông bà cùng người thân ở xa thường xuyên nhìn thấy cháu, có cảm giác gần gũi. Đến khi bé đi học cả ngày ở trường, cha mẹ nào cũng nhớ con, không biết hằng ngày bé ăn, ngủ, hoạt động vui chơi như thế nào… Vì lẽ đó, chúng tôi thấy việc tạo Facebook chắc chắn khiến phụ huynh yên tâm hơn khi biết các hoạt động của con ở trường”.

Qua Facebook, các giáo viên còn mở diễn đàn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy, làm đồ chơi cho trẻ. Bên cạnh đó còn kêu gọi giúp đỡ, hỗ trợ những giáo viên gặp hoàn cảnh khó khăn.

Áp lực mạng xã hội

Một hành động thiếu kiểm soát, một sự lỡ lời hay một kiến thức chưa chuẩn… đều có thể lập tức bị học sinh - sinh viên đưa lên mạng khiến giáo viên cảm thấy áp lực.

Giáo viên (GV) Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Trường tiểu học Tân Túc, H.Bình Chánh, TP.HCM, cho biết: “Ở đời ai mà không có lúc sai lầm. GV cũng vậy, đâu phải kiến thức cổ - kim, lĩnh vực nào mình cũng biết. Cái đáng sợ nhất là những sai lầm đó lại bị đem ra mổ xẻ, ném đá trên mạng thì thật tội cho chúng tôi”.

Một GV Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, nêu ra thực trạng một bộ phận học sinh thấy GV nghiêm khắc, không vừa lòng là đưa lên Facebook bày tỏ thái độ một cách vô ý thức hoặc gắn cho GV những biệt danh của các nhân vật xấu xí trong truyện, trên phim. “Nói thật, chúng tôi sợ Facebook lắm. Nhiều khi gặp nhau trong giờ ra chơi cứ hỏi dồn nhau có thấy học sinh nói gì không?”.

Tôi đã từng gặp những hoàn cảnh tương tự và thật sự áp lực lắm. Những GV lỡ lời nếu bị sinh viên đăng tải trên mạng thì chắc chắn trở thành tâm điểm chú ý của “ném đá”, “dìm hàng” chỉ trích thậm tệ”, ông Hoàng H., giảng viên một trường Đại học tại Q.7, TP.HCM, kể.

Không có quy định cấm học sinh, sinh viên quay phim, ghi âm trong lớp học nên người học có thể thoải mái sử dụng. Điều này đã khiến GV gặp áp lực, lo sợ thật sự, thậm chí coi đó là “mối nguy hiểm gây tổn hại cho sự nghiệp nhà giáo” như lời của một giảng viên trẻ trường Đại học Công nghệ TP.HCM. Giảng viên này cho rằng không phải ai cũng hoàn hảo. Đôi khi trong tiết dạy sẽ có những câu nói nhạy cảm, mang tính chất bông đùa, nhằm giúp sinh viên thoải mái, giảm căng thẳng, thích hợp trong phạm vi lớp học chứ không phải trong phạm vi cộng đồng cả ngàn người. “Thế nhưng nếu bị học trò đăng tải trên mạng, nghĩa là ngữ cảnh, hoàn cảnh nói đã bị thay đổi không phù hợp thì sẽ trở thành mục tiêu công kích của dư luận”, giảng viên này lo ngại.

Mặt trái của tiện ích

Thừa nhận công nghệ mang lại nhiều tiện ích cho GV, ông Huỳnh Quốc Phong, trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, cho biết: “Ngày nay giảng viên có thể gửi bài giảng trước cho sinh viên nghiên cứu, sau đó lên lớp thảo luận về một vấn đề trong đó”. Cách học này thường sinh động hơn. Ông Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (H.Củ Chi, TP.HCM), cho rằng ứng dụng công nghệ, bài giảng của GV sẽ tạo hứng thú, say mê cho học trò  hơn.  Tuy nhiên, công nghệ cũng có mặt trái của nó. Theo các GV, công nghệ đôi khi khiến sinh viên lười hơn. Những sinh viên này đã đọc qua bài giảng nên ít chịu lên lớp học. Chưa kể với mạng không dây đang phủ sóng khắp các trường ĐH, “vào giờ học, nhiều em không chú ý nghe giảng mà lại chăm chăm lên mạng, tán gẫu…”, một giảng viên ĐH nói.

Có dịp nhìn lại và điều chỉnh

Tuy vậy, mạng xã hội nói riêng, công nghệ nói chung không phải lúc nào cũng khiến GV lo ngại.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, GV Trường THPT Vạn Tường (Bình Sơn, Quảng Ngãi), khẳng định: “Công nghệ tiên tiến thì cần phải phát huy và xem đó làm hãnh diện. Một nhà giáo có trách nhiệm, có năng lực thật sự đừng nên sợ học sinh chỉ trích, bêu riếu. Nếu một bài giảng tốt, một câu chuyện có ý nghĩa được học sinh đăng lên mạng giới thiệu cho người xem cả nước thì đó là niềm vui”.

Cùng quan điểm, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, cho biết những tiết dạy do mình đứng lớp luôn có hàng chục sinh viên ghi âm. “Nhưng tôi nghĩ đến chiều hướng tích cực, tôi cho đó là chức năng giám sát của người học. Đồng thời có tác dụng tốt bởi nếu sinh viên ghi âm thay vì ghi chép để về nhà nghe lại thì tiết kiệm được sự chú ý, tập trung tất cả vào bài học”, ông Hiếu nói.

Nhiều GV cũng cho rằng nếu biết tận dụng, mạng xã hội cũng có nhiều mặt tích cực. Ông Lê Minh Tân, GV Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, ví dụ: “Chỉ cần vài dòng ghi trên phần trạng thái với nội dung: “Sao 2 tiết chiều nay mình cảm thấy không hứng thú…là tôi phải suy nghĩ đến bài giảng của mình hôm nay khô khan, chú ý điều chỉnh cho lần giảng sau”. Đồng tình, hiệu phó một trường THPT tại Q.3, TP.HCM thừa nhận: “Mạng xã hội cũng là một kênh tiếp nhận thông tin để GV nhìn lại mình bởi không phải lúc nào thầy cô cũng đúng hết”.

Ứng xử thế nào trước “bão mạng” ?

Dù muốn hay không, GV ngày nay không thể tách rời khỏi công nghệ hay mạng xã hội. Vì thế họ vẫn phải sẵn sàng đối diện với những “sự cố”. Khá nhiều GV băn khoăn lỡ bị chỉ trích trên mạng thì phải làm sao?

Ông Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu chia sẻ: “Nếu bị chỉ trích vì đoạn phát ngôn nào đó mà đoạn này đã bị chỉnh sửa thì hãy đính chính cho dư luận hiểu. Còn trong trường hợp GV sai, không thể đính chính được thì nên rút kinh nghiệm”. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, điều quan trọng là “nhà giáo nên uốn lưỡi 7 lần khi nói chuyện thông thường, còn trong lớp học phải uốn lưỡi gấp đôi, để qua đó không phát ngôn điều gì quá đáng mà chừng mực và kiềm chế”.

Với học trò, ông Hiếu khuyên đừng chỉ trích thầy cô giáo chỉ vì thù ghét bởi đó không phải là cách xử sự của người trưởng thành. Quan trọng hơn, người học luôn nhớ rằng có thể chỉ với một đoạn phim, một đoạn ghi âm thôi cũng sẽ làm mất sự nghiệp của GV, đẩy họ vào hố sâu của tuyệt vọng.

Ý kiến người trong cuộc

  • Kênh giám sát giáo viên

Theo tôi, mạng xã hội hiện nay giám sát tốt hơn về hành vi, thái độ và chuyên môn của GV. Điều đó đòi hỏi GV phải càng hoàn thiện mình hơn.

NGUYỄN THỊ THU HIỀN
(GV Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, TP.HCM)

  • Sẽ rất mệt mỏi

Tôi lại không tham gia vào mạng xã hội với nhiều lý do. “Chín người thì mười ý”, một GV dạy khoảng 6 lớp (với 300 học sinh) thì chắc chắn có em thích, em thương và em không hài lòng. Mà nếu các em thể hiện sự không hài lòng đó trên mạng xã hội thì GV đọc được sẽ rất mệt mỏi.

(GV môn sinh ở một trường THPT tại TP.HCM)

  • Tự bảo vệ bằng cách hạn chế cảm xúc !

Hiện nay, rất nhiều GV sợ có những phát ngôn không hay, những lúc lỡ lời... sẽ bị học sinh ghi hình, ghi âm hoặc diễn đạt lại bằng cách nghĩ riêng lên mạng xã hội. Do vậy, có GV tự bảo vệ bằng cách không phẫn nộ với cái sai, không cảm thấy vui sướng, hạnh phúc trước cái tốt của học sinh. Nhưng thầy cô thấy cái sai, cái tốt mà không thể hiện được cảm xúc thì đó là một điều đáng buồn.

NGUYỄN THỊ MỸ LIÊN
(Tổ trưởng bộ môn văn, Trường THPT tư thục Hồng Đức, Q.Tân Phú, TP.HCM)

Kênh tuyển sinh (Theo TNO)