Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội vừa có dịp nhìn lại sau 5 năm thực hiện cuộc vận động “Nhà giáo Hà Nội đỡ đầu học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”. Cuộc vận động được biết đến với ý nghĩa nhân văn, khơi dậy được phẩm chất cao quý vốn có của đội ngũ nhà giáo. Những người thầy không chỉ dạy kiến thức mà còn là chỗ dựa về tinh thần và vật chất cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Họ là những người chia sẻ, động viên, an ủi, giúp các em vượt qua khó khăn nỗ lực học tập, thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội. Cuộc vận động đã có sức lan tỏa sâu rộng và đã góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học.

Hà Nội tôn vinh thầy cô giáo có yêu nghề, có thành tích tốt

Những nhà giáo điển hình, được Sở GD-ĐT Hà Nội tôn vinh trong dịp 20.11.2014 - Ảnh: Vinh Hương

Rất nhiều người trong số họ, có thể kể đến: cô giáo Đỗ Thị Thanh - Trường THPT Lê Quý Đôn, Đống Đa, mặc dù hoàn cảnh của cô cũng đầy khó khăn, chồng mất khi con thứ 2 mới 5 tuổi. Một mình nuôi 2 con ăn học nhưng cô vẫn hoàn thành tốt trách nhiệm của người mẹ, người thầy. Đến nay, 2 con đã trưởng thành, cô là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Tưởng như điều ấy đã quá đủ để cảm phục khi nghĩ về cô. Thế nhưng, cô không chỉ cố gắng để lo cho cuộc sống của riêng mình. Nhiều năm cô dạy miễn phí cho các học sinh thi đại học, mua sách vở tặng các em có hoàn cảnh khó khăn; quyên góp giúp đỡ các em tiền học, quần áo, sách vở với tổng giá trị khoảng gần 60 triệu đồng.

Thầy Nguyễn Xuân Hòa, Trung tâm Giáo dục thường xuyên H.Ứng Hòa, là người tiêu biểu trong số nhiều nhà giáo đã đỡ đầu, đưa học sinh về nhà nuôi dưỡng như con mình. Thương yêu, bù đắp cho các em học sinh thiếu sự chăm sóc của bố mẹ, giúp các em vượt qua thời khắc khó khăn nhất của cuộc sống.

Không chỉ vận động giáo viên, học sinh trong trường mình giúp đỡ các em khó khăn, nhiều nhà giáo đã tích cực kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của các lực lượng xã hội và các cá nhân hảo tâm. Hàng chục em học sinh hoàn cảnh khó khăn bị bệnh hiểm nghèo may mắn đã được phẫu thuật, thoát khỏi bàn tay tử thần để tiếp tục đến lớp. Đó là thầy Nguyễn Anh Chiến, Phó hiệu trưởng Trường THCS Hợp Thanh - Mỹ Đức, thầy Ngô Mạnh Cường, giáo viên Trường THCS Sơn Công - Ứng Hòa... Rất nhiều, rất nhiều thầy cô giáo, ở các trường học của Thủ đô đã là những tấm gương về lòng nhân ái.

Không chỉ những giáo viên đang công tác, nhiều nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng nặng lòng với nghề, tình nguyện dạy các lớp tình thương, lớp cho trẻ khuyết tật, kiên trì nhiều ngày tháng giúp các em làm quen với con chữ, thầm lặng dạy dỗ để phần nào bù đắp cho các em thiệt thòi. Đó là nhà giáo Nguyễn Thị Sang - nguyên giáo viên Trường tiểu học Yên Thường, Gia Lâm, 10 năm qua vẫn tiếp tục giảng dạy các lớp tình thương tại Đình Xuyên. Nhà giáo Đỗ Thị Thoa - nguyên hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây, liên tục 19 năm mở lớp chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật miễn phí.

Và không thể không kể đến bà giáo 81 tuổi, Hồ Hương Nam, P.Yên Phụ, Q.Tây Hồ -  người được mệnh danh là “Người gieo chữ cho trẻ khuyết tật”. Bà đã được Thành ủy, UBND TP.Hà Nội tôn vinh là 1 trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2014.

Theo Báo Thanh niên, tin gốc: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20141119/nhung-nguoi-thay-khong-chi-day-chu.aspx