Những ngành học dễ kiếm việc - Ảnh 1
Hình minh hoạ

Ngành Nông – Lâm – Ngư nghiệp



Mặc dù cơ hội sau khi ra trường rộng mở nhưng trong nhiều năm nay, những trường khối Nông – Lâm thường không tuyển đủ chỉ tiêu. Điểm chuẩn vào ngành này cũng không cao, trong vài năm gần đây, hầu hết chỉ tương đương với mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT.

Một số trường có đào tạo ngành này là: ĐH Lâm nghiệp, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên), ĐH Thành Tây, ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Nông Lâm (ĐH Huế), ĐH Đà Lạt, Đại học Nha Trang, ĐH Tây Nguyên...Bộ NN&PTNT cho biết, hiện cả nước mới có 13 trường ĐH, CĐ có ngành đào tạo về nông, lâm nghiệp; 60% trường TCCN, CĐ nghề, trung cấp nghề, trung tâm nghề có dạy nghề nông, lâm nghiệp. Số cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ khối ngành nông, lâm nghiệp ra trường hằng năm không cung ứng đủ nhu cầu xã hội vốn đang tăng lên rất nhanh.

Sau khi ra trường sinh viên ngành Nông – Lâm – Ngư có thể làm quản lý dự án, chương trình phát triển nông thôn, các cơ sở nghiên cứu ngành nông – lâm- ngư nghiệp cấp huyện, cấp xã. Ngoài ra hầu hết các sinh viên sau khi ra trường đều có thể về làm cho các Sở NN&PTNT của các địa phương...


Những ngành học dễ kiếm việc - Ảnh 2
Hình minh hoạ


Ngành thủy văn học


Giống như nông – lâm – ngư, ngành thủy văn học tuy dễ xin việc làm nhưng những năm qua không thu hút thí sinh. Điểm chuẩn ngành này cũng nhỉnh hơn ngành nông – lâm – ngư một chút, từ 14,5 - 17 điểm. Được biết, cả nước có 200 trăm trạm khí tượng thủy văn ở các tỉnh thành đã và sắp hoàn thành. Đồng thời, các sân bay cũng mở thêm những đài quan trắc (trạm đo đạc theo dõi không khí, nhiệt độ, hướng gió…). Vì thế, cơ hội việc làm ngành này rộng mở.

Các trường đào tạo ngành Thủy văn học gồm: Đại học (ĐH) Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc Gia Hà Nội), ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Thủy Lợi...

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có đủ năng lực của một cử nhân ngành thủy văn, có thể làm việc tại các viện nghiên cứu, các trung tâm và sở khoa học và công nghệ các tỉnh trong cả nước; hoặc làm việc tại các trạm thuỷ văn, trung tâm khí tượng thuỷ văn tỉnh thành phố, các đài khí tượng thủy văn khu vực. Ngoài ra, có thể làm ở ban phòng chống lụt bão các tỉnh thành, cơ quan khác như sở nông nghiệp phát triển nông thôn, công ty tư vấn thiết kế điện 1, 2, 3 hoặc các nhà máy thủy điện… Sinh viên cũng có thể tìm việc làm tại các viện nghiên cứu của Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia; các viện, trung tâm nghiên cứu và các đài, trạm của Tổng cục Khí tượng thủy văn, Tổng cục Dầu khí …


Ngành Xây dựng


Điểm chuẩn ngành này năm 2010 từ khoảng 15 đến 22 điểm. Trường thường có điểm chuẩn cao là ĐH Xây dựng, ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), ĐH Bách Khoa, ĐH Thủy lợi... Các trường có đào tạo ngành này là ĐH Xây dựng, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Thủy lợi, ĐH Lâm nghiệp, ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ĐH Kiến trúc TP.HCM, ĐH sư phạm kỹ thuật TP.HCM...

Thí sinh tốt nghiệp ngành xây dựng có thể đảm nhiệm các công việc ngoài công trường, trong công xưởng hoặc trong văn phòng.

Công việc ngoài công trường - nơi triển khai thi công sản phẩm xây dựng, bao gồm các vị trí như kỹ sư thi công (hướng dẫn thực hiện toàn bộ hay một số loại công việc như đọc - hiểu bản vẽ thiết kế; tính toán khối lượng phải làm; lập bản vẽ chi tiết, nếu cần; hướng dẫn công nhân thực hiện; lập bản vẽ hoàn công khi làm xong; công tác trắc đạc); thợ đào - đắp đất, đóng - ép cọc, trộn bêtông cốt thép, ván khuôn, hồ nề, mộc, chống thấm, sơn, lắp đặt hệ thống cấp thoát nước sinh hoạt và thiết bị vệ sinh, lắp đặt hệ thống điện sinh hoạt; kỹ sư giám sát thi công; chỉ huy trưởng công trường...

Công việc trong công xưởng như kỹ sư giám sát nội bộ, kỹ sư quản lý chất lượng, chuyên viên phát triển sản phẩm...

Công việc trong văn phòng như chuyên viên hoặc nhân viên quản lý ở phòng kế hoạch, dự án, phòng quản lý chất lượng ở các đơn vị thi công xây dựng hoặc có thể thực hiện các công việc tư vấn xây dựng ở các xí nghiệp thi công như đo vẽ hiện trạng, trắc đạc công trình, khảo sát địa chất công trình, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, lập hồ sơ thiết kế, lập dự toán kinh phí xây dựng công trình, thẩm tra thiết kế, thẩm tra dự toán, lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ đấu thầu, giám sát thi công, kiểm định chất lượng công trình, chứng nhận chất lượng công trình, quản lý dự án đầu tư xây dựng, kiểm toán xây dựng... Hiện nay nhiều vị trí đang “khát” nguồn nhân lực như chuyên viên quản lý dự án, giám sát viên, dự toán viên.


Ngành điều khiển tàu biển


Muốn vào học ngành này, thí sinh phải đáp ứng một số yêu cầu về thể lực như: chiều cao từ 1,62m trở lên (thi vào ngành khai thác máy tàu biển chiều cao đạt từ 1,58m trở lên); tổng thị lực hai mắt từ 18/10 trở lên, không mắc các bệnh khúc xạ; nghe rõ khi nói bình thường trong khoảng 5m, nói thầm cách 0,5m; cân nặng từ 45 kg trở lên. Tuy nhiên, điểm chuẩn vào ngành này thường không cao, giao động từ 13-14,5 điểm. Một số trường đào tạo ngành học này gồm: Đại học Hàng Hải, Đại học Giao thông Vận tải TPHCM...

Đây cũng là ngành học có mức thu nhập hấp dẫn sau khi ra trường. ĐH Giao thông Vận tải TPHCM cũng cho biết, sinh viên năm thứ tư các ngành Điều khiển tàu biển và các ngành khác như Thiết kế thân tàu thủy, Kinh tế vận tải biển, Máy tàu biển đã được các công ty vận tải biển quốc tế đến tuyển dụng và khi ra trường nhận mức lương rất cao, hơn 1.000 USD/tháng.

Sau khi tốt nghiệp, các vị trí mà sinh viên ngành này có thể đảm nhận là: Sĩ quan hàng hải mức vận hành; làm việc ở các công ty Bảo hiểm, Giám định hàng hải, Cảng vụ, Hoa tiêu, Cục hàng hải, các công ty VTB, Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải, Bảo vệ môi trường biển... Hoặc, sinh viên có thể tiếp tục cập nhật kiến thức để trở thành Sỹ quan quản lý trên tàu biển theo quy định của Cục hàng hải Việt Nam và Công ước Quốc tế về huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên (STCW 78/95); tiếp tục học tập, nghiên cứu sau đại học trong lĩnh vực điều khiển tàu thủy, an toan hàng hải, công ước quốc tế, bảo vệ môi rường, phát triển trang thiết bị, kỹ thuật hàng hải, các hệ thống dẫn tàu…


Ngành Kế toán – Kiểm toán


Chuyên ngành Kế toán – Kiểm toán phù hợp mọi đối tượng, không phân biệt nam hay nữ. Đây là một ngành rất thu hút sinh viên đăng ký vào học. Các năm qua, sinh viên tốt nghiệp đều dễ dàng tìm được việc làm thích hợp cho mình.

Điểm chuẩn ngành này cũng chênh lệch khá lớn tùy từng trường (năm 2010, mức điểm từ 13 đến 21 điểm). Điểm chuẩn cao thường rơi vào các trường ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện ngân hàng... Ngành này có nhiều cơ sở đào tạo như: Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, ĐH Kinh tế Quốc dân, Khoa Kinh tế (ĐHQG TP.HCM), ĐH Kinh tế TP.CM, ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Kinh tế - Qản trị kinh doanh (ĐH Thái Nguyên), ĐH Hải Phòng, ĐH Kinh tế (ĐH Huế), ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), ĐH Đà Lạt...

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán có thể làm việc tại tất cả các doanh nghiệp có các bộ phận chức năng kế toán và tại các bộ, ngành, các cơ quan nhà nước khác. Tốt nghiệp chuyên ngành Kiểm toán, có thể làm việc tại các Công ty Kiểm toán và Tư vấn về tài chính – kế toán, các bộ phận Kiểm toán Nội bộ tại các Doanh nghiệp, Ngân hàng, Chứng khoán và các tổ chức kinh tế khác, các bộ phận kế toán tại các công ty kinh doanh trong nước hoặc công ty đa quốc gia.  

Bộ tài chính hàng năm có thi cấp chứng chỉ hành nghề kiểm toán và kế toán. Nội dung thi gồm nhiều môn và khi vượt qua kỳ thi này thí sinh sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề. Khi có chứng chỉ này mới có thể hành nghề (ký tên với tư cách người có đủ thẩm quyền theo luật định).


Ngành Tâm lý


Đây là ngành học xã hội có nhu cầu rất lớn. Khi theo học các bạn được đào tạo chuyên sâu về tâm lý: tâm lý kinh tế, tâm lý xã hội, tâm lý bệnh viện, tâm lý giới tính, tâm lý lứa tuổi, tâm lý tội phạm, tâm lý khách hàng... Điểm chuẩn ngành này khoảng từ 17 đến 19 điểm.

Những trường có đào tạo ngành này có thể kể đến ĐH SP Hà Nội, ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội), ĐHKHXH&NV TP.HCM, ĐH Quy Nhơn, ĐH Huế, ĐH Văn Hiến …

Đặc biệt, ngành tâm lý học đường được coi là rất mới mẻ ở Việt Nam cũng mở ra nhiều cơ hội cho các bạn trẻ. Đây là một chuyên ngành Tâm lý ứng dụng nhằm thực hiện công tác phát hiện sớm, phòng ngừa và can thiệp cho trẻ em - thanh thiếu niên trong các lĩnh vực nhận thức, học tập, hành vi, cảm xúc hoặc xã hội ở môi trường học đường, gia đình và cộng đồng; đồng thời tham gia nghiên cứu, xây dựng, phát triển và lượng giá các chương trình này. Ngành học này hiện cơ hội việc làm sau khi ra trường rất rộng mở. Đơn vị đặt nền móng cho ngành là Khoa Tâm lý - Giáo dục của trường ĐHSP Hà Nội.

Ngành tâm lý học đào tạo các kiến thức liên quan đến tâm lý học thần kinh, tâm bệnh học, tâm lý học tư vấn, trị liệu tâm lý, tâm lý học dân tộc, tôn giáo, gia đình, tệ nạn xã hội, tâm lý giao tiếp, tâm lý học quản lý... Chương trình đào tạo cử nhân Tâm lý học cung cấp cho sinh viên các kiến thức về lịch sử tâm lý học, phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu tâm lý học, thống kê xã hội, tâm lý học xã hội, tâm lý học phát triển, tâm lý học nhân cách, chẩn đoán tâm lý, tâm lý học quản lý, tâm lý học lao động, tâm lý học giáo dục… Ngoài ra, sinh viên còn được trang bị các kỹ năng tư vấn tâm lý thuộc các lĩnh vực như tình yêu hôn nhân gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên, tâm lý học đường, chẩn đoán - tư vấn và trị liệu tâm lý, tâm lý hướng nghiệp, tâm lý trong kinh doanh, tâm lý tội phạm…

Sau khi tốt nghiệp ngành học này, sinh viên có thể làm công tác nghiên cứu về tâm lý, tư vấn tâm lý, trợ lý trị liệu tâm lý, trợ lý lãnh đạo về nhân sự, tổ chức lao động nghiên cứu tâm lý khách hàng cho các tổ chức và công ty... hoặc làm công tác giảng dạy môn tâm lý học. Công tác ở các đài phát thanh, đài truyền hình, tổng đài tư vấn qua điện thoại, các trung tâm tư vấn, các trường giáo dưỡng. Ngoài ra, có thể làm việc trong lĩnh vực chẩn đoán và trị liệu tâm lý tại bệnh viện, tư vấn tâm lý học đường, quản lý nhân sự và tư vấn tâm lý trong doanh nghiệp, giảng dạy tâm lý học ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, viện nghiên cứu…




Theo GDTD