TUYỂN SINH - TUYỂN SINH 2013 - THÔNG TIN TUYỂN SINH - BÁO GIÁO DỤC

Tin liên quan:

>> Vụ trường Kinh doanh Melior qua thông cáo của Lãnh sự Singapore

>> Rút giấy phép các trường quốc tế vi phạm

>> Chính thức rút giấy phép hoạt động của trường Kinh doanh Melior

 

Nắm bắt được xu hướng sính ngoại của các phụ huynh, hàng loạt cơ sở đào tạo đóng mác Singapore, do các nhà đầu tư nước ngoài âm thầm xâm nhập vào Việt Nam để lừa đảo học viên. Gần đây nhất, là sự vụ Giám đốc của Cơ sở đào tạo Melior Việt Nam ôm tiền bỏ trốn.

Được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 7/2009, và cấp phép đào tạo nghề vào tháng 3/2010, trong đó quy định rõ Melior Việt Nam chỉ được phép đào tạo nghề, cấp chứng chỉ trình độ sơ cấp nghề trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, với cái mác "danh giá" của mình, Melior Việt Nam vẫn thực hiện thành công một cú lừa ngoạn mục.

 

tuyen sinh, thong tin tuyen sinh, giao duc, bao giao duc, kenh tuyen sinh, truong kinh doanh melior, truong quoc te melior, cao dang quoc te melior, nguoi lao dong

Biến mất sau… một đêm

Theo tài liệu mà PV Chuyên đề ANTG có được, thì cơ sở đào tạo Melior, có tên đầy đủ là Công ty TNHH Melior Việt Nam (tên giao dịch tiếng Anh là Melior Business School). Người đại diện theo pháp luật của công ty này là ông Cheng Sim Kok, 58 tuổi, quốc tịch Singapore, ngụ tại Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP HCM. Trụ sở của công ty đặt tại địa chỉ 97 Nguyễn Văn Trỗi, phường 12, quận Phú Nhuận, TP HCM. Melior Việt Nam chuyên đào tạo 3 ngành nghề, gồm: Quản trị du lịch và khách sạn, Quản trị doanh nghiệp căn bản và Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Sau khi có được lá bùa là Giấy chứng nhận đầu tư lẫn cấp phép dạy nghề, Cheng Sim Kok bắt đầu "nổ văng mạng". Hàng loạt chiến dịch nhằm quảng bá cho Melior Việt Nam xuất hiện, với những mỹ từ không thể tốt đẹp hơn.

Như, "Melior Việt Nam thuộc Tập đoàn giáo dục Melior. Đây là tổ chức giáo dục tư nhân đã đăng ký và được sự đồng thuận của Bộ Giáo dục Singapore. Melior hoàn thiện các khóa học để đào tạo cử nhân và cao đẳng nâng cao cho sinh viên quốc tế và sinh viên tại Singapore. Tập đoàn Melior được thành lập với sứ mệnh rất rõ ràng là trở thành một trong những nhà giáo dục hàng đầu".

Và "nhà giáo dục có sứ mệnh hàng đầu" ấy đã biến mất khỏi Việt Nam chỉ sau một đêm, ẵm theo hàng đống ngoại tệ.

Đơn kiện của các học viên đang theo học tại cơ sở này ghi rõ: "Đêm ngày 10/11/2012, chúng tôi nhận được email của Melior thông báo về việc chấm dứt chương trình giảng dạy. Trong lúc, cơ sở vẫn đang đăng ký chiêu sinh học viên vào tháng 10/2012.

Vì ngày 10 là vào cuối tuần, nên sáng thứ hai (ngày 12/11/2012), chúng tôi đến cơ sở để tìm hiểu vụ việc thì phát hiện bảng hiệu nhà trường đã bị tháo gỡ. Đơn vị cho nhà trường thuê cơ sở vật chất để giảng dạy dán thông báo cho biết nhà trường còn nợ 2 tháng tiền nhà, và trường cũng đã đơn phương chấm dứt hoạt động với họ (Hiện tại, đơn vị cho Melior thuê nhà đã có đơn gửi đến các cơ quan chức năng để khiếu nại Melior Việt Nam - K.H). Chúng tôi hỏi nhiều nhân viên của trường nhưng không ai đưa ra được câu trả lời".

Thông tin mà chúng tôi có được, thì nhiều khả năng ông Cheng Sim Kok đã rời khỏi Việt Nam. Mọi nhân viên, giảng viên cũng như học viên chỉ được biết Melior Việt Nam chấm dứt hoạt động giảng dạy qua thư điện tử.

Song song với sự chấm dứt hoạt động của Melior tại Việt Nam, rất nhanh chóng, Tập đoàn Melior tại Singapore cũng phát đi thông báo, Melior ở Việt Nam được thành lập theo hình thức nhượng quyền, Tập đoàn Melior hoàn toàn không kiểm soát được hoạt động của Melior Việt Nam. Nhằm để trấn an học viên, Tập đoàn Melior có hứa sẽ xem xét để học viên tại Melior tiếp tục được đào tạo ở Singapore vào thời gian thích hợp. Còn thời gian thích hợp là vào thời điểm nào, họ không đề cập đến.

Đơn kiện của học viên cũng cho biết thêm, theo hợp đồng giữa học viên và Melior Việt Nam, thì để hoàn tất khóa học 15 tháng, học viên phải đóng học phí với số tiền là 10.500USD. Đây là khoản tiền chưa bao gồm tiền học phí tiếng Anh, với mức thu 900USD/khóa học. Thông thường, học viên phải học 5 khóa tiếng Anh trước khi bắt đầu học chính thức.

Tuy nhiên, sau khi nhận tiền học phí của học viên, Melior đã tự ý rút ngắn chương trình đào tạo xuống còn 12 tháng. Nhằm khỏi bị học viên phản ứng, Melior đưa ra lời hứa "Sẽ đưa học viên sang Singapore học 6 tháng". Thế nhưng, trên thực tế Melior chỉ đưa học viên sang… Singapore học 2 tuần để hợp thức hóa việc cấp bằng cao đẳng nâng cao từ Tập đoàn Melior ở Singapore.

Có những học viên, cuối tháng 10/2012, vừa nộp hàng trăm triệu đồng để nhập học, thì chưa đầy 2 tuần sau đã… không còn chỗ học vì Melior Việt Nam đột nhiên đóng cửa.

Điều đáng nói là Melior Việt Nam từng bị Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục vào tháng 5/2012. Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng bắt buộc Melior Việt Nam chấm dứt ngay lập tức hoạt động quảng cáo, tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng cao đẳng, đại học trái phép trên lãnh thổ Việt Nam.

Tháng 9/2012, Thanh tra Bộ GD&ĐT  kiểm tra lại, thì phát hiện Melior Việt Nam chỉ nộp phạt vi phạm hành chính với số tiền 67,5 triệu đồng. Còn lại, Melior Việt Nam vẫn chiêu sinh và đào tạo học viên với chiêu bài "chương trình cao đẳng, bằng do Singapore cấp".

Tiếp đến, vào tháng 10/2012, Bộ GD&ĐT  có công văn gửi UBND TP HCM, đề nghị UBND TP HCM chỉ đạo các sở, ngành thuộc thành phố xem xét để rút các loại giấy phép về hoạt động tư vấn, tuyển sinh và đào tạo có yếu tố nước ngoài của 4 đơn vị sai phạm. Bao gồm: Công ty TNHH Nghiên cứu và Giáo dục Việt Nam (ERC), Viện Quản trị Tài chính (IFA), Công ty TNHH Đào tạo Công nghệ thông tin và Quản trị Kinh doanh Singapore (SIBME) và Công ty TNHH Melior Việt Nam.

Nhận được đề nghị của Bộ GD&ĐT, UBND TP HCM đã có văn bản chỉ đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ, yêu cầu thực hiện việc rà soát, rút giấy phép các đơn vị giáo dục có yếu tố nước ngoài đang vi phạm.

Tiếc thay, mặc cho sự sốt ruột của các cấp lãnh đạo, Giám đốc của Melior Việt Nam vẫn kịp ôm tiền bỏ trốn.

Lừa gắn mác giáo dục… siêu dễ(!)

Melior Việt Nam, không phải là cơ sở đào tạo đầu tiên đóng mác Singpore gây nên sóng gió đối với học viên theo học. Trước đây, vào tháng 3/2012, Cơ sở đào tạo Raffles từng bị tố cáo, tổng giám đốc bị cấm xuất cảnh và hiện tại cơ sở đào tạo này đã biến mất khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Cũng với chiêu bài, đào tạo học viên cấp bằng đại học nước ngoài, Raffles đã chiêu sinh ồ ạt, thu hàng chục nghìn USD của mỗi học viên. Để rồi sau đó, học viên phát hiện ra rằng, Raffles tại Việt Nam hoàn toàn không được Bộ GD&ĐT cho phép cấp bằng cao đẳng, đại học. Hoạt động của Raffles tại Việt Nam chỉ là đào tạo nghề ngắn hạn.

Thời điểm Raffles bị tố, hàng loạt cuộc tranh cãi suýt dẫn đến ẩu đả giữa phụ huynh học viên và lãnh đạo cơ sở Raffles. Thậm chí, khi lãnh đạo Raffles bị lộ tin sẽ xuất cảnh, phụ huynh học sinh đã chặn đường, giữ người và báo cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng lập tức ra quyết định cấm xuất cảnh đối với lãnh đạo Raffles để chờ mọi việc được giải quyết êm thấm.

Thông tin đặc biệt mà chúng tôi có được, lãnh đạo Raffles từng có ý định đào thoát khỏi Việt Nam bằng… đường bộ. Tuy nhiên, họ đã bị chặn lại ngay tại Cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) trước khi kịp đặt chân sang lãnh thổ Campuchia. Gần 6 tháng sau, tức vào tháng 9/2012, khi vụ việc đã được giải quyết tương đối ổn thỏa, lãnh đạo Raffles mới được phép về lại… Singapore.

Sáu năm trước, cũng liên quan đến cái mác cơ sở đào tạo nước ngoài, một vụ lừa đảo vô tiền khoáng hậu đã xảy ra tại Cơ sở đào tạo SITC. Số lượng học viên bị trung tâm này lừa là hàng chục nghìn người. Vụ việc nghiêm trọng đến mức, Tổng giám đốc của cơ sở này bị truy tố và bắt giữ khi vừa trốn từ Việt Nam về đến sân bay Đài Bắc (Đài Loan). Hàng loạt ban ngành đã phải làm việc đến "mướt mồ hôi" mới có thể giải quyết được phần nào quyền lợi của các học viên chẳng may đóng tiền để theo học tại SITC. Độc đáo hơn, tiến hành điều tra, người ta mới phát hiện Tập đoàn SITC được thành lập với số vốn ban đầu vỏn vẹn là… 200 USD.

Việc thành lập một cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam không khó. Cá nhân nước ngoài muốn thành lập cơ sở đào tạo, họ xin giấy phép kinh doanh tại Sở Kế hoạch - Đầu tư, có được giấy phép này họ sẽ dễ dàng có thêm chứng nhận về đào tạo ngành nghề ngắn hạn của Sở LĐ-TB&XH. Từ đây, họ bắt đầu quảng bá chiêu sinh, với lời "đảm bảo về bằng cấp, công việc sau khi ra trường". Họ cứ thoải mái ngồi yên chờ học viên mang USD đến nộp, cứ vậy cho đến lúc bị… phát hiện là lừa đảo.

Để đánh vào niềm tin của phụ huynh học viên lẫn học viên, trụ sở của các cơ sở đào tạo này bao giờ cũng rất hoành tráng và cực đẹp. Ít phụ huynh học viên lẫn học viên nào kịp bình tĩnh để nhận ra rằng, cơ sở này họ chỉ đi… thuê. Mà thuê một cơ sở vật chất là điều ai cũng có thể làm được.

Cái mác đào tạo nước ngoài luôn kích thích được trí tưởng tượng phong phú về tương lai tươi sáng của phụ huynh và học viên. Những tấm bằng, giấy chứng nhận được in trang trọng, cầu kỳ bằng tiếng Anh… quyến rũ phụ huynh học viên lẫn học viên đến độ, họ quên mất rằng nếu không được sự đồng ý của Bộ GD&ĐT, những mảnh bằng và giấy chứng nhận ấy hoàn toàn không có giá trị pháp lý trên lãnh thổ Việt Nam.

Thêm vào đó, đầu vào của các cơ sở đào tạo nước ngoài rất đơn giản. Chỉ cần tốt nghiệp cấp 3 là được xét tuyển. Nếu học viên trình độ ngoại ngữ kém, chỉ cần đóng tiền sẽ được theo học ngoại ngữ trước khi bắt đầu học chính thức. Điều này, như là một cứu cánh đối với những gia đình khá giả nhưng con em lại không đủ sức vào các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam. Đương nhiên, không phải học viên nào đăng ký theo học tại các cơ sở nước ngoài đều là vì nguyên nhân này.

Rõ ràng, quá khó để hy vọng vào "sứ mệnh giáo dục" của các cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam. Với những vụ việc đã xảy ra, nổi bật trên hết là cơ sở đào tạo đóng mác Singapore - quốc gia mà trong những năm gần đây, là điểm đến của rất đông du học sinh Việt Nam.

Đã đến lúc, học viên và phụ huynh cần hết sức cẩn trọng và tìm hiểu kỹ càng trước khi quyết định mang hàng chục nghìn USD nộp vào các cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài, để tránh trường hợp "bỏ tiền mua quả đắng"

Chỉ với riêng Melior Việt Nam, trong vòng 3 năm hoạt động, cơ sở này đã đào tạo gần 4.000 học viên. Lấy mức học phí trung bình chỉ là 10.000USD/học viên (cho các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn), làm phép tính nhẩm đủ thấy Melior Việt Nam đã thu về số tiền khủng khiếp đến mức nào.

Sở LĐ-TB&XH TP HCM đã kiến nghị UBND TP HCM các giải pháp cấp bách để giải quyết vụ việc này, như: Chỉ đạo các cơ quan chức năng phong tỏa tài khoản ngân hàng của Công ty TNHH Melior Việt Nam. Đồng thời, đề nghị Cơ quan Công an tạm dừng xuất cảnh khỏi Việt Nam với ông Cheng Sim Kok (sinh năm 1954), quốc tịch Singapore - Tổng giám đốc Công ty TNHH Melior Việt Nam và có công văn thông báo tình hình với Tổng Lãnh sự quán Cộng hòa Singapore và đề nghị hợp tác giải quyết vụ việc.

Đáng tiếc, tất cả đều đã quá muộn.

Giám đốc Melior Việt Nam đã kịp đào thoát. Tài khoản ngân hàng của cơ sở này cũng đã… hết tiền. Điều còn lại chỉ là sự hoang mang và quyền lợi bị bỏ ngỏ của các học viên đã trót đóng tiền để theo học tại Melior Việt Nam.

Ngoài ra, trước sự kiện Trường Melior đóng cửa, Sở LĐ-TB&XH TP HCM đã có văn bản trình UBND TP thu hồi giấy phép hoạt động của hai trường sai phạm tương tự như Melior là SIBME và ERC. Đống thời,  có biện pháp để bảo đảm quyền lợi của các học viên tại hai trường này.

 

Xem thêm: Vụ trường Melior: Bộ cấm tuyển sinh, sở cấp phép

Những nội dung đang được quan tâm nhiều nhất:

LUYỆN THI - TỈ LỆ CHỌI - TỈ LỆ CHỌI 2013 - TỶ LỆ CHỌI 2013

TUYỂN SINH - TUYỂN SINH 2013 - ĐIỂM THI ĐẠI HỌC - TRƯỜNG QUỐC TẾ

ĐẠI HỌC QUỐC TẾ - CAO ĐẲNG QUỐC TẾ - DU HỌC - BÁO GIÁO DỤC - TIẾNG ANH

Kênh Tuyển Sinh

Theo Laodong