>> Giáo dục, tuyển sinh, hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, học đường.

Bị đình chỉ tuyển sinh, các trường ĐH cho rằng đây chỉ là "một sự nhầm lẫn" và đang đua nhau giải trình với Bộ giáo dục để tiếp tục được tuyển sinh.

Dừng tuyển sinh 207 ngành đại học: Các trường ĐH kêu oan

Trong 207 ngành học thuộc 71 trường bị yêu cầu ngừng tuyển sinh có nhiều ngành thuộc các trường công lập lớn và đã mở đào tạo nhiều năm nay. Trong đó, ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội có 15 ngành bị đình chỉ tuyển sinh, ĐH Hà Tĩnh có 14/16 ngành, ĐH Quảng Bình có 8 ngành, ĐH Quy Nhơn 7 ngành...

Đặc biệt, ngành Sư phạm âm nhạc bị đình chỉ ở tất cả các cơ sở đào tạo gồm Học viện âm nhạc Huế, Học viện âm nhạc quốc gia việt nam, Nhạc viện TP HCM, ĐH sư phạm Thái Nguyên vì không có... tiến sĩ âm nhạc. Các ngành khoa học cơ bản như hán nôm, ngôn ngữ, văn học và các ngành thuộc khối nghệ thuật cũng bị đình chỉ hàng loạt.

Là một trường có tới 15 ngành bị đình chỉ tuyển sinh, ông Trần Thanh Hiệp - Hiệu trưởng ĐH Sân khấu điện ảnh cho rằng, những ngành này đều là ngành đặc thù và không thể lấy yêu cầu một tiến sĩ, 3 thạc sĩ ra để áp đặt tiêu chuẩn. Theo ông Hiệp, những ngành như biên đạo múa, đạo diễn sân khấu, diễn viên sân khấu kịch hát... không thể tìm ra tiến sĩ để mời về dạy cho sinh viên.

"Đây đều là những ngành học mang tính chất thiên về nghệ thuật mà chúng tôi đang có những giảng viên là Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú đứng lớp. Họ là những giảng viên có kinh nghiệm thực tế, có kiến thức chuyên môn và đầy nhiệt huyết với sinh viên. Như vậy đã quá đủ để đảm bảo chất lượng đầu ra chứ không thể bắt chúng tôi tìm ra những tiến sĩ thuộc những ngành này để đáp ứng đủ yêu cầu được", ông Hiệp nói.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cũng cho rằng có một số ngành đặc thù không thể có tiến sĩ chuyên ngành. Ông Dũng dẫn chứng, với ngành kinh tế gia đình hiện nay, trên cả nước chưa có cơ sở nào đào tạo tiến sĩ. Tuy nhiên, trong ngành học này sinh viên sẽ được học nhiều môn khoa học cơ bản và chuyên ngành khác.

"Chúng tôi sẽ bổ sung tiến sĩ dinh dưỡng vào ngành kinh tế gia đình để đáp ứng được yêu cầu của Bộ. Còn một số ngành khác như ngành kỹ thuật công nghiệp là đào tạo giao thoa giữa các mảng, các môn của các khoa khác như cơ khí, điện tử, ôtô... Những môn này hiện nay trường đã có rất nhiều tiến sĩ nên không thể nói là thiếu được", ông Dũng nói.

Dừng tuyển sinh 207 ngành đại học: Các trường ĐH kêu oan

Dừng tuyển sinh 207 ngành đại học: Các trường ĐH kêu oan

Về ngành kế toán, ông Dũng cho biết, hiện ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cũng có 2 người chuẩn bị hoàn thành đề án nghiên cứu tiến sĩ. "Trong những năm tới trường sẽ đào tạo tiến sĩ theo lộ trình, đến năm 2015 sẽ dư sức đáp ứng được yêu cầu của Bộ đưa ra", hiệu trưởng trường này nói và cho biết sau khi giải trình trường tiếp tục tuyển sinh những ngành này trong năm.

Còn đối với trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn, TS Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng đào tạo - cho rằng, 3 ngành của trường này bị đình chỉ là do nhầm lẫn của phòng hành chính tổng hợp khi làm báo cáo số liệu. "Trên thực tế với yêu cầu 1 tiến sĩ, 3 thạc sĩ thì tất cả các ngành trong trường đều đáp ứng. Riêng ngành hán nôm nó không phải là một ngành đứng riêng mà thuộc ngành văn học - ngôn ngữ. Hiện tại trường đã có báo cáo giải trình gửi ĐH Quốc gia TP HCM, về cơ bản thì trong năm nay các ngành này vẫn sẽ tuyển sinh bình thường", ông Hạ cho biết.

Tương tự, ĐH Quảng Bình cũng cấp tập làm giải trình với Bộ giáo dục. TS Trần Ngọc - Trưởng phòng đào tạo trường khẳng định đã có sự nhầm lẫn về số liệu khi trường có tới 8 ngành bị đình chỉ. TS Ngọc cho biết, trong 8 ngành này nếu xét trên thực tế thì trường đều đáp ứng yêu cầu của Bộ, song trong quá trình báo cáo thì trường lại báo cáo chung số tiến sĩ, thạc sĩ của trường chứ không hề phân ra từng ngành nên trong quá trình xét duyệt đã bị "đánh rớt".

"Có những ngành như sư phạm tiểu học, sư phạm mầm non thì hiện cả nước không hề có tiến sĩ chuyên ngành. Trong khi trên thực tế ở những ngành này chúng tôi đã có rất nhiều tiến sĩ về toán, văn, tâm lý... đảm trách giảng dạy. Những ngành khác như quản trị kinh doanh, nuôi trồng thủy sản hiện trường đã có thêm tiến sĩ vừa mới bảo vệ xong nên chúng tôi sẽ làm báo cáo và giải trình lại", ông Ngọc nói và cho biết thêm về kế hoạch tuyển sinh sắp tới trường sẽ vẫn tổ chức lại bình thường sau khi giải trình xong.

Tuy nhiên ông Ngọc cũng cho rằng quyết định này của Bộ đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến các trường nằm trong danh sách "đen". "Đáng lẽ đến nay chúng tôi đã hoàn thành kế hoạch tuyển sinh, nhưng trước quyết định này chúng tôi phải làm giải trình và chờ Bộ đồng ý mới lên kế hoạch được. Thực tế nhiều năm qua chúng tôi vẫn đảm bảo được yêu cầu chất lượng đầu ra, song quyết định của Bộ phần nào khiến dư luận hiểu nhầm trường không đủ năng lực đào tạo nên mới bị đình chỉ", ông Ngọc nói.

Trước đó, sau khi rà soát kiểm tra các ngành học trong các trường đại học, vì không đảm bảo yêu cầu (1 tiến sĩ, 3 thạc sĩ/ngành học) nên Bộ giáo dục đã quyết định đình chỉ tuyển sinh từ năm 2014 đối với 207 ngành học của 71 trường. Đồng thời Bộ Giáo dục thông báo, sau ngày 31/12/2015, nếu các trường chưa khắc phục được các nguyên nhân dẫn đến bị đình chỉ thì sẽ bị thu hồi Quyết định cho phép đào tạo. Đối với những sinh viên đã trúng tuyển và đang học tập ở các ngành này vẫn được tiếp tục đào tạo theo quy định.

Theo Nguyễn Loan, báo VNexpress