Cần bàn kỹ phương án tổ chức một kỳ thi chung năm 2015

Lãnh đạo các đại học lớn cho rằng, tiêu chí để xét tuyển vào mỗi trường là khác nhau, độ tin cậy vào kết quả kỳ thi quốc gia chung chưa cao nên dự định tổ chức thi tuyển sinh riêng năm 2015.Sáng 15/8, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ năm 2014 tại 5 đầu cầu Hà Nội, TP HCM, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Nghệ An, Cần Thơ.

Ngay từ những phút đầu tiên, bầu không khí hội nghị đã "nóng" khi các đại biểu thảo luận về tổ chức một kỳ thi quốc gia chung với hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và cơ sở xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Hiệu phó ĐH Y Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Tú góp ý, cần bàn kỹ càng để kỳ thi quốc gia chung được tổ chức đúng tầm, từ đó các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng kết quả để xét tuyển.

"Tuyển sinh vào trường Y năm nào cũng rất nóng. Nhu cầu của trường là tuyển những thí sinh tốt nhất. Vì vậy, trong năm 2015, nếu cả nước có một kỳ thi quốc gia chung, khối trường y sẽ đề xuất có thêm kỳ thi bổ sung để đảm bảo chất lượng đầu vào", ông Tú cho hay.Hiệu phó Tú chia sẻ, quy định tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển của Bộ Giáo dục hiện nay cũng không phù hợp với trường y. Trong khi nhiều thí sinh năm nay được 26 điểm vẫn trượt, đang kêu khóc thì trường phải nhận 127 em tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển. Con số này chiếm 23,1% chỉ tiêu của ngành bác sĩ đa khoa - ngành hot nhất của trường.

"Học sinh được tuyển thẳng không phải là sinh viên học tốt nhất. Khi tuyển sinh riêng, chúng tôi cũng đề nghị có cơ chế tuyển thẳng riêng", ông Tú nói.
Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định, xu hướng tích hợp một kỳ thi là định hướng đổi mới quan trọng. Nhưng nội dung thi, cách thức thi ra sao thì cần bàn luận kỹ để có cách làm phù hợp. Theo ông cả 3 phương án môn thi vẫn rất nặng nề.

"Muốn để các trường đại học có thể sử dụng được kết quả một kỳ thi chung thì chỉ nên tổ chức thi Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Nhưng việc công nhận kết quả đó như thế nào, có yên tâm sử dụng hay không là vấn đề nhiều trường đại học đang cân nhắc. Chắc chắn sẽ có nhiều trường tổ chức thêm một kỳ thi nữa", ông Sơn nói và băn khoăn việc tích hợp liệu có khả thi trong thực tế.

Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đề xuất, kỳ thi quốc gia chung nên thi 2 khối kiến thức thuộc Toán và Ngữ văn. Riêng môn Ngoại ngữ có thể đa dạng hóa hình thức thực hiện, có tính đến yếu tố vùng miền. Phương án này vừa thuận tiện cho việc xét tốt nghiệp THPT, vừa thuận lợi cho các trường ĐH, CĐ xét tuyển đầu vào. Trong tương lai, đề thi sẽ dần được định hướng theo dạng bài thi đánh giá năng lực tổng hợp.

Ông Nguyễn Văn Trào, Hiệu phó ĐH Sư phạm Hà Nội, thì đề xuất cần có sự giám sát của nhà nước trong kỳ thi quốc gia chung để các trường đại học có thể yên tâm vào kết quả kỳ thi. Ông Trào cho rằng, ĐH Sư phạm Hà Nội có nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho cả nước, cung cấp nhân lực cho ngành giáo dục thực hiện đổi mới căn bản toàn diện nên phải tuyển chọn cẩn thận.

Nhiều lãnh đạo các trường đại học phía Bắc chưa tin tưởng vào kết quả mà kỳ thi quốc gia chung sẽ mang lại nên đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp và giữ kỳ thi đại học. Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, kỳ thi tốt nghiệp là đại trà, còn thi đại học là tuyển chọn những thí sinh có đủ năng lực để học cao lên. Vì vậy, kỳ thi đại học cần phải duy trì.

Ông Nguyễn Duy Khoát, Phó giám đốc Học viện An ninh thì kiến nghị Bộ hãy giao việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT về cho các tỉnh, để địa phương chủ trì. Đồng tình với lãnh đạo ĐH Y Hà Nội, ông Khoát cho rằng việc tuyển thẳng học sinh vào đại học cũng cần để các trường tự quyết, vì thực tế có học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia nhưng 3 môn thi đại học vào trường An ninh chỉ được 9 điểm.

"Nên giữ kỳ thi đại học như hiện nay. Trường nào nếu thấy không cần thiết thì chỉ cần dùng kết quả xét tuyển. Kỳ thi học sinh giỏi phổ thông cũng nên giao về cho địa phương tổ chức, còn bài làm thì gửi về chấm ở Bộ", ông Khoát góp ý.Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thông tin, ngay sau Đại hội lần thứ 11 của Đảng, Bộ đã nghiên cứu để thực hiện đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo đúng tinh thần chỉ đạo: Những vấn đề gì đúng và rõ thì triển khai ngay. Theo đó, Bộ đã chỉ đạo giảm tải, tránh trùng lặp, thực hiện giảng dạy tích hợp, liên môn, khuyến khích học sinh THPT tham gia nghiên cứu khoa học.

Bằng cách này, dù chưa thay đổi được giáo dục phổ thông, nhưng đã có những điểm sáng mới. Trên mạng đã có nhiều diễn đàn bàn về đổi mới thi cử, đổi mới phương pháp giảng dạy cho giáo viên.

Với dự thảo một kỳ thi chung, Bộ đang có các tổ, nhóm tiếp nhận ý kiến, phân loại theo nhóm như góp ý của học sinh, sinh viên, thầy cô, cán bộ quản lý, chuyên gia, nhân dân… Bộ vẫn nhận được các ý kiến đóng góp để có thêm tư liệu xem xét, quyết định phương án tốt nhất.

"Chúng ta phải thay đổi căn bản toàn diện giáo dục đại học, nội hàm chính là chuyển từ việc truyền thụ kiến thức một chiều sang nền giáo dục đại học phát triển năng lực và phẩm chất của người học. Để có được điều đó, quan trọng nhất là đổi mới nhận thức tư duy. Toàn ngành phải thay đổi, nhưng hệ thống đội ngũ quản lý phải vào cuộc trước tiên", Bộ trưởng nói.

Tư lệnh ngành giáo dục nhắc nhở, lãnh đạo các trường cần nghiên cứu kỹ nghị quyết 29, trong đó khẳng định giáo dục phổ thông là tích hợp cao ở bên dưới, phân hoá mạnh kết hợp tự chọn ở bên trên, giai đoạn giáo dục toàn diện kết thúc ở THCS, sang giáo dục THPT là định hướng nghề nghiệp. Như vậy thi tốt nghiệp THPT không giải quyết kiến thức toàn diện mà định hướng cho học sinh phát huy năng lực, sở trường.

"Chúng ta phải có lòng tin. Sự nghiệp đổi mới là của nhân dân, quần chúng, nếu chỉ ngành giáo dục, khối đại học làm thôi thì chưa đủ. Khối nào có bất cập thì xử lý, phải bình tĩnh giải quyết. Trong chiến tranh, có những người phản bội tổ quốc, nhưng không vì thế mà ta mất lòng tin hoặc nghi ngờ chiến thắng", Bộ trưởng nhắn nhủ.