Nhiều trường chưa sẵn sàng tự chủ tuyển sinh

Nhiều trường chưa sẵn sàng tự chủ tuyển sinh

Kết thúc mùa tuyển sinh 2014, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định đến năm 2017, các trường ĐH phải tự chủ tuyển sinh. Tuy nhiên, đến giờ, nhiều trường ĐH lớn vẫn mong muốn Bộ GD&ĐT tổ chức một kỳ thi tuyển sinh chung để các trường lấy kết quả.

Ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội khẳng định nếu năm 2017, Bộ GD&ĐT đứng ra tổ chức một kỳ thi, ĐH Y Hà Nội sẽ vẫn lấy kết quả của Bộ. “Ra đề thi là khâu không đơn giản đối với các trường ĐH. Nhất là với những trường không có đầy đủ các môn khoa học cơ bản. Suốt hơn 10 năm qua, kể từ khi ba chung, Bộ GD&ĐT ra đề thi và không có bất cứ một sai sót nào đáng kể. Đây là một trong những điều đáng ghi nhận. Còn trước đó, để cho các trường tự tổ chức thi, năm nào cũng có chuyện, không trường này thì trường khác. Rồi luyện thi…” – ông Hinh chia sẻ.

Do đó, ông Hinh cho biết vẫn ủng hộ Bộ GD&ĐT tổ chức một kỳ thi tuyển sinh để các trường lấy kết quả. Cũng liên quan đến khâu thi, rất nhiều trường “sợ” khâu ra đề. Ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng đào tạo Học viện Ngân hàng cho rằng nếu các trường tự chủ tuyển sinh, Bộ GD&ĐT phải giúp các trường khâu ra đề.

Đồng quan điểm này, GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm UBVHGDTTN&NĐ của Quốc hội cho biết Bộ GD&ĐT cần xây dựng một ngân hàng đề đủ lớn. “Các trường ĐH có thể rút được từ ngân hàng đề này các câu hỏi để xây dựng thành đề thi hoàn chỉnh. Có như thế, mới không có tình trạng luyện thi hay học thêm. Trước kia, chúng ta đã từng có bộ đề. Nhưng vì số lượng đề ít, nên thí sinh, các thầy cô dễ dàng ôn luyện để học thuộc. Với số lượng câu hỏi lớn, ngân hàng đề thi được giữ bí mật, chỉ khi thi các trường mới được rút thì chắc chắn sẽ không lặp lại tình trạng ôn luyện như trước kia” – GS Đào Trọng Thi đề xuất.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng các trường ĐH đòi tự chủ nhưng khâu khó “nhằn” nhất vẫn đẩy về cho Bộ GD&ĐT. Nhưng một số trường ngoài công lập lại cho rằng Bộ GD&ĐT mở cho các trường tự chủ nhưng lại “bóp” chỗ khác. Muốn tự chủ tuyển sinh, phải làm đề án, Bộ duyệt mới được thực hiện.  Không những thế, chủ trương của Chính phủ và Bộ GD&ĐT là giảm tải, giảm đi lại, tiết kiệm cho thí sinh. Như vậy có nghĩa, nếu muốn tự tổ chức tuyển sinh, các trường phải di chuyển về địa phương để tổ chức. Đây là điều có lẽ rất ít trường muốn thực hiện. Chính vì vậy, nếu còn “nhờ được Bộ tổ chức thi” thì các trường công lập vẫn muốn “bám”.

PGS Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đánh giá kết quả giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng, việc tách cơ quan thực hiện khảo thí ra khỏi các đơn vị chủ quản đã được nhiều nước thực hiện. Xu hướng này nếu được thực hiện sẽ bảo đảm tính khách quan và độ tin cậy, độ giá trị của các kì thi. “Tuy nhiên, trong hiện tại Việt Nam chưa chuẩn bị đầy đủ các yếu tố cần thiết để thực hiện. Giáo dục là ngành rất nhạy cảm vì nó tác động trực tiếp đến mọi người dân, mọi gia đình. Thực hiện những đổi mới, nhất là trong thi tốt nghiệp là vấn đề lớn nên cần phải chuẩn bị thận trọng, tạo được sự đồng thuận và tin tưởng trong xã hội” – PGS Minh khẳng định.


Diem chuan dai hoc 2016


Theo Tiền phong, nguồn: http://www.tienphong.vn/giao-duc/nhieu-truong-chua-san-sang-tu-chu-tuyen-sinh-1043300.tpo