Những băn khoăn lớn nhất, nhiều câu hỏi nhất tập trung vào những điểm mới của kì thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ.

PGS-TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT, đã dành khoảng 20 phút đầu tiên của chương trình để thông tin lai một cách ngắn gọn nhất những điểm mới dự kiến sẽ áp dụng trong kì thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ năm nay.

Tư vấn tuyển sinh 2015: Giải đáp thắc mắc xét tuyển đại học

Một học sinh đặt câu hỏi với ban tư vấn - Ảnh: Doãn Hòa?

Thí sinh giảm căng thẳng, vất vả hơn do chỉ còn một kì thi duy nhất, và sẽ có nhiều cơ hội xét tuyển hơn. Đặc biệt việc thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn trượt do chọn ngành không phù hợp sẽ không còn vì thí sinh sẽ được đăng kí xét tuyển sau khi có kết quả thi - đây là những điểm được lãnh đạo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.

Thi trên máy tính có chấm điểm kỹ năng dùng máy tính?

Khi ĐHQG Hà Nội tiên phong thực hiện một kỳ thi tuyển sinh đổi mới toàn diện, chỉ dựa trên bài thi đánh giá năng lực duy nhất thực hiện trên máy tính, nhiều thí sinh băn khoăn về nội dung thi cũng như cách thức thi.

Một thí sinh đặt vấn đề: làm bài thi trên máy tính thì nhà trường có “chấm điểm” kỹ năng… sử dụng máy tính? TS Vũ Viết Bình - phó trưởng ban đào tạo ĐHQG Hà Nội trấn an thí sinh: Bài thi không chấm điểm về kỹ năng sử dụng máy tính của thí sinh.

Việc chấm thi được thực hiện hoàn toàn trên máy tính sẽ đảm bảo độ tin cậy, khách quan. Các em có thể yên tâm rằng với cấu trúc bài thi đánh giá năng lực, không thể có chuyện bạn nào đó quay cóp lại có điểm cao hơn mình. Tuy nhiên, dù không chấm điểm kỹ năng sử dụng máy tính, thí sinh có nguyện vọng thi vào ĐHQG Hà Nội nên làm bài thi thử trên mạng để quen với cách thức làm bài tuyển sinh vào trường” - ông Bình nói.

Điểm khác biệt lớn trong phương án tuyển sinh của ĐHQG Hà Nội không chỉ ở phương thức thi mà ngay cả trong cách xét tuyển. Một thí sinh ở TP Vinh đặt câu hỏi: “Nếu ở kỳ thi THPT quốc gia, dù có 4 nguyện vọng mỗi đợt xét tuyển, nhưng em chỉ được lựa chọn đăng ký vào một trường, còn ĐHQG Hà Nội thì sao? Với kết quả của một bài thi duy nhất thì 4 nguyện vọng đó chỉ được đăng ký một trường thành viên, khoa trực thuộc của ĐHQG Hà Nội hay hoàn toàn có thể đăng ký xét tuyển vào bốn trường ĐH khác nhau nằm trong ĐHQG Hà Nội?”.

Theo ông Bình, khi đã có kết quả thi, nếu điểm thi đạt trên mức điểm sàn xét tuyển vào các trường ĐH thành viên khác nhau của ĐHQG Hà Nội, thí sinh hoàn toàn có quyền đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều trường ĐH thành viên, khoa trực thuộc khác nhau.

Tôn giáo có hạn chế việc chọn ngành?

Ở Khu tư vấn khối ngành công an, quân đội, một học sinh giơ tay hỏi về những khó khăn có thể gặp phải nếu em theo tôn giáo mà lại muốn theo học trường công an, quân đội.

Trả lời câu hỏi của học sinh, trung tá Trần Văn Đồng - Phó trưởng Phòng xây dựng lực lượng, Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công An), nói: Theo học ở các trường công an, quân đội đòi hỏi các em phải sinh hoạt, làm việc theo một chế độ riêng - ví dụ như trong một ngày có 24 nội dung làm việc ngoài học tập, hay ăn uống theo quy định riêng. Đây là một khó khăn cho các em theo tôn giáo bởi có một số tôn giáo cấm không ăn một số thức ăn; hoặc khi theo học tại trường, các em sẽ không có không gian để sinh hoạt tín ngưỡng hoặc hành lễ.

Đồng tình với thầy Đồng, đại tá Vũ Xuân Toàn - Phó trưởng phòng đào tạo trường Sĩ quan lục quân 1  cho biết thêm: Các em sẽ gặp khó khăn trong quá trình sinh hoạt và làm việc tại các trường quân đội, công an nếu theo đạo, tuy nhiên các em vẫn được đăng ký dự thi bình đẳng như những thí sinh khác.

Ở khu tư vấn khối Kỹ thuật - công nghệ, em Hà Thanh Hằng - học sinh trường THPT Lê Viết Thuật đã nán lai sau cùng vì băn khoăn "Học kĩ thuật, nếu sau này phải làm việc trong khu kinh tế hay khu chế xuất thì liệu có thể buộc phải "phá giới" không?".

PGS-TS Lê Hiếu Giang - Phó hiệu trưởng trường ĐH sự phạm kỹ thuật TP.HCM, chia sẻ: "Điều quan trọng nhất là em ứng xử đúng mực, thái độ làm việc, trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ của em đáp ứng yêu cầu công việc thì chắc chắn em sẽ có vị trí công việc tốt. Còn những quy định của đạo mà em đang theo, em hoàn toàn có thể giữ mà không bắt buộc phải thay đổi".

“Nhiều thí sinh bằng điểm nhau: Ai trượt, ai đỗ?”

Đây là băn khoăn của không ít thí sinh tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại TP Vinh - Nghệ An sáng 10-1. Nhiều bạn thí sinh tỏ ra bất an khi gặp tình huống này với lo lắng phổ biến: có quá nhiều thí sinh bằng điểm nhau, trường sẽ xét tuyển thế nào khi chỉ tiêu đã được xác định ngay từ đầu?

PGS.TS Phạm Minh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, giải tỏa lo lắng này bằng câu trả lời khiến cả khu tư vấn rộ lên hưởng ứng: “Bất cứ trường ĐH nào cũng xét tuyển dựa trên điểm xuất. Khi nhiều thí sinh tổng hợp cả điểm thi, điểm ưu tiên bằng điểm nhau thì nếu mức điểm đó đủ đỗ thì tất cả cùng đỗ, mà nết trượt thì tất cả cùng trượt”.

Đề thi là bí mật quốc gia

Nhiều thí sinh khá “tò mò” về đề thi “hai trong một” vừa dùng xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa lấy kết quả xét tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ khác biệt gì so với trước đây. Một số thí sinh còn lo lắng không rõ những phần đã giảm tải có đột ngột xuất hiện trong đề thi hay không?

Đáp lại băn khoăn, PGS.TS Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT nhắn nhủ thí sinh yên tâm, không nên quá lo lắng vì đề thi sẽ có nội dung trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12.

Đề thi sẽ được xây dựng theo nguyên tắc chung như vậy, còn cụ thể thế nào không ai biết trước được. Đề thi là bí mật quốc gia nên thi xong mới có thể biết đề thế nào. Bản thân tôi cũng không biết trước đề thi, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng không biết trước đề thi”- ông Trinh lý giải.

Điểm cộng ưu tiên có bù được.... 3cm chiều cao?

Một học sinh nữ đợi đến phần hỏi đáp trực tiếp mới lên hỏi về tiêu chuẩn chiều cao đối với nữ của Học viện An ninh nhân dân. Sau khi được Trung tá Trần Văn Đồng - Phó trưởng phòng xây dựng lực lượng Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy cho biết không đủ tiêu chuẩn chiều cao, nữ sinh vẫn tỏ ra tha thiết với nguyện vọng này.

Suy nghĩ một lúc, nữ sinh này hỏi: "Nếu như bố em làm trong ngành công an và được cộng điểm thì em có thể dùng điểm đó để bù vào điểm chiều cao của mình không?". Dĩ nhiên câu trả lời của đại diện khối ngành công an tại khu tư vấn sẽ là "không" nhưng dường như em vẫn chưa từ bỏ mong ước được dự tuyển.

Nguồn tuổi trẻ, http://tuyensinh.tuoitre.vn/tin/20150110/nhieu-thi-sinh-bang-diem-nhau-ai-truot-ai-do/697254.html

Tư vấn tuyển sinh 2015, xét tuyển đại học