Tại buổi giao lưu trực tuyến, rất nhiều phụ huynh và thí sinh quan tâm đến cách sử dụng 4 phiếu kết quả thi. Giải đáp vấn đề này, PGS. TS. Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ÐT, cho biết:

Sau khi có kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, mỗi thí sinh sẽ nhận được 4 giấy chứng nhận kết quả thi. Với mỗi giấy chứng nhận kết quả, thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào 4 ngành/nhóm ngành khác nhau của một trường.

Một giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển sinh đợt 1. Trong thời gian 20 ngày của đợt xét tuyển này, thí sinh được phép rút hồ sơ đã đăng ký để đăng ký xét tuyển vào một trường đại học-cao đẳng khác. Cứ 3 ngày 1 lần, các trường phải công bố tình hình xét tuyển của trường sau khi đã cập nhật và sắp xếp danh sách thí sinh theo điểm từ cao xuống thấp, để thí sinh theo dõi và lựa chọn.

Như vậy trước khi kết thúc mỗi đợt xét tuyển, thí sinh có thể dự đoán xác suất đậu của mình và trong qui chế cũng cho phép trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác.

"Thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 sẽ không được tham gia xét tuyển các đợt tiếp theo. Ba giấy chứng nhận kết quả còn lại các em sử dụng để xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Trong mỗi đợt (từ đợt 2 trở đi), thí sinh có thể sử dụng cả ba giấy chứng nhận kết quả này. Điểm xét tuyển đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước", ông Trinh nói.

PGS.TS. Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ÐT cũng đưa ra lời khuyên: theo quy chế tuyển sinh đại học-cao đẳng hệ chính quy, thí sinh phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin này. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học do những sai sót khi khai chế độ ưu tiên dẫn đến việc thí sinh không đủ điểm trúng tuyển. Do vậy, khi đăng ký dự thi, thí sinh phải thật cẩn thận để tránh những sai sót đáng tiếc.

Đối với thí sinh tự do, thí sinh có thể lựa chọn cụm thi sao cho thuận lợi nhất với bản thân nhưng khi đăng kí dự thi ở đâu thì phải thi ở cụm thi đó.

Về trường hợp liệu thí sinh có thể vừa dùng học bạ xét tuyển vào trường tư và đồng thời dùng điểm kì thi quốc gia xét tuyển vào các trường công lập khác được không? Ông Nghĩa cho biết thí sinh có thể đồng thời thực hiện cả hai việc này.

Dự kiến kỳ thi năm nay sẽ được tổ chức trong 4 ngày, từ ngày 1 đến ngày 4-7-2015. Với một số môn năng khiếu, thí sinh thi vào trường nào nên trực tiếp theo dõi thông tin tại trường đó để biết thời gian, cách thức đăng ký hồ sơ dự thi vào trường và thời gian thi cụ thể.

Về mức điểm chấm chi tiết và cách làm tròn khi tổ hợp 3 môn, theo ông Nghĩa, để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường xét tuyển thì mức chấm chi tiết của từng môn thi là 0,25 điểm; điểm thi của từng môn không làm tròn và tổng điểm thi của các tổ hợp môn thi cũng không làm tròn.

Với những thí sinh quan tâm đến trường Đại học Quốc gia Hà Nội, một trường thực hiện tuyển sinh theo đề án riêng, thí sinh có thể tham khảo đề thi mẫu được công bố trên trang web riêng của trường. Theo TS. Vũ Viết Bình - Phó trưởng ban đào tạo ÐHQG Hà Nội, trong tuần đầu của tháng 3-2015, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ công bố văn bản về công tác tuyển sinh, qua đó thí sinh sẽ có được những thông tin mình cần liên quan đến vấn đề tuyển sinh của trường.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, tin gốc: http://www.thesaigontimes.vn/127010/nhieu-thac-mac-xung-quanh-viec-tuyen-sinh-dai-hoc-2015.html/

Kỳ thi THPT quốc gia, thông tin tuyển sinh 2015, quy chế tuyển sinh