Nhiều cơ sở ĐH có sự gắn kết tốt với thị trường, với doanh nghiệp GD&TĐ - Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận khi báo cáo về việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật giáo dục đại học và vấn đề việc làm cho sinh viên tốt nghiệp tại phiên giải trình của Chính phủ hôm nay (24/4). 


Nhiều cơ sở ĐH có sự gắn kết tốt với thị trường, với doanh nghiệp - Ảnh 1
Các đại biểu lắng nghe báo cáo của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận 

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trình bày báo cáo của Chính phủ và đại diện thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã báo cáo kết quả giám sát về các vấn đề này.

Với tinh thần thẳng thắn, cởi mở và xây dựng, đã có 13 lượt đại biểu Quốc hội nêu 25 câu hỏi chất vấn hoặc nội dung trao đổi xoay quanh các vấn đề nói trên.

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và lãnh đạo các bộ ngành đã trả lời thẳng vào các vấn đề đại biểu đặt câu hỏi với tinh thần cầu thị, góp phần làm rõ những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Gắn nhà trường với doanh nghiệp, gắn lý thuyết với thực tiễn

Chúng ta đang chuyển từ phân phối sử dụng lao động đào tạo theo kế hoạch của thời kì trước sang cơ chế đào tạo và phân phối sử dụng lao động theo cơ chế thị trường. Điều này cũng cần có một thời gian nhất định để chuyển đổi

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Trên tinh thần của Luật GDĐH và chỉ đạo của Trung ương, Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo tăng cường tính tự chủ tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GD ĐH, hướng đến nâng cao chất lượng, bỏ chương trình khung, giao quyền chủ động linh hoạt cho các hiệu trưởng, cho các nhà trường; chỉ đạo việc nâng cao chất lượng đào tạo bằng cách quy định tỉ lệ giáo viên cơ hữu, định mức diện tích sàn xây dựng trên sinh viên, khắc phục tình trạng không có trường mà vẫn dạy, vẫn đào tạo.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường gắn liền với thị trường lao động, với các doanh nghiệp. Qua các cơ chế chính sách hỗ trợ của Bộ, các nhà trường đã đạt được những kết quả tốt. Đã có nhiều cơ sở ĐH có sự gắn kết tốt với thị trường, với doanh nghiệp.

Ví dụ, ĐH Lạc Hồng có hợp tác với trên 700 doanh nghiệp, tỉ lệ SV có việc làm đạt 96,8%. ĐH Tôn Đức Thắng có tỉ lệ việc làm qua các năm đạt từ 90-96%; ĐH Công nghệ TPHCM, Đại học Sư phạm TPHCM...

Bộ trưởng chia sẻ: Để làm được điều đó các trường đã thay đổi chương trình trên cơ sở cho phép của Bộ GD&ĐT như bỏ chương trình khung, giao quyền tự chủ cho các nhà trường...; mời các doanh nghiệp sử dụng lao động  tham gia vào các hội đồng xây dựng thẩm định chương trình đào tạo, trên cơ sở đó cắt bỏ được những khối lượng kiến thức không cần thiết, lạc hậu, không cập nhập để bổ sung những nội dung chương trình cần thiết.

Các trường trên còn tổ chức gắn kết, đưa sinh viên đến thực tập tại các doanh nghiệp. Trên cơ sở nhận lao động thấy hiệu quả thì các doanh nghiệp quay trở lại hỗ trợ cho nhà trường.

Như Trường Đại học Công nghiệp đã thu hút được những phòng thí nghiệm của Nhật Bản, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư máy móc hiện đại và họ xuất khẩu được lao động sang Nhật. Đại học Công nghệ TPHCM cũng đã làm được như thế.

"Tuy đây chưa phải là số lượng lớn nhưng đã le lói phát triển, đó là sự cố gắng chung của nhà trường, trong đó có sự tác động của các chính sách, quyết định chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và các bộ ngành khác trên tinh thần của Nghị quyết 29.

Chúng ta đang chuyển từ phân phối sử dụng lao động đào tạo theo kế hoạch của thời kì trước sang cơ chế đào tạo và phân phối sử dụng lao động theo cơ chế thị trường. Điều này cũng cần có một thời gian nhất định để chuyển đổi - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.


Nhiều cơ sở ĐH có sự gắn kết tốt với thị trường, với doanh nghiệp - Ảnh 2
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại phiên giải trình

Chú trọng quy hoạch nguồn nhân lực

Trên cơ sở quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã dừng tiếp nhận hồ sơ nâng cấp, thành lập mới các trường cao đẳng, đại học từ năm 2014 đến 2015; dừng mở ngành đào tạo kinh tế, kế toán, tài chính ngân hàng ở khu vực Hà Nội và TPHCM; mở thêm một số ngành mới như an ninh mạng, năng lượng nguyên tử, thương mại điện tử…

Tuy không phải là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về việc làm và giải quyết việc làm nhưng Bộ GD&ĐT là cơ quan phối hợp trong vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên, có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra công tác tư vấn nghề nghiệp, dịch vụ việc làm cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục đào tạo.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong những năm gần đây, quy mô đào tạo đại học cao đẳng ổn định và có giảm nhẹ.

Giai đoạn 2011 - 2014, chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của các trường ĐH, CĐ đã giảm bình quân 2,5%/năm, hệ vừa học vừa làm giảm bình quân 18%/năm. Tổng số người tốt nghiệp có trình độ ĐH, CĐ năm 2011 là 318.400 người; năm 2012 là 402.300 người; năm 2013 là 425.200 người.

Trong giai đoạn 2011 - 2014, số lao động trình độ ĐH, CĐ có việc làm tăng lên qua các năm, so sánh năm 2014 với năm 2010, tỷ lệ lao động trình độ ĐH, CĐ có việc làm tăng 38%.

Tuy nhiên, số lao động trình độ ĐH, CĐ trong độ tuổi lao động thất nghiệp trong thời gian qua tăng cao hơn so với số tốt nghiệp và số có việc làm; số lao động trình độ ĐH, CĐ thất nghiệp năm 2014 so với 2010 tăng 103%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có các nguyên nhân như: Điều kiện đảm bảo chất lượng của một số cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo; một số trường đại học có đội ngũ giảng viên thiếu về số lượng, chưa đảm bảo về chất lượng, không tương xứng với quy mô đào tạo, điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, trang thiết bị lạc hậu, uy tín và chất lượng đào tạo thấp, khả năng cạnh tranh thấp nên sinh viên khó tìm kiếm việc làm.

Nhiều cơ sở GDĐH chưa chủ động đầu tư, tổ chức nghiên cứu nhu cầu nhân lực của thị trường lao động để đào tạo những ngành, theo tiêu chuẩn mà xã hội cần; chủ yếu đào tạo trên cơ sở khả năng của trường; trách nhiệm đối với người học, đối với xã hội chưa cao.

Chương trình đào tạo chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế, khoa học – công nghệ; nội dung đào tạo nặng về truyền thụ lý thuyết một chiều, nhẹ về thực hành, chưa chú trọng rèn luyện các kỹ năng mềm (làm việc nhóm, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao trình độ ngoại ngữ và hoạt động xã hội) cho người học…

Trên cơ sở quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã dừng tiếp nhận hồ sơ nâng cấp, thành lập mới các trường cao đẳng, đại học từ năm 2014 đến 2015; dừng mở ngành đào tạo kinh tế, kế toán, tài chính ngân hàng ở khu vực Hà Nội và TPHCM; mở thêm một số ngành mới như an ninh mạng, năng lượng nguyên tử, thương mại điện tử…

Đồng thời thành lập Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực để điều tra, phân tích và dự báo nhu cầu nhân lực.

Nhiều cơ sở ĐH có sự gắn kết tốt với thị trường, với doanh nghiệp - Ảnh 3
Các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn

Khẩn trương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Theo chương trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chi tiết thi hành luật GDĐH, Chính phủ sẽ ban hành 15 văn bản trong đó có 6 nghị định của Chính phủ, 3 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 6 văn bản cấp Bộ, trong đó có 5 thông tư và 1 thông tư liên tịch.

Cho đến ngày 20/4/2015, đã ban hành 10 văn bản, trong đó có 4 nghị định của Chính phủ, 2 quyết định của Thủ tướng và 4 thông tư của Bộ GD&ĐT.

Các văn bản được ban hành đều đảm bảo hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo tính đồng bộ với các hệ thống văn bản pháp luật khác, được trình bày theo quy định. 

Quá trình soạn thảo văn bản, các cơ quan soạn thảo đã lấy ý kiến rộng rãi đến các đối tượng thi hành, các chuyên gia, các nhà khoa học. Nội dung văn bản phù hợp để thực thi. Nhiều văn bản vừa ban hành đã tạo hành lang pháp lý cho tổ chức hoạt động của GDĐH và làm cơ sở pháp lý để ban hành các văn bản khác.

Bộ GD&ĐT đã rất quan tâm chỉ đạo phân công các đơn vị có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ soạn thảo ban hành hướng dẫn chi tiết luật GDĐH. Việc soạn thảo ban hành các văn bản pháp luật luôn được ưu tiên hàng đầu trong chương trình kế hoạch công tác hàng năm của Chính phủ và các Bộ, trong đó có Bộ GD&ĐT. Việc rà soát được làm thường xuyên trong các cuộc họp chuyên đề, định kì, giao ban.

Bộ GD&ĐT cũng có kế hoạch tuyên truyền phổ biến luật và chiến lược phát triển giáo dục cùng với tuyên truyền về Nghị quyết 29 và chương trình hành động của Chính phủ đến đông đảo các tầng lớp trong xã hội.

Tuy nhiên có nhiều vấn đề mới trong nội dung dự thảo của các quy định giáo dục nghề nghiệp mới được Quốc hội thông qua có điều chỉnh một số điều của luật GDĐH nên một số văn bản bị chậm tiến độ.

Nguyên nhân ban hành các văn bản còn chậm do nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan và Bộ GD&ĐT sẽ cố gắng khắc phục trong thời gian sớm nhất - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.

Kênh tuyển sinh (Theo Giaoducthoidai.vn)