>>  Giáo dục, trường quốc tế, đại học quốc tế, cao đẳng quốc tế

Liên kết đào tạo quốc tế: Vàng thau lẫn lộn

Góp phần mang lại làn gió mới cho nền giáo dục nước nhà, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có vai trò quản lý của Bộ GD-ĐT chưa sát sao nên đã dẫn đến tình trạng "vàng thau lẫn lộn" giữa các chương trình LKĐT khiến cho người học chịu nhiều thiệt hại.

Dễ như... đào tạo liên kết

Là một trường ngoài công lập cũng khá nổi tiếng tại TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh (Hutech) đã và đang đào tạo chương trình liên kết với ĐH Mở Malaysia một trường được chính Phòng Giáo dục Ma-lai-xi-a (MEPC - 207B Hoàng Văn Thụ, phường 8, quận Phú Nhuận) đánh giá là "có chất lượng không cao" tại nước này. Điều đáng nói, vấn đề giảng dạy của chương trình này theo đánh giá của học viên là rất kém. T, một học viên đã từng theo học chương trình liên kết này cho biết: "Học viên của chương trình hầu hết không biết tiếng Anh. Sau khi kết thúc môn học thì học viên làm bài luận cuối môn bằng tiếng Việt và dịch sang tiếng Anh (có môn không dịch). Học hết các môn (khoảng 12 môn) thì không cần làm luận văn cũng như không bảo vệ luận văn. Chính vì dễ dàng như thế nên khóa tôi học ai cũng có bằng".

Chương trình liên kết đào tạo của ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh (Hutech) được đánh giá "có chất lượng không cao".

Chương trình liên kết đào tạo của ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh (Hutech) được đánh giá "có chất lượng không cao".

Cũng có cách đào tạo tương tự là chương trình liên kết của ĐH Trà Vinh và ĐH Southern Leyte University of Sogod (Philippin). Đây là chương trình được ví là "bốn không" gồm: học viên không biết tiếng Anh; bài tập cuối khóa không quan trọng, chỉ nộp cho có; giảng viên dạy bằng tiếng Việt và học viên làm bài luận cuối môn bằng tiếng Việt (sau đó có thể dịch sang tiếng Anh). Nhận xét về chương trình này, phó hiệu trưởng một trường ĐH công lập tại TP Hồ Chí Minh thẳng thắn: "Nhiều cán bộ, giáo viên trường tôi muốn học lên cao nhằm mục đích phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy chương trình của ĐH Southern Leyte University of Sogod (Phi-li-pin) nhưng tôi khuyên, học chương trình đó về trường cũng chẳng được công nhận. Thà rằng ráng ôn tập thêm để theo một chương trình khác trong nước thì tốt hơn".

Cũng theo ông này: "Nhiều người có bằng của trường trên muốn xin về trường công tác hoặc thỉnh giảng nhưng khi nộp hồ sơ thì đã bị loại ở "vòng gửi xe". Nói thật, chỉ những trường ĐH, CĐ ngoài công lập đang thiếu giảng viên phải tuyển cho đủ cơ số thì mới nhận thôi".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đã có hàng chục giảng viên và cán bộ quản lý nhiều trường ĐH, CĐ tại TP Hồ Chí Minh như CĐ Công thương TP Hồ Chí Minh, ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Phú Lâm,... lựa chọn chương trình này. Nguyên do là việc học chương trình liên kết của ĐH Trà Vinh và ĐH Southern Leyte University of Sogod (Phi-li-pin) khá dễ dàng, song, cũng chính vì vậy nên hiện đã có rất nhiều người lâm vào cảnh "dở khóc dở cười" khi đi xin việc, thậm chí là quay lại cơ quan cũ công tác. Anh N.V.H (quận 6) cho biết: "Tôi muốn xin đi làm giảng viên nên quyết định học thạc sĩ. Nghe bạn bè kháo nhau chương trình này khá dễ học nên tôi quyết định theo học. Cuối cùng thì...". Theo anh H.: "Tốn gần 200 triệu, học xong chương trình mà ra trường chẳng xin được việc. Trường nào nghe đến bằng cấp này hình như đều rất... dị ứng".

Những chương trình "chui"

Ngoài các chương trình liên kết kém chất lượng, hiện nay có nhiều hình thức liên kết chui đang "núp bóng" dưới dạng học bổng, tư vấn du học. Chẳng hạn, Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển doanh nghiệp (BDM) tổ chức đào tạo các chương trình "chui" tại địa chỉ 123 Trương Định, quận 3. Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã thanh tra và xử phạt hành chính trung tâm này. Tuy nhiên, ngay sau đó, BDM lại chuyển sang trụ sở mới ở 60 Lê Quốc Hưng, quận 4 để tiếp tục tuyển sinh "chui" và đào tạo. Mới đây nhất, trung tâm này lại chuyển về số 10 Phổ Quang, quận Tân Bình để tổ chức đào tạo khóa mới 2013. Để "lách" sự kiểm tra của cơ quan chức năng, BDM đã lấy nguyên website gốc của Trường UBIS (Thụy Sĩ) với hình thức du học chính quy và đưa số điện thoại của trung tâm này vào để đánh lừa học viên với hình thức du học.

Tất nhiên, trường hợp BDM chỉ là một thí dụ. Do công tác thanh tra, kiểm tra còn lỏng lẻo, bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng chưa có những quy định chuẩn về chương trình liên kết đào tạo, dẫn tới nhiều cơ sở vì lợi nhuận đã tìm cách lách luật.

"Hiện nay, có trường hợp nhiều trung tâm hoặc cơ sở nào đó (không phải là đại học) có thể "lách luật" bằng cách tổ chức các khóa "bồi dưỡng" một số chuyên đề chia theo các module. Những chuyên đề này có thể thuộc kiến thức giáo dục đại học, sau đại học và nếu xé lẻ thành từng module thì không thể gọi là chương trình đào tạo đại học, sau đại học được. Trớ trêu thay, ở nhiều trường đại học nước ngoài, người học cứ tích lũy đủ các module (được tính theo số tín chỉ - credit) của chương trình đại học hoặc thạc sĩ thì sẽ được công nhận. Thế nên cũng có nhiều người vì mục đích học tập nâng cao trình độ thật sự mới muốn học theo các chương trình này thôi. Tôi có biết nhiều người học tại các chương trình này, họ là các giám đốc, chủ doanh nghiệp, họ đâu có cần cái bằng để lên chức hay để hợp thức hóa cho hồ sơ cá nhân. Cái tôi thấy họ cần chính là tri thức và khả năng ứng dụng ở các chương trình mà họ theo học, họ cũng đâu có cần Bộ GD-ĐT công nhận" - Hiệu phó một trường ĐH ngoài công lập tại TP Hồ Chí Minh, thẳng thắn.

Một chương trình đào tạo đến bậc tiến sĩ được triển khai khá rầm rộ hiện nay là chương trình của Trường ĐH Apollos bang Oklahoma (Mỹ) cũng quảng cáo là không bắt buộc học viên phải... giỏi tiếng Anh. Được biết, đây là chương trình do TS Nguyễn Hữu Hoạt, một Việt kiều đồng thời cũng là một trưởng khoa của Trường ĐH Apollos mang về Việt Nam. Chương trình này chưa được Bộ GD-ĐT cấp phép song đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo, nên người học vẫn đang trong tình trạng "học chui" ở nhiều địa điểm thuộc quận Phú Nhuận.

Tuy nhiên, việc xử lý những hình thức tuyển sinh như thế này không hề dễ dàng. Một cán bộ thanh tra của Bộ GD-ĐT thừa nhận: "Những trường hợp đào tạo "chui" như thế thì phải bắt tận tay mới có cơ sở phạt. Ngược lại thì rất khó vì họ sẽ chối không phải đào tạo chui tại Việt Nam mà là chương trình du học". Về vấn đề này, ông Đỗ Quốc Anh, Vụ trưởng, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP Hồ Chí Minh cho biết: "Bất cứ chương trình liên kết với nước ngoài nào nằm ngoài danh sách được Cục Đào tạo với nước ngoài cấp phép đều là trái phép. Để có thông tin về chương trình, người học nên thường xuyên tham khảo danh sách này để nắm thông tin tránh tình trạng học phải chương trình chui".

Theo Thông tư 15/2003/TT-BGD&ĐT, điều kiện trong liên kết đào tạo yêu cầu học viên cao học phải được học tại cơ sở trường ĐH liên kết ở nước ngoài ít nhất sáu tháng cuối khóa học hoặc các khóa ngắn hạn và phải bảo vệ luận văn bằng tiếng nước ngoài.

Theo tác giả Quốc Hải, Báo Nhân Dân, link gốc: http://www.nhandan.org.vn/cuoituan/chuyen-de/item/21938002-vang-thau-lan-lon.html