Sách giáo khoa là học liệu quan trọng nhất trong hoạt động dạy và học, từng được coi là "khuôn vàng thước ngọc" đối với thầy cô và học sinh. Bởi vậy trong Luật Giáo dục đã quy định "sách giáo khoa là tài liệu quan trọng, mang tính pháp lý trong dạy và học".

Trên thế giới các nhà giáo dục cũng đánh giá vai trò quan trọng của sách giáo khoa. Như các học giả D.D Zuep, X.G.Sapôvalencô, N.A.Iôskareva... đều cho rằng trong hệ thống phương tiện dạy học mỗi bộ môn thì sách giáo khoa là phương tiện dạy học quan trọng nhất, vì nó đóng vai trò chủ yếu trong dạy học, có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với các phương tiện dạy học khác, đặc biệt nó chi phối nội dung và chế tạo các phương tiện dạy học này. Đồng thời sách giáo khoa có vai trò to lớn trong việc rèn luyện các kỹ năng và hình thành năng lực học tập cho học sinh.

Nhiều bộ sách giáo khoa quá lạc hậu

Các nghiên cứu thực nghiệm cũng chỉ ra vai trò của sách giáo khoa. Ở các nước kém phát triển như Uganda năm 1980 Heyneman và Jamison đã nghiên cứu tại hơn 60 trường học, kết quả cho thấy với trường có sách giáo khoa kết quả học tập của học sinh tốt hơn nhiều so với trường chỉ sử dụng bài giảng của giáo viên. Còn tại các nước đang phát triển như Philippines năm 1983 khi thống kê ở 50 trường học Heyneman và Jamison nhận định ở trường học sinh được giáo viên hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa tích cực hơn thì kết quả học tập tốt hơn.

Ở các nước phát triển như Australia năm 2012 nhà nghiên cứu Sharita Bharuthram đưa ra nhận định đối với học sinh có thói quen sử dụng sách giáo khoa ở cấp THPT thì lên bậc đại học, kỹ năng đọc hiểu tốt hơn, kết quả học tập tốt hơn so với các em còn lại.

Như vậy từ lý luận đến thực tiễn ở mọi trình độ phát triển của xã hội đều đưa đến kết luận sách giáo khoa là học liệu không thể thiếu và quan trọng nhất đối với hoạt động dạy và học.

Chất lượng sách giáo khoa hiện nay ở Việt Nam

Được sự quan tâm và đầu tư của nhà nước, trong 15 năm trở lại đây sách giáo khoa của chúng ta đã thay đổi toàn diện về nội dung và hình thức. Nhưng trải qua thời gian với sự phát triển của đất nước và thế giới, đặc biệt là những thay đổi trong hình thức thi cử của chúng ta thì sách giáo khoa xuất hiện nhiều nội dung bất cập và lạc hậu, gây khó khăn cho thầy cô và học sinh.

Thứ nhất, trong chương trình sách giáo khoa THPT ở nhiều bộ môn, chúng ta có 2 chương trình sách giáo khoa cơ bản và nâng cao. Nội dung sách giáo khoa cơ bản ngắn gọn, kiến thức nhẹ hơn nhiều so với sách nâng cao. Chúng ta sử dụng cả hai loại sách nhưng trong đề thi lại cho thí sinh tự lựa chọn chương trình thi, kết quả là có tới gần 90% thí sinh chọn chương trình cơ bản và bây giờ nội dung đề thi hoàn toàn chỉ nằm trong chương trình sách cơ bản.

Sự bất cập này dẫn đến việc dù nhà trường chọn và khối lớp đăng ký học sách giáo khoa nâng cao, nhưng lại có xu hướng học và ôn theo sách giáo khoa cơ bản vì tâm lý người dạy và học đều cho rằng "học mà, có thi đâu thì học làm gì". Vì thế có thể nói chương trình sách giáo khoa nâng cao bị thất bại và lãng phí nguồn lực, tài chính trong giáo dục.

Thứ hai là sự lạc hậu trong nội dung chương trình. Dù theo kế hoạch sách giáo khoa được bổ sung chỉnh sửa định kỳ, nhưng ở rất nhiều bộ môn nội dung sách giáo khoa bị lạc hậu quá sâu, có nội dung lạc hậu tới hơn 10 năm như ở môn Sinh học, Địa lý, Kỹ thuật, Tin học... Xin đưa ra dẫn chứng mà các thầy cô và học sinh gần đây đã phản ánh.

Môn Địa lý sách giáo khoa lớp 12 ghi thu nhập trung bình của Việt Nam là 500 USD/người/năm, thuộc nhóm nước có thu nhập thấp nhưng hiện nay đã là 2.000 USD/người/năm và đã thuộc nhóm nước có nền kinh tế đang phát triển ở mức trung bình. Hay như về dân số năm 2015-2016 Việt Nam đã đạt 91 triệu người và hiện chúng ta có khoảng 4 triệu người Việt sinh sống ở nước ngoài, vậy mà theo sách giáo khoa học sinh vẫn phải học các con số của năm 2006 là dân số trên 84 triệu và số người sinh sống ở nước ngoài là 3,2 triệu.

Khi nói về cơ cấu dân số, sách giáo khoa viết “dân số còn tăng nhanh, cơ cấu dân số trẻ”, trong khi Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình lại khẳng định Việt Nam đã kết thúc thời kỳ “cơ cấu dân số trẻ” và đang ở 1/3 của giai đoạn “cơ cấu dân số vàng".

Sách Địa lý lớp 11, dù là năm 2016 nhưng khi nói về kinh tế các nước lớn của thế giới thì vẫn chỉ đề cặp đến năm 2004 với thứ tự là Mỹ, Nhật Bản, Đức… trong khi đó nhiều năm qua thứ hạng này đã liên tục thay đổi, Trung Quốc đã vượt mặt nhiều quốc gia khác để leo lên vị trí thứ hai.

Từ bất cập này ta đặt giả thiết nếu các em đem kiến thức sách giáo khoa để tham khảo du học, xuất ngoại thì sao? Hay như nếu đề thi hỏi câu hỏi này thì đáp án theo sách giáo khoa hay thực tế hiện tại mới được coi là đúng...

Trong môn Sinh học, nhiều thầy cô bộ môn góp ý sách giáo khoa lớp 12 bài về gen, mã di truyền, quá trình nhân đôi AND cần bổ sung thông tin mới như gen trong ti thể, gen trong một số sinh vật khác. Bài về nhân đôi AND, sách giáo khoa nói ít về tổng hợp AND nhân tạo. Bài về di truyền người, sách nêu rất ít về bệnh phân tử, chưa có thuốc trị ung thư, nhưng thực tế hiện nay đã có một số thuốc đặc trị ung thư và một số phương pháp mới đang được nghiên cứu để điều trị bệnh này…

Môn Vật lý có nhiều ứng dụng thực tế và công nghệ. Sách giáo khoa cần đề cập nhiều hơn đến các ứng dụng thực tiễn, hình ảnh mô tả nhiều hơn và sinh động hấp dẫn hơn. Những nội dung không còn ứng dụng vì bị thay thế bởi các ứng dụng tiên tiến hơn nên mạnh dạn giảm tải cắt bớt. Một số nội dung liên quan đến kiến thức môn toán cần bố trí chương trình 2 môn cho hợp lý. Chẳng hạn trong phần sóng âm có đề cập đến lôgarit trong khi toán chưa học đến. Hay như ở chương trình nâng cao đưa bài "Sóng dừng" trước bài "Giao thoa sóng". Điều này gây khó khăn khi dạy bài sóng dừng vì thực chất sóng dừng cũng là một trường hợp giao thoa sóng.

Cũng ở chương trình nâng cao đưa chương 4 về dao động và sóng điện từ trước chương 5 về dòng điện xoay chiều, điều này gây khó khăn khi dạy chương 4 vì có một số khái niệm học sinh chưa được biết, thực chất mạch LC cũng là mạch điện xoay chiều...

Môn Công nghệ vốn có tính thực tiễn hóa các môn khoa học như Vật lý, Hóa học, Sinh học... nhưng theo nhiều giáo viên giảng dạy thì đó lại là môn học lạc hậu nhất và ít được quan tâm nhất. Đa số giáo viên giảng dạy là kiêm nhiệm, nhiều bài giảng còn nặng lý thuyết toán lý, dữ kiện và số liệu quá cũ...

Ví dụ chương trình môn công nghệ lớp 12, ở bài máy thu hình, sách giáo khoa ghi khái niệm về máy thu hình là thiết bị nhận và tái tạo âm thanh, hình ảnh của đài truyền hình. Âm thanh và hình ảnh được xử lý độc lập trong máy thu hình. Tiếp sau đó, sách giáo khoa có hình mô phỏng nhưng vẫn còn sử dụng khái niệm ăng-ten. Ăng-ten là thiết bị thu sóng nhưng hiện nay rất ít gia đình còn sử dụng, hầu hết đã chuyển sang đầu thu và các thiết bị kỹ thuật số. Chưa kể, sắp tới người dân sẽ chuyển hoàn toàn sang việc sử dụng đầu thu, không còn ăng-ten nữa. Vậy học sinh học về ăng-ten thì cũng như không, trong khi đó đầu thu lại không biết sử dụng...

Một vấn đề nữa là tên gọi, sách giáo khoa nên quốc tế hóa thay vì phiên âm. Ví dụ Oa sinh tơn nên ghi Washington; Nữu ước (có sách còn ghi là Niu- Óoc) nên ghi New York… Cần ghi đúng nguyên bản tiếng nước ngoài, nếu cần ghi phiên âm thì mở ngoặc bên chữ ngoại ngữ.

Những vấn đề bất cập trên của sách giáo khoa ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục, hoạt động dạy và học của thầy cô và học sinh, trong đó có vấn đề thi cử và vận dụng thực tế. Vì theo quy định của Bộ Giáo dục, các giáo viên phải lấy sách giáo khoa làm pháp lệnh, đề thi phải bám sát sách giáo khoa.

Đổi mới sách giáo khoa phải là việc làm đầu tiên và cấp thiết nhất

Để đưa đất nước ta trở thành một quốc gia công nghiệp thì trước tiên phải bắt đầu từ đổi mới giáo dục mà trong đó đổi mới sách giáo khoa phải được coi là việc đầu tiên. Vì như đã phân tích sách giáo khoa là kim chỉ nam cho hoạt động dạy học, là nội dung kiến thức chủ yếu mà người học lĩnh hội, là căn cứ để thi tuyển đánh giá kết quả học tập của học sinh và quan trọng nhất sách giáo khoa còn thể hiện trình độ giáo dục quốc dân mà một quốc gia lĩnh hội kế thừa tri thức nhân loại.

Để minh chứng cho bài viết này xin lấy dẫn chứng tại hai quốc gia gần gũi với chúng ta là Nhật Bản và Hàn Quốc. Đất nước Nhật Bản trong cuộc cách mạng Minh Trị từ năm 1866 đến 1869, Nhật Hoàng đã dũng cảm từ bỏ chương trình giáo khoa Kinh Sử truyền thống để đưa chương trình giáo khoa hiện đại của Mỹ và phương Tây vào giảng dạy, kết quả đến cuối thế kỷ 19 Nhật Bản đã trở thành quốc gia hùng cường tới tận hôm nay.

Còn tại Hàn Quốc có một khẩu hiệu "Giáo dục là để thay đổi số phận bản thân và vận mệnh tổ quốc" và một trong việc làm của người Hàn Quốc là đổi mới sách giáo khoa của họ theo chương trình sách giáo khoa nước Nhật. Kết quả đến cuối thập niên 80 họ đã làm lên "Kỳ tích Sông Hàn", đưa đất nước Hàn Quốc trở thành nhóm các nước phát triển thế giới.

Thay đổi, cập nhật sách giáo khoa là nhu cầu bức thiết trong đổi mới giáo dục. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Bộ Giáo dục cũng nên yêu cầu khắt khe hơn về đội ngũ biên soạn và nội dung. Đặc biệt cần tránh xảy ra tình trạng lãng phí về ngân sách và nguồn lực trong khi đất nước ta còn nhiều khó khăn về tài chính.

Theo Vnexpress, nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/nhieu-bo-sach-giao-khoa-qua-lac-hau-3378624.html