Hà Nội: Đề không đánh đố

Theo các thí sinh, đề Sử năm nay bám sát nội dung chương trình trong sách giáo khoa, riêng đề mở không đánh đố thí sinh quá. Thí sinh Trương Diệu Linh tại điểm thi Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội nói bạn làm được khoảng 6 điểm.

Em Nguyễn Thu Thủy, thí sinh tại cụm ĐH Thuỷ lợi Hà Nội "hào hứng với câu hỏi tuổi trẻ cần làm gì cho đất nước": "Đó là câu dễ viết, gỡ điểm cho bài thi. Nhưng em cũng thích vì câu hỏi gần gũi với chúng em và có thể liên hệ được với các vấn đề chúng em quan tâm gần đây.

Tại điểm trường ĐH Thủy Lợi, các thí sinh đầu tiên bước ra cổng trường với nụ cười tươi và gương mặt rạng rỡ. Theo các thí sinh, đề thi năm nay không đòi hỏi quá nhiều mốc thời gian lịch sử nên khá... dễ thở.

Thí sinh Tạ Quang Thiết, thí sinh ra phòng thi đầu tiên, cho biết đề có tất cả 4 câu, khó nhất ở câu 1 và 2 đòi hỏi một phần kiến thức ở lớp 11. Nhưng Thiết tự tin bản thân làm được 75% và thoải mái nộp hồ sơ thi vào các trường đại học mình mong muốn.

Thí sinh Lê Thị Nga, quê ở Thanh Oai cho hay đề không đòi hỏi nhiều mốc lịch sử nên thí sinh dễ đạt điểm 7. “Em lựa chọn môn lịch sử để lựa chọn tổ hợp một môn thi môn sử, dù không nắm chắc lịch sử nhưng với đề này em nghĩ mình làm tốt. Với nhiều thí sinh, sử đòi hỏi nhiều kiến thức nên các bạn không chọn, với lại khung chương trình không phù hợp nên Bộ GD-ĐT cần thay đổi cho phù hợp”, Nga tâm sự.

Còn thí sinh Hoàng Văn Công (quê Thanh Oai) cũng tự tin mình đạt 70%. Em lựa chọn môn thi này để tốt nghiệp, lựa chọn vào thi Học viện cảnh sát. Với em Sử không hề khó, theo ý hiểu của mình có thể làm được, không phải tính toán nhiều như các môn học tự nhiên.

Bình Dương: Nhăn nhó với đề thi Sử

So với các địa phương khác trên cả nước, số lượng thí sinh đăng ký môn Sử tại Bình Dương khá đông (hơn 1.400 thí sinh). Hết 2/3 thời gian thi, một số thí sinh đã bắt đầu rời khỏi phòng thi với tâm trạng không thoải mái.

Thí sinh Nguyễn Lý Hùng, người đầu tiên ra khỏi phòng thi cho rằng đề thi Sử hơi khó, có thể với các bạn thí sinh THPT thì có thể làm được nhưng với những thí sinh tự do thì hơi quá sức. Một thí sinh khác cho rằng, đề thi năm nay hơi dài, chỉ làm được khoảng 60% của đề.

Về lý do chọn môn Sử để thi, đa số thí sinh đều nói rằng do đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ khối C nên mới thi môn này. Nếu chỉ để để thi tốt nghiệp thì sẽ không chọn.

Tại Đắk Lắk:

Sáng ngày 4/7, hơn 4.800 thí sinh tại Đắk Lắk bước vào môn thi Lịch sử. Theo ghi nhận của PV tại một số điểm thi, khi trống mới báo hiệu hết 2/3 giờ làm bài đã có khá đông thí sinh về sớm, đa số các thí sinh than đề khó nhưng khá hào hứng với câu hỏi trong đề thi môn Lịch sử năm nay.

Ghi nhận của PV, tại điểm thi trường THPT Buôn Ma Thuột (TP. Buôn Ma Thuột) các thí sinh đa số đều thích thú với câu hỏi về tính đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, các thí sinh cũng cho rằng đề thi năm nay tương đối khó và không dễ để lấy điểm cao.

Thí sinh Nguyễn Duy Nam – trường Văn hóa 3, cho biết: trong 4 câu hỏi của đề thi, 3 câu tương đối khó, riêng câu hỏi về tính Đoàn kết dân tộc là câu em làm được nhất. “Câu hỏi về tính đoàn kết dân tộc là một câu hỏi mở và mỗi học sinh chúng em đều có thể tự nói lên những suy nghĩ của mình với vấn đề đoàn kết của toàn dân, nhất là trong giai đoạn hiện nay”, em Nam cho hay.

Tương tự thí sinh Nguyễn Thị Kim Cúc – THPT Phú Xuân nhận xét, đề thi môn Sử năm nay tương đối khó so với mọi năm nên để đạt điểm khá trở lên cũng rất khó. “Các câu hỏi tương đối dài, em cũng làm được hết các câu tuy nhiên không chắc lắm với câu trả lời của mình. Cũng hi vọng đạt được kết quả cao một chút nhưng em cũng rất lo”, em Cúc nói.

Riêng thí sinh Ne Ry Bya (ngụ xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột), lại cho rằng đề thi năm nay rất khó, chỉ có mỗi câu 4 là được em làm nhiều nhất. “Dù chưa hết thời gian nhưng do em không làm thêm được nữa nên em ra về sớm, câu 4 em làm tương đối nhiều còn các câu còn lại em cũng làm nhưng phần trăm chắc chắn đúng khống nhiều”, thí sinh Ne Ry chia sẻ.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016, tại Đắk Lắk có 2 cụm thi với 24.139 thí sinh. Trong đó, cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì có 7.306 thí sinh và cụm thi do trường ĐH Tây Nguyên chủ trì với 16.833 thí sinh.

An Giang: Thí sinh than khó vì đề ra bên ngoài nhiều

Khoảng 9g30, hàng loạt thí sinh tại điểm thi số 4, cụm thi 59 trường Đại học An Giang ồ ạt rời khỏi điểm thi. Nhiều em cho rằng đề thi có một phần trúng tủ và dễ nhưng để đạt điểm tuyệt đối thì khó.

Bước ra khỏi trường đầu tiên, thí sinh Châu Minh Tuấn cho biết: “Đề thi năm nay khó hơn năm rồi vì cho bên ngoài nhiều. Chủ yếu là cho chiến dịch Điện Biên phủ. Tại em đam mê nghề công an nên mới chọn thi Sử. Năm nay chắc em làm khoảng 7 điểm”.

Thí sinh Dương Bích Phương, huyện Phú Tân, cho biết so với các môn thi trước đó thì môn Sử và Địa lý thì em làm được hơn. “Em không giỏi tính toán nên em chọn thi môn Sử. Vì đề năm nay cho bên ngoài nhiều nên môn này chắc em đạt khoảng 5 điểm” - em Phương nói.

Thí sinh Huỳnh Thị Thiện Như, huyện Phú Tân, cho biết có một phần trúng vào “tủ” nhưng đề ra bên ngoài nhiều nên hơi khó. “Bản thân em làm chừng 5 điểm. Sở dĩ em chọn môn Sử vì em học bài được hơn. Em hy vọng môn này đạt trên điểm trung bình là mừng rồi” - em Như nói.

Theo báo cáo từ Hội đồng thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2016 tại Cụm thi trường Đại học An Giang cho biết, trong đợt thi môn Sử sáng nay 4 – 7, có 2 điểm thi (3 và 4) với tổng số thí sinh thi là 2.483 em, đạt tỷ lệ 93,70%.

Đà Nẵng: Sử có nhiều câu “cho điểm”, thí sinh ra sớm

Tại điểm thi trường CĐ Lương thực thực phẩm Đà Nẵng, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi khi mới hết 2/3 giờ thi môn lịch sử. Theo nhiều thí sinh, đề thi sử năm nay dễ, nhiều câu “cho điểm” nên thí sinh làm được.

Thí sinh Ngô Thị Xuân Vy cho biết đề thi dễ vì không nặng về việc nhớ các mốc thời gian mà đòi hỏi thí sinh tư duy phân tích. “Em thấy chỉ có một vài câu là phải học thuộc như câu “nêu vai trò của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên”, câu “nguồn gốc cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật” còn lại các câu khác thí sinh có kiến thức thì đều làm được. Với đề thi này thì chắc là điểm 5 sẽ nhiều và không có điểm liệt”, Vy nói.

Trong khi đó thí sinh Dương Thị Ngọc Vy lại nhận định đề có nhiều câu “cho không điểm”: “Em thấy như câu phân tích về “đại đoàn kết” hay câu về sự tác động của chiến dịch Điện Biên Phủ là những câu cho không thí sinh điểm. Đề dễ vì ra toàn kiến thức cơ bản, chỉ cần hiểu ý là có điểm liền”.

Tại điểm thi Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng, nhiều thí sinh cũng ra về sau 2/3 thời gian làm bài thi. Thí sinh Lê Huỳnh Việt (Trường THPT Phan Chu Trinh) cho biết đề Lịch sử ngắn gọn. Phần lịch sử thế giới cũng "dễ nhằn" với nội dung hỏi về cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đầu thế kỷ XX.

Theo Việt, đề Lịch sử năm nay ra theo hướng mở. Thí sinh không cần phải học thuộc bài, chỉ cần am hiểu một chút và có tư duy xâu chuỗi sự kiện, đưa ra nhận định tốt là có thể làm được.

Thí sinh Trần Ngọc Anh (Trường THPT Thái Phiên), cho hay trước khi bước vào thi môn Lịch sử đã ôn kỹ các nội dung về biển đảo và các sự kiện cách mạng thời gian 1945. Dù "trật tủ" nhưng Anh vẫn tự tin vào kết quả thi vì đề không quá khó.

Tuy nhiên thí sinh Nguyễn Thị Thanh Phương (Trường THPT Trần Phú), lại cho rẳng đề thi Lịch sử khó hơn năm ngoái. Theo Phương, với kiểu ra đề này đòi hỏi thí sinh phải thư duy nhiều hơn, bản thân Phương chỉ làm được khoảng 6 điểm nên cảm thấy lo lắng. (TRƯỜNG TRUNG - TẤN LỰC)

Đắk Nông: đề thi bất ngờ, thí sinh “xoay không kịp”

Hết 2/3 thời gian thi môn Sử, tại điểm thi trường THPT Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã có lác đác thí sinh bước ra. Đa số đều chung một nhận định rằng đề Sử năm nay khó hơn mọi năm và gây bất ngờ.

“Phần lịch sử Việt Nam thì trước nay bọn em học ở trường đều tập trung học ở phần lịch sử từ năm 2000 trở lại. Nhưng đề năm nay lại ra chính sách của Đảng hiện nay, Việt Nam cách mạng thanh niên nên bọn em đều không làm được câu này. Còn phần thế giới lại ra về khoa học gây bất ngờ, môn thi này em chỉ mong được 5 điểm”, thí sinh Hoài Lâm (trường THPT Chu Văn An, thị xã Gia Nghĩa) nói.

Thí sinh Nguyễn Thị Mỹ Linh (Trường PTDTNT Nơ Trang Lơng) cũng nói đề năm nay "làm khó" thí sinh, những phần bạn tập trung ôn từ trước đến nay đều không có trong đề.

Đắk Lắk: Đề dễ hơn tưởng tượng

Sau 2/3 thời gian thi, thí sinh tại điểm thi Trường ĐH Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã về gần hết. Theo đánh giá chung của các thí sinh, đề Sử khá dễ và "chỉ cần học thuộc lòng là đủ".

Thí sinh Bùi Thị Thu Hà vui vẻ cho biết: "Đề dễ hơn tưởng tượng. Nếu ai học thuộc lòng thì chẳng cần hết 2/3 đã chép xong" - Hà vui vẻ nói.

Còn thí sinh H\' út Êban thì cho biết đề có mở ở câu cuối nhưng không quá khó. "Câu bốn yêu cầu trình bày suy nghĩ về đại đoàn kết dân tộc. Với câu mở này thì vừa tầm chứ không quá khúc mắc. Nói chung đề khá dễ"- H\'út cười tươi nói.

Cập nhật điểm chuẩn đại học năm 2016 nhanh nhất tại kenhtuyensinh.vn