Sự kiện: Việt Nam có quy hoạch nhân lực đến 2020

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng được quy hoạch nguồn nhân lực quốc gia.

Phát triển đất nước: nhân lực là nền tảng, lợi thế quan trọng nhất

Chiến lược này là Chiến lược tổng hợp cấp quốc gia để định hướng, làm cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch, chương trình và đề án phát triển nhân lực của các ngành, chuyên ngành, tổ chức và các địa phương.

Mục tiêu tổng quát phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 là đưa nhân lực Việt Nam trở thành nền tảng và lợi thế quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội, nâng trình độ năng lực cạnh tranh của nhân lực nước ta lên mức tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, trong đó một số mặt tiếp cận trình độ các nước phát triển trên thế giới.

Phấn đấu đến năm 2015, Việt Nam sẽ đạt 55% tỷ lệ lao động qua đào tạo; 40% tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề; 300 sinh viên ĐH, CĐ trên 10 nghìn dân; 5 trường dạy nghề đạt đẳng cấp quốc tế (đến năm 2020 là trên 10 trường dạy nghề đạt đẳng cấp quốc tế và trên trường đại học xuất sắc trình độ quốc tế); 100.000 giảng viên ĐH, CĐ…

Đến năm 2015, phấn đấu tuổi thọ trung bình của người dân đạt 74 tuổi, năm 2020 là 75 tuổi; chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam là trên 1,63m vào năm 2015 và trên 1,65m năm 2020; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi dưới 10 % vào năm 2015 và dưới 5% vào năm 2020.

Để phát triển nhân lực, những giải pháp đột phá được thực hiện bao gồm: Đổi mới nhận thức về phát triển và sử dụng nhân lực; đổi mới căn bản quản lý nhà nước về phát triển và sử dụng nhân lực. Cùng với đó, tập trung xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm như: Xây dựng một số cơ sở đào tạo bậc đại học và dạy nghề đạt trình độ quốc; đổi mới đào tạo và chính sách sử dụng cán bộ, công chức; xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo và chính sách trọng dụng nhân tài trong các lĩnh vực, đặc biệt là hình thành và phát triển đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong quản lý hành chính, ngoại giao và kinh tế đối ngoại, quản trị kinh doanh, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ, tư vấn hoạch định chính sách, pháp lý, y học, văn hóa, nghệ thuật; thực hiện đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh; triển khai quyết liệt đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành một nước mạnh về CNTT - truyền thông”, trong đó phát triển và đảm bảo nhân lực là giải pháp hàng đầu…

Mỗi Bộ ngành và địa phương phải xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực đồng bộ với chiến lược, kế hoạch phát triển chung của mình. Các doanh nghiệp và tổ chức phải có kế hoạch phát triển nhân lực. Bên cạnh đó, cần sử dụng rộng rãi, hiệu quả các cơ chế và công cụ của kinh tế thị trường để mở rộng quy mô, điều chỉnh cơ cấu ngành nghề đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực và huy động các nguồn vốn cho phát triển đào tạo nhân lực...

Vì sao cần có quy hoạch?

Nói rõ thêm về quy hoạch này trên Báo điện tử Chính phủ, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: “Có một thực tiễn là nhiều năm qua việc cung cấp nhân lực cho các ngành kinh tế xã hội mặc dù vẫn đáp ứng nhu cầu nhưng không thể đầy đủ, đặc biệt là trong những ngành đòi hỏi nhân lực có trình độ cao. Chúng ta cũng đã tìm cách lý giải điều này nhưng chưa trọn vẹn. Qua đánh giá tình hình cuối năm 2009 đầu năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải bổ sung một giải pháp quan trọng trong việc phát triển nhân lực đất nước. Đó là phải xây dựng một bản quy hoạch nhân lực 2011-2020.

(...)Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn và các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành xây dựng quy hoạch nhân lực từ cơ sở. Từ đó, mới có bản quy hoạch tổng hợp về nhu cầu phát triển nhân lực quốc gia 10 năm tới.

Về việc phối hợp thực hiện giữa các bộ, ngành, địa phương vốn chưa thật tốt từ trước đến nay được PV báo đưa ra, theo Phó Thủ tướng: "Chúng ta có thuận lợi là trong một năm rưỡi qua, khi các bộ, ngành địa phương xây dựng quy hoạch thì bắt đầu có sự phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tổng cục Dạy nghề. Có nghĩa là bên đặt hàng là các bên quản lý ngành và bên đáp ứng là ngành giáo dục và đào tạo, dạy nghề đã có sự gắn bó với nhau trong việc xây dựng kế hoạch.

Còn sắp tới là phải triển khai kế hoạch. Ví dụ khi chúng tôi họp về quy hoạch nhân lực khu vực Tây Nguyên thì thấy 5 tỉnh Tây Nguyên cần có nhân lực về văn hóa cho đồng bào Tây Nguyên, nhưng nếu cả 5 tỉnh mà chỉ có một trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật thì không hợp lý. Qua thảo luận đã thống nhất phương án chọn 1 trong 5 tỉnh Tây Nguyên để đặt 1 trường đại học văn hóa cho cả khu vực. Hoặc là khu vực Bắc Trung bộ có nhu cầu cần phải có một trường đại học văn hóa và trường thể thao thì thống nhất nên đặt ở Thanh Hóa vì Thanh Hóa trước đó đã có trường cao đẳng về văn hóa nghệ thuật, và trong 1 năm qua Thanh Hóa đã nỗ lực chuẩn bị rất tốt.

Trong ngày 22/7, đúng ngày Thủ tướng ký quyết định phê duyệt quy hoạch nhân lực thì cũng đồng thời đồng ý về chủ trương thành lập trường Đại học Văn hóa, Thể thao, Du lịch tại tỉnh Thanh Hóa cho vùng Bắc Trung bộ. Đó chính là sự phối hợp nhịp nhàng giữa Trung ương và các địa phương.

Còn một vấn đề nữa là sẽ cụ thể hóa quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cơ sở dạy nghề cả nước. Trên cơ sở quy hoạch này, từng địa phương sẽ xây dựng quy hoạch của mình. Thủ tướng đã yêu cầu hàng năm phải có báo cáo về kết quả thực hiện".
 

Tin liên quan:

 

Điểm thi đại học, điểm thi cao đẳng, điểm sàn đại học, điểm sàn cao đẳng, điểm sàn khối A

Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh qua email tại ô bên dưới.

Kenhtuyensinh (Nguồn Vietnamnet)