Tin liên quan

>> Học sinh vẫn đi xe máy đến lớp

>> Giam xe 60 ngày nếu học sinh đi xe máy đến trường

>> Tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông vẫn tiếp diễn

Học sinh vi phạm Luật Giao thông do ý thức người lớn

Mặc dù ngành giáo dục đã có quy định cấm học sinh đi xe máy phân khối lớn đến trường, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền và xử phạt, nhưng đến nay tình trạng trên vẫn diễn ra khá phổ biến và có sự "tiếp tay" của người lớn.

Ghi nhận vào giờ tan tầm tại các Trường THPT Marie Curie (quận 3), Trưng Vương, Gia Ðịnh (quận 1)... tình trạng học sinh đi xe máy tới trường vẫn còn phổ biến. Ðể tránh bị phát hiện, những học sinh này đều gửi xe tại các địa điểm gửi xe gần trường. Ngay trước cổng Trường THPT Gia Ðịnh có hai điểm giữ xe cho học sinh, số lượng xe máy gửi tại đây khá nhiều với đủ chủng loại từ xe số đến các loại xe tay ga phân khối lớn. Nhiều học sinh của Trường Marie Curie gửi xe tại một góc chung cư Lê Quý Ðôn-Ngô Thời Nhiệm, đến giờ tan trường các em đến lấy xe, mặc áo khoác để che đồng phục và vô tư hòa vào dòng xe đông đúc.

Ðại diện Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5) cho biết, trong những năm qua, nhà trường đã đưa Luật Giao thông đường bộ vào trong những tiết sinh hoạt đầu giờ nhưng tình trạng học sinh đi xe máy tới trường vẫn còn rất nhiều. Các học sinh này có thể gửi xe ở nhiều đơn vị hoặc các hộ dân chung quanh trường mà thẩm quyền của nhà trường không thể xử lý được. Bên cạnh đó, bản thân lực lượng cảnh sát giao thông cũng không thể kiểm soát hết lượng học sinh đi xe máy, hoặc vẫn chưa xử lý thật nghiêm khắc nên không thể ngăn chặn việc học sinh tham gia giao thông bằng xe phân khối lớn. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh - sinh viên (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) Dương Văn Bá, trong năm học 2011 - 2012 tại TP Hồ Chí Minh đã có gần 900 học sinh có tên trong danh sách vi phạm an toàn giao thông do phía công an cung cấp. Vi phạm tập trung ở các lỗi như chưa đủ tuổi đi xe gắn máy, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, lạng lách... "Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số ít những học sinh vi phạm luật lệ giao thông được gửi về trường, chứ trên thực tế số học sinh đi xe máy đến trường còn nhiều hơn" - ông Bá nói.

Ông Dương Văn Bá cho rằng, ý thức về an toàn giao thông ở đối tượng học sinh chưa cao và có sự "tiếp tay" của phụ huynh khi họ chưa nhìn nhận đúng về hành vi vi phạm này. Họ biện minh do bận công việc nên không thể đưa rước và việc để cho con em tự đi xe máy đến trường là một giải pháp tối ưu. Chính lối suy nghĩ này, người lớn đã góp phần "định hướng" cho con em họ xem thường kỷ cương, pháp luật ngay từ nhỏ.

Không chỉ vậy, hình ảnh những phụ huynh khi đến đón con ở cổng trường nhưng không nhắc nhở con đội mũ bảo hiểm cũng xảy ra khá phổ biến. Ngày 12-9 vừa qua, lực lượng cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu triển khai chiến dịch kiểm tra xử phạt các trường hợp trẻ em từ sáu tuổi trở lên được ba mẹ chở trên xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm thì tình trạng này mới giảm. Ðiều đó cho thấy, nhiều phụ huynh vẫn chưa ý thức được trách nhiệm của họ trong việc định hướng, gương mẫu cho con em mình.

Tiến sĩ tâm lý Ðinh Phương Duy, Chủ tịch Hội Tâm lý TP Hồ Chí Minh cho rằng, thanh niên ngày nay đang thiếu kỹ năng "định vị" bản thân mình, họ không biết mình là ai, dẫn đến những hành vi sai lệch. Chính vì thế, mỗi gia đình cần phải thay đổi tư duy trong giáo dục con cái về trật tự an toàn giao thông; đồng thời, phải kết hợp chặt chẽ với nhà trường theo dõi, uốn nắn kịp thời khi con có dấu hiệu vi phạm. Tuy nhiên, để học sinh không vi phạm luật lệ giao thông thì phụ huynh học sinh phải là người đầu tiên gương mẫu tuân thủ pháp luật.

Phải thông suốt từ “gốc”

Trong khi lực lượng chức năng và nhà trường tìm đủ mọi cách để hạn chế tình trạng học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy vi phạm luật giao thông, thì các em học sinh cũng tìm đủ cách thức và lý do để lách luật. Đặc biệt, phụ huynh học sinh lại “tiếp tay” bằng cách mua xe gắn máy cho con.

Các thông tin cho thấy, nhiều trường học đã tổ chức trao đổi với phụ huynh, yêu cầu ký kết không cho con em đi xe gắn máy. Phần lớn phụ huynh đưa ra rất nhiều lý do như: nhà xa, không có phương tiện khác, bố mẹ không thể đưa đón…

Một số lãnh đạo của các trường THCS và THPT thẳng thắn: Thứ nhất: việc học sinh đi xe máy tới trường vi phạm luật giao thông, lỗi này là do phụ huynh! Bởi phương tiện mà các em đến trường là do phụ huynh mua sắm, chứ nhà trường đâu có trang bị cho các em. Thứ hai: Các em điều khiển phương tiện giao thông ở ngoài đường, nhà trường không thể cử người chạy theo giám sát. Công việc này đã có các cơ quan chức năng. Thứ ba: các em gửi xe ở các bãi xe bên ngoài trường, vì thế đâu dễ dàng kiểm soát được. Vậy thì làm sao mà đổ lỗi cho nhà trường. Một vị hiệu trưởng than rằng: “Nhà trường tăng cường các tiết học để giáo dục cho các em chấp hành pháp luật, nhưng về nhà phụ huynh lại nuông chiều và đã “tiếp tay” bằng cách mua xe gắn máy để các em đến trường, vậy thì có giáo dục đằng trời đi nữa cũng khó mà nghiêm!”. Ông còn lên án, một số phụ huynh mua xe gắn máy cho con là tự làm hư hỏng con mình, tạo ra thói quen ngay từ nhỏ coi thường pháp luật. Điều này rất nguy hiểm và sẽ khó dạy dỗ về sau, vì rằng đây là thời điểm mà tất cả các tác động ngoại cảnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách của đứa trẻ.

Một luật sư ở TP.HCM bức xúc, khi phụ huynh đưa ra rất nhiều lý do như: nhà xa, không có phương tiện khác, bố mẹ không thể đưa đón… Vị luật sư này cho rằng, nói như thế là không thỏa đáng. Bởi không thể nhà xa hay lý do nào khác mà để con vi phạm luật, đó là chưa nói đến chuyện tai nạn có thể ập tới bất cứ lúc nào đối với người trẻ.

Theo quy định của luật Giao thông đường bộ hiện hành, từ 12 tuổi được đi xe đạp, từ 16 tuổi được đi xe máy 50 phân khối và từ 18 tuổi được học lấy giấy phép lái xe. Nhiều trường học đã nêu thực trạng khó kiểm soát học sinh đi xe máy lại xuất phát chính từ phía phụ huynh học sinh. Nhiều phụ huynh quá dễ dãi với con em nên đã mua xe máy để con đi học.

Điều đó cho thấy, các biện pháp hiện nay chưa đạt được hiệu quả cao, hao tốn rất nhiều tiền của cũng đúng. Bởi cái cần giải quyết thì không làm, cái không cần thì lại ráo riết “tăng cường”. Đành rằng chú trọng giáo dục pháp luật cho người trẻ là chuyện không thể thiếu, nhưng giải pháp căn cơ hiện nay là phải thông suốt từ “gốc”, gốc ở đây là cha mẹ học sinh cần phải ý thức việc chấp hành pháp luật, phải cứng rắn với đứa con yêu để tránh các nguy cơ xấu do điều khiển phương tiện giao thông có thể xảy ra với bản thân con em mình. Có như thế mới chặn được tai nạn giao thông liên tục xảy ra cho người trẻ.

 

Những tin tức đang được quan tâm:

Tuyển sinh - thông tin tuyển sinh - xét tuyển, tỉ lệ chọi

Điểm thi đại học - điểm chuẩn đại học - điểm thi

Kênh Tuyển Sinh (Nhandan - Thanhnien )