Việt kiều hiện được chia ra làm 3 nhóm khác nhau:

1. Những người rời khỏi Việt Nam hơn 20 năm về trước bằng đường biển.

2. Những du sinh trẻ, những doanh nhân... ra nước ngoài trong vòng 16 năm trở lại đây.

3. Những người được gia đình bảo lãnh theo diện đoàn tụ hay là hôn nhân.


Nhóm 1:

a. Nhóm này đã rời Việt Nam và đang định cư tại xứ người, nhiều nhất là ở Mỹ.

b. Nhóm này có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để bắt đầu cho cuộc sống tại xứ người, bởi vì:

- Lúc ra đi thì họ đã chấp nhận bỏ lại tất cả. Cho nên họ không ý tưởng nhìn lại, không so sánh để phải băn khoăn, hối tiếc. Họ đã có thái độ sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn phía trước.

- Họ nhận được những giúp đỡ tài chánh và mọi thứ cần thiết trong cuộc sống ngay từ những ngày đầu định cư.

- Nhóm người này bao gồm nhiều thành phần xã hội khác nhau, nhiều trình độ khác nhau:

+ Những người đã từng là công nhân, nông dân, làm việc chân tay thì cảm thấy thỏa mãn với những công việc mới tại xứ người (xét về mặt thu nhập và thái độ đối xử trong xã hội mới). Thế hệ thứ 2 của nhóm này cũng thành công nhiều trên con đường học vấn

+ Những người có bằng cấp tại Việt Nam thì lúc đầu cảm thấy bị hụt hẫng rất nhiều bởi vì phải làm lại tất cả từ đầu. Họ phải làm đủ thứ việc mà trước đây họ chưa từng làm. Tuy nhiên họ không còn có một chọn lựa nào khác cho nên dễ chấp nhận thực tế. Trong nhiều năm đầu, không ít những người trong nhóm này bị những người từng làm việc bằng chân tay coi thường, vì đã bị cho là "xuống cấp" cũng như có nguồn thu nhập kém hơn (vừa học vừa làm, hay là có làm thì cũng không bằng sức).

Người Việt ở Mỹ là ai? - Ảnh 1


Những người này dù có nói thật về những khó khăn tại xứ người nhưng vẫn bị gia đình trách móc vì nhận thấy những người ít học hơn mà lại thường xuyên gởi tiền về để giúp đỡ người thân rất nhiều. Đây cũng là những nỗi bức xúc lớn đối với nhóm này, trong những ngày chân ướt chân ráo tại xứ lạ quê người. Thế nhưng, thời gian đã giúp một số đông trong nhóm này vượt thoát những khó khăn, đạt được những thành quả đáng kể về mặt học vấn và nghề nghiệp chuyên môn. Thế hệ thứ hai của nhóm này cũng đạt nhiều thành tích đáng kể về mặt học vấn và ổn định tài chánh gia đình cho nên những mặc cảm ban đầu dần dần đã được san bằng.

c. Do hội nhập được với xã hội nơi xứ người cho nên họ mất dần cảm giác buồn lo trong cuộc sống (trừ cái lo riêng của từng cá nhân). Họ có nhiều bạn bè từ những người đồng hương gặp nhau ở trại chuyển tiếp, gặp nhau ở xứ người qua các khóa học hay từ nơi làm việc (bao gồm cả những sắc dân khác).

Thêm nữa, bây giờ mọi thứ đều được "toàn cầu hóa", từ thông tin qua mạng, điện thoại viễn liên giá rẻ và họ lại có điều kiện dễ dàng để về thăm Việt Nam cho nên chuyện nhớ nhà, nhớ quê hương, chuyện thiếu tình người... không còn là vấn đề đáng quan tâm trong nhóm người này nữa.


Nhóm 2: Nhóm này chiếm một tỷ lệ không lớn so với nhóm 1. Những người trong nhóm này đã rời Việt Nam bằng đường máy bay cho nên:

- Họ đã không trải qua những chặng đường khốn khổ trước khi định cư như những người trong nhóm 1. Họ thường thiếu sự chuẩn bị tư tưởng để chấp nhận khó khăn trước khi rời Việt Nam. Đôi khi nhóm này còn nhận được những thông tin sai lạc qua hình ảnh, những câu chuyện "nổ" của những người đi trước khiến họ mơ tưởng về một thiên đường nơi xứ lạ hơn là thấy được những thực tế khó khăn đang chờ đón.

- Họ có thể đang có một cuộc sống khá tốt, đang giữ một chức vụ cao cũng như sở hữu một số tài sản có giá trị khi còn ở Việt Nam. Chính vì vậy, khi đến định cư tại nước ngoài họ vẫn còn "vương vấn" với những thứ ấy cho nên rất khổ sở để đối đầu với một cuộc sống mới. Họ cảm thấy "nhục" khi phải làm những công việc không phù hợp với "trình độ" hay là "giai cấp" của họ như tại quê nhà.

- Họ không nhận được tài trợ như người bản xứ cho nên gặp nhiều khó khăn về mặt tài chính. Khó khăn về tài chánh sẽ dẫn đến nhiều khó khăn về mặt tinh thần. Vì thế mà nhóm người này rất khó hội nhập và rất khó thành công nếu không kiên trì và dẹp bỏ tự ái cá nhân.

- Du học sinh có học bổng thì ít gặp trở ngại về chuyện học nhưng lại phải lo về mặt tài chánh (vì học bổng không đủ cho cuộc sống) cho nên cuộc sống cũng khá vất vả.

- Những du học sinh nhà giàu thì không lo về mặt tài chánh nhưng phần lớn thì có sức học không cao cho nên dễ nảy sinh lối sống "thoáng" rồi dẫn đến chuyện lơ là việc học và thất bại. Những bạn trẻ này không có chỗ đứng nơi xứ người.

- Những du học sinh không có học bổng nhưng cũng không có nguồn tài chánh dồi dào chu cấp từ gia đình sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc học vì phải dành thì giờ để kiếm tiền để trang trải mọi chi phí. Nếu vượt qua nổi khó khăn, nhóm trẻ này có thể thành công và thích nghi với cuộc sống mới dễ dàng hơn. Nếu gặp thất bại thì cũng sẽ không có chỗ đứng trong xã hội xứ người.

- Ít bạn bè cộng với nỗi buồn nhớ quê nhà cùng những ràng buộc tình cảm gia đình trong nhóm này còn khá cao cho nên cuộc sống dễ bị chi phối và buồn chán. Cuộc sống tại xứ người rất nhàm chán đối với họ là chuyện hiển nhiên.


Nhóm 3: Nhóm này cũng chỉ là một con số rất nhỏ so với nhóm 1. Nhóm người nầy cũng tựa như nhóm 2 (chỉ khác là có một số có thể nhận được hỗ trợ tinh thần và tài chánh của thân nhân đi trước).

Nhóm người này cũng không dễ hội nhập nếu chưa dám bỏ hết những gì mà mình đã có trong khoảng thời gian ở tại quê nhà. Những ai từng làm việc bằng chân tay thì rất dễ hội nhập vì họ được nhiều hơn là mất khi đến xứ người. Cũng có một số cuộc hôn nhân bị đổ vỡ do đến với nhau bằng những tính toán tài chánh dành cho gia đình nhiều hơn là cho hạnh phúc của bản thân họ. Họ chỉ mượn đường đi để thực hiện cho được ý tưởng đó, những người này cũng nên thông cảm vì trên vai của họ có nhiều gánh nặng từ mọi phía.

Người Việt ở Mỹ là ai? - Ảnh 2


Nhóm này cũng cần thời gian mới hội nhập và san bằng những khác biệt về cuộc sống tại xứ người. Trong số này có những bậc phụ huynh được ra nước ngoài để đoàn tụ gia đình. Phần lớn, họ rất khó hội nhập với cuộc sống mới vì vấn đề tài chaính, ngôn ngữ, văn hóa, có khi còn vướng bận tình cảm con cái hiện còn ở Việt Nam. Thêm vào đó họ lại có nhiều thời giờ thừa thãi. Tất cả những thứ ấy đã khiến cho họ nhìn thấy cuộc sống tại xứ người không thể nào thích hợp.

Bạn Danny thì thuộc nhóm thứ hai. Những gì bạn Danny nêu lên về đời sống thực tế tại Mỹ thì khá đúng. Nhưng điều đó có thể là đúng về cuộc sống đa số của những người trong nhóm thứ 2 và 3 cùng một số nhỏ trong nhóm thứ 1 mà thôi.

Thêm nữa, những bài góp ý của Danny thì không hoàn toàn mang tính "chia sẻ" mà lại có lối viết châm biếm, coi thường những người, những nghề khác nhau tại Mỹ. Xu hướng này được thấy rõ trong các đoạn kết của các bài góp ý, nhất là mấy bài thơ. Chính điều này đã gây nhiều phẫn nộ cho một số độc giả. Nhưng cũng có không ít những bạn trẻ đồng tình với quan điểm của bạn Danny vì họ cũng cùng hoàn cảnh sống thuộc nhóm thứ 2 và 3.

Có một số độc giả chỉ trích Danny và muốn hành xử theo phương thức thiếu tinh thần dân chủ. Theo tôi, diễn đàn đã cho ta cơ hội để chia sẻ và nói lên ý kiến của người tham dự. Chúng ta có quyền phân tích, tranh luận để cho người đọc gần xa đánh giá qua các góp ý của mình. Nếu họ hiểu không đúng thì sự thiệt thòi sẽ thuộc về phần họ. Chúng ta không nên bào chữa một cách "phản tác dụng" vì thiếu tinh thần tôn trọng người khác và tính dân chủ. Không nên dùng diễn đàn để đánh giá thấp hay tệ hơn nữa là để mạ lỵ một nhóm người nào đó. Hãy biết lắng nghe và cũng không nên bắt ai phải xin lỗi cho dù mình nghĩ người đó đã cố tình xúc phạm. Nên nhớ rằng, có rất nhiều độc giả thầm lặng đang theo dõi và đánh giá diễn đàn.

Tôi cũng có cùng chung một số quan điểm như Danny khi nêu lên những thực tế của cuộc sống dẫn đến thành công.

Người Á châu của chúng ta luôn đánh giá sự thành công của một người qua bằng cấp. Người Tây phương thì đánh giá sự thành công qua tài năng của người đó.

Tài năng bao gồm học vấn nhưng không loại bỏ những năng khiếu khác nữa, chẳng hạn năng khiếu thể thao, âm nhạc, kịch nghệ, văn chương, kinh doanh ... Mỗi người một năng khiếu riêng và sẽ dẫn đến một thành công riêng. Có nhiều chính trị gia nổi tiếng không có bằng cấp cao nhưng họ có năng khiếu thuyết phục, có tài giao tế và điều hành. Những người chơi giỏi các môn thể thao, những ca sĩ, kịch sĩ, những văn sĩ, tài tử, những doanh nhân thành công (cũng không cần có bằng cấp) thì vẫn được ngưỡng mộ và đề cao như những nhà khoa học, những nhà trí thức khác vậy.

Tôi cũng đồng ý với những lời khuyên của Danny dành riêng cho những người có bằng cấp, có địa vị và cuộc sống tốt tại Việt Nam hiện nay hãy nên suy nghĩ kỹ trước khi định cư ở xứ người. Tuy nhiên Danny có vẻ chủ quan khi mà khuyên nhủ họ nên bỏ học để quay sang làm giàu bằng con đường khác như mình. Điều này khiến người đọc nghĩ rằng bạn quá đề cao thành công của mình.

Hơn nữa, bạn Danny lại đưa ra những so sánh về con số thu nhập có vẻ như với hàm ý coi thường những người có bằng cấp. Đáng lý ra bạn phải biết tôn trọng tất cả mọi người dù họ đang làm nghề gì và thành công bằng cách nào, kể cả những người có bằng cấp hay không có bằng cấp.

Phải chăng chính vì vậy mà có nhiều người đã phản ứng "bất bình" để rồi bây giờ bạn mới chợt hỏi (hay là than phiền), rằng: Muốn chia sẻ kinh nghiệm sao khó quá?

Cũng chẳng nên băn khoăn nhiều như thế bạn à! Chúc bạn đạt được mọi ước nguyện trong đời mình để có cơ hội giúp ích cho quê hương và những người có hoàn cảnh cần quan tâm, như bạn đã luôn nhắc đến. Sự thành công của bạn sẽ khiến mọi người thay đổi cách nhìn về bạn. Cố gắng nhiều hơn nữa bạn nhé và mong nhận thêm những bài viết thực sự chia sẻ của bạn trong tương lai.


Theo vnexpress